Rà soát dịch vụ “tự chế” trên di động

Vụ việc mạng Viettel và VinaPhone từng bị Bộ Thông tin và Truyền thông “thổi còi” vì cung cấp nhạc chuông chờ nhạy cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đã khiến các nhà mạng giờ đây có ý thức hơn trong việc kiểm soát nội dung di động.

Hết thời nhạc “sởn gai”

Cách đây vài tháng, nhiều thuê bao có thể dễ dàng truy cập vào website của nhà mạng để đăng ký những bản nhạc chuông chờ tự chế “để đời” như: “Thuê bao thất tình ngồi uống rượu một mình. Thuê bao hiện nay đang đơ đơ, xin vui lòng không nháy máy làm phiền hoặc Đừng làm phiền chồng chị nghe em! Cót ca cót két lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”... Đến nay, dịch vụ nhạc chuông chờ “sáng tạo” kiểu này đã không còn, nhờ sự kiểm soát gắt gao của nhà mạng.

Phóng viên Tin Tức vừa thực hiện các bước hướng dẫn để đăng ký nhạc chuông chờ tự chế của VinaPhone và Viettel. Tuy nhiên, sau mỗi lần thu hoặc hoàn thành xong bản nhạc tự chế, các nhà mạng đều có bộ phận thẩm định và sẽ thông báo lại cho khách hàng về nhạc chuông đó có được chấp nhận hay không? Điều này khác với trước kia, khi nhà mạng buông lỏng, nhất là trong khâu hợp tác với các công ty cung cấp dịch vụ nội dung (CP) nên đã từng ra có tình trạng: VinaPhone bị “tố” cung cấp clip khêu gợi...

Các nhà mạng đang nỗ lực kiểm soát dịch vụ nhạc chờ trên điện thoại di động. Ảnh: CTV


Đại diện Viettel Telecom cho biết: Hệ thống nhạc chờ của Viettel hiện có hơn 280 nghìn mã số nhạc chờ được phép kinh doanh. Nhạc chờ mang tính cá nhân rất cao vì khách hàng có thể tự do lựa chọn các bài nhạc chờ phù hợp với nhu cầu sử dụng của mình. Để hạn chế các nội dung không lành mạnh, Viettel đã kiên quyết loại bỏ các bài nhạc chờ nhạy cảm và không cho phép tồn tại hệ thống nhạc chờ chế trong dịch vụ nhạc chờ Imuzik. “Imuzik sáng tạo” cho phép người dùng tự thu âm giọng hát, giọng đọc của mình để làm nhạc chờ cho chính mình. Với dịch vụ này, việc kiểm duyệt cũng rất chặt chẽ để đảm bảo không tồn tại các bài nhạc chờ phản cảm. Phía VinaPhone và MobiFone cũng cho biết thêm: Họ đã có những cơ chế kiểm duyệt rất chặt chế nội dung các bản nhạc tự sáng tạo của khách hàng trước khi đưa lên hệ thống.

Theo bà Nguyễn Thu Hồng, phụ trách truyền thông của VinaPhone, VinaPhone đã yêu cầu các đối tác tuân thủ việc đảm bảo nội dung bài hát, bản nhạc chờ không trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam và các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, bộ phận nội dung của VinaPhone sẽ kiểm soát chặt chẽ nội dung bài hát trước khi đưa lên hệ thống. “Nhà mạng chỉ cho phép cung cấp các đoạn nhạc sáng tạo có đăng ký bản quyền với Cục bản quyền tác giả hoặc được MobiFone kiểm tra kỹ chi tiết lời bài hát”, phía MobiFone cũng khẳng định.

Hạn chế vi phạm bản quyền

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, đại diện của ba mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone đều cho rằng: Bên cạnh việc giao cho các đơn vị cung cấp nội dung, các nhà mạng đều kiểm duyệt chặt chẽ về mặt bản quyền tác phẩm âm nhạc. Các bản nhạc chờ này đều được cung cấp bởi các đơn vị cung cấp nội dung, là đối tác của nhà mạng. Theo đó, các nhà cung cấp nội dung sẽ phải trả phí bản quyền cho đơn vị cung cấp nội dung gốc (có thể là ca sĩ, nhạc sĩ, công ty hoặc tổ chức đại diện của ca sĩ/nhạc sĩ...).

Phía Viettel Telecom cho biết thêm: Các bản nhạc chờ này được cung cấp bởi các đơn vị đối tác của Viettel là các CP có tư cách pháp nhân và giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số. Viettel trả phí bản quyền gián tiếp cho các CP theo các quy định trong hợp đồng giữa hai bên. Các CP của Viettel sẽ phải trả phí bản quyền cho các tác giả hoặc ca sĩ tùy theo quy định trong hợp đồng của CP với đơn vị cung cấp nội dung gốc (có thể là ca sĩ, nhạc sĩ, công ty hoặc tổ chức đại diện của ca sĩ/nhạc sĩ).

Để hạn chế việc vi phạm bản quyền, Viettel đã xây dựng quy trình kiểm duyệt nội dung do đối tác cung cấp gồm kiểm duyệt về chất lượng nội dung và giấy tờ bản quyền cụ thể cho một bài nhạc chờ đưa lên hệ thống chờ phê duyệt để kinh doanh. Theo đó một bài hát được đưa lên hệ thống đều phải đảm bảo có giấy tờ chứng nhận bản quyền của nhạc sĩ/ca sĩ/đơn vị đại diện hợp pháp, nhằm đảm bảo đầy đủ quyền tác giả và quyền bản ghi. Trong trường hợp phát sinh khiếu nại về vi phạm bản quyền, các bài hát trong tranh chấp được tạm ngừng kinh doanh, Viettel hỗ trợ giải quyết triệt để việc tranh chấp bản quyền và yêu cầu CP bồi thường cho bên bị vi phạm (nếu có) đồng thời áp dụng chế tài xử phạt việc vi phạm bản quyền với CP nhằm hạn chế tối đa việc vi phạm bản quyền.

M.Phương - T.Hiền (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN