Nữ phi hành gia Trung Quốc chuẩn bị lên đường

Ngày 16/6, một trong hai cái tên Lưu Dương hoặc Vương Á Bình sẽ được công bố chính thức trong danh sách phi hành đoàn 3 người của tàu Thần Châu 9, tàu vũ trụ có người lái đầu tiên được Trung Quốc phóng lên quỹ đạo kể từ năm 2008 và là sứ mạng vũ trụ đầu tiên của nước này có sự tham gia của một nữ phi hành gia.

 

Trong hành trình dài 13 ngày, con tàu sẽ lắp ghép với Thiên Cung 1, một mô đun thử nghiệm, được phóng từ tháng 9 năm ngoái và hiện đã bay quanh quỹ đạo trái đất.

 

Phi thuyền sẽ được phóng sớm nhất vào ngày 16/6, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, và theo truyền thống, danh tính của ba phi hành gia trên phi thuyền Thần Châu 9 sẽ chỉ được thông báo trước khi cất cánh vài giờ.

 

Tuy nhiên, hôm 11/6, tờ Nhân dân Nhật báo đã đưa ra một thông báo ngắn kèm hình ảnh về hai nữ phi hành gia lọt vào danh sách rút gọn. Đó là hai nữ phi công kỳ cựu Lưu Dương và Vương Á Bình, đều ở tuổi 34.

 

 

Thiếu tá Lưu Dương từng được ca ngợi là phi công "kiểu mẫu". Ảnh Internet.

Thiếu tá Lưu Dương, người tỉnh Hà Nam, từng được ca ngợi là phi công “kiểu mẫu” và thể hiện “sự bình tĩnh hiếm thấy” với việc hạ cánh an toàn hồi tháng 3/2010 sau khi máy bay bị 18 con bồ câu va phải.

 

Cạnh tranh cùng Lưu Dương là đại úy Vương Á Bình, người tỉnh Sơn Đông. Cô có thể lái bốn loại máy bay và từng thực hiện sứ mệnh phân phối hàng cứu trợ sau trận động đất ở Tứ Xuyên vào năm 2008 cũng như sứ mệnh xua mây trên bầu trời Bắc Kinh trong thời gian diễn ra Olympic 2008.

 

Cho đến nay, chỉ có bảy quốc gia từng đưa phụ nữ lên quỹ đạo và chỉ có hai quốc gia là Liên Xô (cũ) và Mỹ thực hiện điều này bằng chính các phi thuyền của họ. Nữ phi hành gia của Liên Xô Valentina Tereshkova đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ vào năm 1963.

 

Thông tin về hai nữ phi hành gia được đăng trên trang web Netease đã thu hút hơn 76.000 người tham gia bình luận và nó trở thành chủ đề được bàn tán nhiều thứ hai trên trang mạng Sina Weibo của Trung Quốc.

 

Đại úy Vương Á Bình, một trong hai nữ phi hành gia lọt vào danh sách chọn lựa cuối cùng. Ảnh Internet.

Tiêu chuẩn chọn lựa nữ phi hành gia là một trong những chủ đề bàn tán sôi nổi nhất. Một người tham gia Sina Weibo viết trên blog: “Tôi nghe radio nói các nữ phi hành gia không được có mùi cơ thể hoặc răng sâu. Điều quan trọng nhất là họ phải có chồng, có con và phải sinh con qua đường tự nhiên, chứ không được sinh mổ”. Theo BBC, lý do của việc này là các vết sẹo có thể rách ra trong vũ trụ, các vấn đề về răng có thể gây biến chứng nghiêm trọng và mùi cơ thể sẽ gây khó chịu trong khoang tàu đóng kín!

 

Một số tờ báo khác lý giải việc chọn phụ nữ có con có thể xuất phát từ lo ngại rằng chuyến bay vũ trụ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh nở của phụ nữ. Tuy nhiên, một quan chức thuộc chương trình vũ trụ Trung Quốc đã khẳng định không có yêu cầu về việc nữ phi hành gia là phụ nữ đã có con. Theo quan chức này, tiêu chuẩn chọn lựa nữ phi hành gia cũng tương tự nam giới và “điều duy nhất khác biệt là, những người có chồng sẽ được ưu tiên vì họ trưởng thành hơn cả về tinh thần và thể xác”.

 

Hiện nay các nhà du hành đã tới trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền, thuộc tỉnh Cam Túc và tiến hành những thử nghiệm cuối cùng.

 

Ông Pang Zhihao, nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc cho biết, tàu Thần Châu 9 sẽ tiến hành cuộc lắp ghép có người lái đầu tiên ngoài không gian với môđun Thiên Cung 1, và cho phép các nhà du hành bước vào môđun này. Những con bướm sống cũng sẽ được mang theo vào vũ trụ để phục vụ các thí nghiệm khoa học.

 

Theo ông Pang, một loạt các loại thức ăn cũng đã được chuẩn bị, với hơn 80 loại thực phẩm và đồ gia vị, gồm cả giấm, tiêu – nhiều hơn bất cứ sứ mạng không gian nào trước đây. Các nhà du hành cũng lần đầu tiên mang theo cả một máy làm nóng thức ăn để đảm bảo có những bữa ăn nóng hổi mỗi ngày.

 

Cuộc sống của họ trong vũ trụ cũng khá sinh động. Ngoài việc tiến hành các thí nghiệm khoa học, họ có thể xem phim từ laptop, gửi email với khả năng đính kém lên tới 8 megabyte qua vệ tinh. Họ cũng có thể trò chuyện video với gia đình.

 

Ông Pang cũng cho rằng, các nữ phi hành gia có khuynh hướng “quan tâm và nhạy cảm hơn với các kỹ năng liên lạc tốt hơn đồng nghiệp nam”. Họ có khả năng xử lý tốt hơn các mối quan hệ với các đối tác trong vũ trụ, một yếu tố quan trọng trong các hành trình dài như một chuyến bay tới sao Hỏa.

 

 

T.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN