Nghiên cứu KHXH&NV ở Việt Nam khó bứt phá

Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII được đánh giá là một trong những văn kiện quan trọng nhất tác động tới hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) Việt Nam. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Minh Phong (ảnh), Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII và những tác động tới hoạt động KH&CN nói chung và lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) ở Việt Nam nói riêng.

´Là nhà khoa học có thâm niên gần 30 năm nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, ông đánh giá thế nào về Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII đối với công tác nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?

Có thể nói, Nghị quyết TƯ 2 Khóa VIII đã bước đầu khẳng định vai trò của KH&CN trong sự phát triển KT-XH của đất nước. Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi cũng như khó khăn của hoạt động KH&CN tại Việt Nam, Nghị quyết TƯ 2 đã đề xuất bước phát triển đúng hướng hơn cho hoạt động KH&CN. Trong 10 năm qua, Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII đã được cụ thể hóa bằng nhiều thông tư và các văn bản pháp lý cho hoạt động KH&CN như: tăng cường tính tự chủ cho các tổ chức KH&CN; tăng đầu tư và mở rộng cơ chế; tạo điều kiện cho nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII chưa giải quyết được tận gốc những vấn đề cấp thiết của hoạt động KH&CN, chưa có sự thay đổi nhiều về những vấn đề quan trọng của hoạt động KH&CN như: cơ chế quản lý và hiệu quả đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu chưa cao, hoạt động KH&CN vẫn theo cơ chế hành chính... làm cho các nhà khoa học ít có động lực để nghiên cứu. Một vấn đề rất quan trọng nhưng trong Nghị quyết TƯ 2 khóa VIII chưa nói tới đó là người đứng đầu các viện, tổ chức nghiên cứu... vẫn bổ nhiệm theo cơ chế hành chính, có nhiều nhà lãnh đạo đơn vị nghiên cứu khoa học chưa hề làm nghiên cứu thì hoạt động nghiên cứu khó phân bổ, định hướng để đạt kết quả tốt. Thêm vào đó, đầu tư cho khoa học ở Việt Nam so với thế giới đã ít mà sử dụng chưa hợp lý thì hoạt động KH&CN rất khó có những bứt phá.

´Theo ông, trong nghiên cứu KHXH thì các nhà khoa học đang gặp những thuận lợi, khó khăn gì và ông đánh giá thế nào về nghiên cứu KHXH trong thời gian tới?

Theo tôi, cùng với khó khăn chung của ngành khoa học thì nghiên cứu KHXH&NV cũng còn có những khó khăn. Hiện nay, những đề tài, nghiên cứu của ngành KHXH&NV ít được lựa chọn hơn. Bên cạnh đó, ngành KHXH&NV thiếu những cơ chế khuyến khích nghiên cứu những vấn đề xã hội mang tính “chiều sâu”. Những đề tài nghiên cứu của ngành KHXH&NV vẫn thiếu “đất” phát triển và chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Nghiên cứu KHXH&NV đang gặp khó.


Ngoài ra, trong nghiên cứu KHXH&NV thì vẫn còn tình trạng cung chưa gặp cầu. Nếu cung nhiều mà chưa gặp được cầu từ các tổ chức, doanh nghiệp... thì KHXH&NV chưa thể bứt phá vì ngành KHXH&NV. Hiện nay, nghiên cứu KHXH&NV “sống” dựa vào ngân sách nhà nước mà nguồn này thì có hạn nên KHXH&NV vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Không được coi là hàng hóa thì không thể thương mại hóa và đương nhiên sẽ không tạo được nguồn tài chính để phát triển.

Một thực tế đáng lo ngại nữa là sinh viên theo học ở những ngành khối C đang giảm mạnh, trung bình 100 chỉ tiêu thì chỉ có 2,3 chỉ tiêu theo học, điều đó tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ cho ngành KHXH&NV trong tương lai. Đây cũng là nhân tố cho thấy ngành KHXH&NV khó có sự bứt phá nếu không có đầu tư để thu hút “chất xám” cho ngành.

´Để ngành KHXH&NV bứt phá, cần những giải pháp gì thưa ông?

Để ngành KHXH&NV bứt phá, theo tôi cần thiết phải thay đổi cơ chế chính sách về đãi ngộ cán bộ KHXH&NV, thay đổi điều kiện làm việc... để nhà khoa học sống được bằng nghề của mình.

Nghiên cứu KHXH&NV không phải sản xuất trực tiếp, “kén” người dùng, ít thị trường nên khó thương mại hóa... Vì vậy, phải xác định hoạt động ngành KHXH&NV là hoạt động công ích, phi lợi nhuận nên nghiên cứu KHXH&NV cần được hỗ trợ nhiều hơn từ nguồn công ích. Thực tế, hiện nay cho thấy, chỉ có Nhà nước và liên hiệp hội đặt hàng ngành KHXH&NV còn chưa có DN hay tổ chức nào đặt hàng nghiên cứu.

Năm 2011 vừa qua, đã có hàng loạt văn bản cho phép mở rộng về cơ chế tài chính, đầu tư... Tôi hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm những động lực giúp hoạt động KH&CN nói chung và hoạt động nghiên cứu KHXH&NV nói riêng có những kết quả tốt hơn.

Phương Hoàn - Ngũ Hiệp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN