Mùa nắng nóng, làm gì để không bị thợ sửa điều hòa 'chặt chém'?

Dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong mùa hè nắng nóng này. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng cảm thấy không hài lòng với những chiêu “vòi tiền” của thợ điều hòa mặc dù đã phải trả tiền công đầy đủ.

Lưu ý khi lắp đặt điều hòa mới

Thông thường, khi có ý định sắm điều hòa, khách hàng thường đến các siêu thị bán lẻ hoặc các cửa hàng để đặt mua điều hòa và tự thuê thợ đến lắp. Với những khách hàng am hiểu về điều hòa thì không có vấn đề gì đáng bàn nhưng với những khách hàng không am hiểu thì đó lại là một cơ hội tốt để thợ điều hòa tranh thủ “chặt chém”.

Một kĩ sư nhiều kinh nghiệm tại Trung tâm điện máy Trần Anh dẫn chứng, lắp đặt 1 chiếc điều hòa của LG S09ENAN 9.000BTU với khoảng cách 4 mét thì khách hàng sẽ phải bỏ chi phí cho 4 mét dây ống đồng, 4 mét gen bảo ôn, khoảng 8 mét vải bọc bảo ôn, 4 mét dây điện, 4 ống nước thải.

Khách hàng cần chọn những trung tâm bảo dưỡng uy tín để không bị thợ điều hòa “chặt chém”.

Nếu khách hàng không tinh ý, thợ điều hòa có thể “khai man” khoảng cách thêm 2 mét (tức là khai từ 4 mét lên 6 mét), những phụ kiện kia cũng “ăn gian” theo số mét tương ứng. Và kết quả là khách hàng phải thanh toán số tiền cho thợ điều hòa theo sự “ăn gian” này. Chưa kể đến việc thợ điều hòa khai khống tiền phụ kiện như dây ống đồng thường đắt gấp 3 - 4 lần so với giá bán buôn, dây điện báo giá gấp 2 lần…

Theo các kĩ sư tại Trung tâm Trần Anh, khi có nhu cầu mua điều hòa mới và lắp đặt, khách hàng cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Quan sát và đo đạc cẩn thận: Đo khoảng cách giữa giàn nóng và giàn lạnh để ước tính được số mét thực tế cần phải chi trả cho tiền phụ kiện.

- Kiểm tra báo giá về tiền ống đồng, tiền gen bảo ôn, tiền vải bọc bảo ôn, tiền dây điện, tiền ống nước thải hiện đang được bán trên thị trường để không bị thợ “khai man”, “chặt chém”.

- Nên hỏi giá và thống nhất trước khi làm. Không nên cam kết bằng lời nói mà nên sử dụng văn bản để tránh tình trạng báo giá một đường, khi thanh toán lại độn giá lên cao.

- Nên tìm các địa chỉ uy tín, tin cậy với bảng giá lắp đặt đầy đủ, rõ ràng cùng dịch vụ chất lượng để lắp đặt điều hòa.

Lưu ý khi sửa chữa và bảo dưỡng điều hòa

Anh Hoàng Vũ (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm: “Tuần trước nhà tôi bật điều hòa thì không thấy mát nữa. Tôi có tìm một địa chỉ trên mạng và gọi nhân viên tới kiểm tra. Sau khi kiểm tra xong, anh ta bảo máy lạnh hư bloc, sửa hết 4,5 triệu đồng (điều hòa nhà tôi là loại công suất 1.5 HP). Tôi nghĩ tiền sửa bằng nửa giá mua máy mới nên quyết định không sửa nữa. Sau đó, tôi được bạn cho số một thợ chuyên sửa điện lạnh. Anh này đến kiểm tra và nói máy nhà tôi chỉ hỏng tụ điện khởi động bloc, tổng chi phí thay thiết bị chỉ vài trăm nghìn đồng”.

Với việc sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa, một số thợ sửa điều hòa trên thị trường có nhiều chiêu trò để “chặt chém” khách hàng như: Hỏng ít báo hỏng nhiều, không hỏng cũng chọc cho hỏng, sửa một báo hai… bởi không phải khách hàng nào cũng am hiểu về điều hòa để tự sửa chữa.

Một chiêu lừa khác là thợ sửa báo hỏng linh kiện, nếu thay sẽ mất một khoản tiền lớn. Khách hàng nào xót tiền thay phụ kiện nên bán luôn, thợ sửa điều hòa sẽ mua lại với giá “đồng nát” và đem về thay linh kiện, bán rồi bỏ túi đến vài triệu đồng.

Khách hàng cũng thường dễ bị “chặt chém” bằng việc bơm thêm gas vào điều hòa. Số tiền thợ sửa báo khách nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng gas còn lại trong máy. Thế nhưng, có rất ít thợ bảo dưỡng bơm gas thật và đây lại là “cơ hội tốt” để họ móc ví khách hàng.

Vì vậy, khi điều hòa của bạn “mắc bệnh” và cần phải sửa chữa, bảo dưỡng, hãy lưu ý một số điểm sau:

- Đầu tiên, khách hàng nên trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về máy điều hòa.

- Thứ hai, nếu khách hàng bật điều hòa mà thấy không lạnh dù đã để ở nhiệt độ thấp thì có thể là do bụi bẩn bám vào giàn nóng. Vì vậy, khách hàng chỉ cần gọi thợ sửa điều hòa đến vệ sinh giàn nóng là có thể dùng được.

- Thứ ba, sau một khoảng thời gian dài sử dụng, nếu thấy điều hòa hao tốn điện hơn hẳn bình thường, có thể điều hòa của khách hàng tích tụ quá nhiều bụi bẩn tại bề mặt dàn nóng, dàn lạnh hay lưới lọc… gây trở ngại cho việc trao đổi nhiệt. Khách hàng có thể gọi thợ bảo dưỡng đến vệ sinh dàn nóng, dàn lạnh và bảo dưỡng định kỳ 3-6 tháng một lần.

- Nếu máy điều hòa của khách hàng bị chảy nước, có thể là nghẹt đường ống thoát nước do bụi bẩn. Khách hàng nên lưu ý, đây không phải do hỏng động cơ mà chỉ cần vệ sinh đường ống là có thể sử dụng được bình thường.

- Khi gọi thợ sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa đến, khách hàng nên hỏi để biết lý do dẫn đến hiện tượng máy điều hòa hỏng trước khi đồng ý tiến hành vệ sinh và bảo dưỡng máy.

- Khách hàng nên tìm các địa chỉ uy tín, tin cậy với bảng giá lắp đặt đầy đủ, rõ ràng cùng dịch vụ chất lượng để sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa.

H.Dương/Báo Tin Tức
3 ứng dụng giúp điều khiển điều hòa bằng smartphone
3 ứng dụng giúp điều khiển điều hòa bằng smartphone

Với những ứng dụng này, bạn sẽ không cần phải sử dụng đến điều khiển mà vẫn có thể điều chỉnh nhiệt độ hay các chức năng, chế độ trên điều hòa nhà mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN