Đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh

Tại buổi gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) sáng ngày 10/3, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra các giải pháp xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Đại diện Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), ông Nguyễn Cao Văn - Giám đốc Trung tâm CNTT VNPT TP Hồ Chí Minh, cho biết vừa qua VNPT và UBND TP Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác tư vấn khung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Để triển khai thực hiện đề án này, VNPT Hồ Chí Minh đã chủ động cùng các đối tác chiến lược nghiên cứu phát triển, đề xuất những giải pháp cụ thể thực hiện hoặc thí điểm giải quyết các vấn đề đặt ra của thành phố; tư vấn hỗ trợ cho thành phố khi có yêu cầu, đảm bảo hạ tầng ICT cho các ứng dụng ICT của đô thị thông minh...


Theo đó, VNPT Hồ Chí Minh xây dựng các giải pháp hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch của thành phố (cho doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý, nhà đầu tư…) và các hệ thống quy hoạch của thành phố. Trong đó, các giải pháp, dịch vụ tích hợp như Chính phủ điện tử được VNPT chú trọng, bởi đây là cơ sở để giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước theo cơ chế một cửa.

VNPT tự tin đưa ra các giải pháp phát triển đô thị thông minh tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: CTV

Ngoài ra, giải pháp quản lý, điều hành văn bản (VNPT-iOffice) giúp cơ quan nhà nước thực hiện hóa các mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ cũng được VNPT triển khai. Hiện nay, VNPT đã cung cấp cho 6000 đơn vị, có mặt tại 61 tỉnh, thành. Liên thông văn bản với Văn phòng Chính Phủ cho 11 đơn vị (Bộ Xây dựng và các Tiền Giang, Hà Giang, Nam Định, Sơn La, Cao Bằng, Phú Thọ, Lào Cai, Sóc Trăng, Tuyên Quang, Ninh Bình). 


Dịch vụ chữ ký số, bao gồm chữ ký số, chứng thư số, thuế điện tử, nghiệp vụ hải quan điện tử, hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp cho rằng cũng cần phải đẩy mạnh thực hiện. Song song đó còn có các ứng dụng khác như ngân hàng điện tử, chứng khoán điện tử.


Không chỉ VNPT, nhiều doanh nghiệp công nghệ cũng đưa ra các giải pháp đẩy mạnh y tế thông minh nhằm phục vụ các công tác quản lý hoạt động chuyên môn và liên kết thông tin trong lĩnh vực y tế. Đặc biệt, giải pháp Trung tâm điều hành cấp cứu thông minh, giúp giải quyết được những khó khăn, bất cập của công tác điều hành mạng lưới cấp cứu ngoại viện hiện nay.


Theo đó, giải pháp này sẽ thay thế quy trình thủ công bằng hệ thống tự động, tin học hóa từ khâu tiếp nhận cấp cứu cho đến khâu hoàn tất hồ sơ chuyển viện an toàn cho bệnh nhân; giảm thiểu các trường hợp bị động, trục trặc tại một số khâu còn bất cập trong quy trình hiện tại và gia tăng tốc độ xử lý thông tin cấp cứu; phục vụ công tác thống kê báo cáo cho Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

Mô hình thành phố thông minh, hiện đại đang được UBND TP Hồ Chí Minh hướng tới. Ảnh: CTV

Giải pháp chống kẹt xe bằng việc lắp camera thông minh cũng được nhiều doanh nghiệp đề xuất. Ông Lã Mạnh Cường, Giám đốc Chiến lược và Kinh doanh Công ty Honeynet, chia sẻ thực tế hiện nay, cơ sở hạ tầng phát triển không theo kịp các các phương tiện giao thông, khiến TP Hồ Chí Minh luôn bị ùn tắc, kẹt xe hầu hết các giờ trong ngày, thay vì những giao cao điểm như trước đây.

Theo đó, việc lắp camera giám sát giao thông sẽ giúp cho Sở Giao thông vận tải không chỉ có thể thu thập các dữ liệu quan trọng phục vụ cho công việc giám sát lưu lượng giao thông, như chiều dài hàng xe đang nối đuôi nhau, tốc độ trung bình của phương tiện tham gia giao thông tại một thời điểm nhất định, khoảng các giữa các xe tham gia giao thông, tỉ lệ thời gian xảy ra ùn tắc trên đường mà còn cung cấp các chức năng thông minh khác (cảnh báo sớm, báo án – báo trộm, xử lý hình ảnh, hiển thị thông tin trên bản đồ GIS,…).


Ngoài ra, giải pháp còn cung cấp hệ thống chương trình xử lý nghiệp vụ phối hợp giữa các bộ phận an ninh, cảnh sát 113, cứu hỏa 114 và trung tâm cấp cứu 115… tạo thành quy trình tiếp nhận - xử lý sự cố khép kín từ khâu tiếp nhận - điều phối thông tin - xuất lệnh công tác - điều động nhân sự thừa hành - kết thúc và thống kê báo cáo.


Giải pháp môi trường thông minh cũng được đưa ra thảo luận, đây là giải pháp nhằm xây dựng hệ thống tiếp nhận thông tin cần xử lý về môi trường như: chất thải, rác thải... thông qua App, SMS hoặc điện báo. Từ đó, hệ thống điều hành xử lý vấn đề môi trường từ khâu tiếp nhận cho đến khâu hoàn tất quá trình xử lý.


Có thể nói, việc xây dựng các giải pháp cho đô thị thông minh nằm trong định hướng chiến lược Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh nhằm thực hiện hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X về xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hiện đại. Vì thế, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền điện tử, cải cách hành chính, áp dụng mô hình thành phố thông minh, hiện đại ở các lĩnh vực luôn được UBND Thành phố quan tâm.

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh định hướng trong năm 2017 là năm thúc đẩy xã hội hóa nhiều chương trình ứng dụng CNTT, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp.

Gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) năm 2017 có sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ Bộ ngành trung ương và địa phương, các sở, ban ngành, quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp. Sự kiện được chủ trì bởi UBND TP Hồ Chí Minh do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức với sự phối hợp của Hội Tin học TP Hồ Chí Minh và Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung.


Hải Yên
Đề xuất xây dựng thành phố thông minh tại Bắc Giang
Đề xuất xây dựng thành phố thông minh tại Bắc Giang

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Hà vừa có buổi làm việc với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về việc hợp tác xây dựng thành phố thông minh (Smart City) tại tỉnh Bắc Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN