Để Hòa Lạc trở thành khu công nghệ cao hiện đại nhất Việt Nam và khu vực

Sau 13 năm triển khai, đến nay, khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc vẫn chưa phát triển như mong đợi. Bức tranh đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc đang trong tình trạng “chắp vá”. Vì vậy, việc khắc phục những khó khăn chủ quan cũng như khách quan là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, đồng thời, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục những khó khăn, tồn tại để sớm đưa Hòa Lạc trở thành khu CNC hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.

Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng - nền tảng phát triển

Hiện, cơ sở hạ tầng trong khu CNC Hòa Lạc đang từng bước hoàn thiện với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản qua việc cho vay khoản vốn ODA 59 tỷ yên chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 về thiết kế kỹ thuật đang được triển khai với tổng số vốn khoảng 1,005 tỷ yên. Theo kế hoạch, hạ tầng kỹ thuật của toàn bộ khu CNC Hòa Lạc sẽ hoàn thiện vào năm 2015 và đây sẽ thực sự trở thành khu CNC hiện đại bậc nhất Việt Nam cũng như trong khu vực.

Mô hình Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: vietbao.vn


Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Trưởng Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc, Nguyễn Văn Lạng nhấn mạnh: Một yếu tố quan trọng góp phần tạo đà để khu CNC Hòa Lạc có thể phát triển là Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 23/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu CNC Hòa Lạc. Theo đó, Hòa Lạc mang “dáng dấp” của một "đô thị công nghệ cao" với các khu chức năng như: Các khu liên quan đến CNC nơi tập trung các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ cao, khu nghiên cứu và triển khai (khu R&D), khu ứng dụng công nghệ cao, khu đào tạo các chuyên gia công nghệ, các viện nghiên cứu và các khu về nhà ở, văn phòng, giải trí, thể dục thể thao…

Nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển của khu CNC Hòa Lạc phải nói đến vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, bên cạnh đó, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ, thu hút đầu tư và triển khai các dự án còn nhiều bất cập, bộ máy quản lý còn thiếu về số lượng, chưa có chính sách thu hút người làm việc cho Ban quản lý, cơ chế chính sách còn chưa có hướng dẫn cụ thể khó áp dụng... Vì vậy, để hỗ trợ cho sự phát triển của khu CNC Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã yêu cầu Văn phòng Bộ chủ trì phối hợp với Ban KH&CN địa phương làm việc với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để có tiến độ cụ thể về giải phóng mặt bằng, phấn đấu tới năm 2012 cơ bản hoàn thành để triển khai được cơ sở hạ tầng. Về nguồn nhân lực, Bộ trưởng giao Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Vụ CNC giải quyết để có chế độ ưu đãi cho cán bộ yên tâm làm việc, xây dựng cơ chế chính sách cho các nhà khoa học làm việc tại khu CNC Hòa Lạc… Đó là nền tảng, là cơ sở, điều kiện bước đầu để Hòa Lạc phát triển xứng tầm để trở thành khu CNC hiện đại theo đúng mục tiêu đề ra.

Đầu tư cho “điểm sáng” trong khu CNC

Tính đến thời điểm hiện nay, Ban quản lý khu CNC Hòa Lạc đã cấp chứng nhận đầu tư cho 53 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 21.975 tỷ đồng trên diện tích 259,12 ha. Đến nay, đã có 29 dự án khởi công xây dựng công trình, trong đó 17 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng doanh thu trong năm 2010 đạt 1.200 tỷ đồng. Các dự án mới chỉ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phần mềm, công nghệ thông tin, sinh học, y học, điện tử, tự động hóa... Trong quy hoạch tại Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN chưa có dự án sản xuất CNC có quy mô lớn nào đăng ký đầu tư vào khu CNC Hòa Lạc. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: Khu CNC cần đẩy mạnh đầu tư cho khu R&D gồm 11 viện nghiên cứu như Viện KH&CN Việt Nam, Viện Công nghệ vũ trụ… Đây chính là yếu tố “điểm sáng” để Hoà Lạc phát triển mạnh mẽ xứng tầm là khu CNC trong cả nước cũng như khu vực.

Để triển khai hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Quân yêu cầu, Vụ Hợp tác quốc tế phối hợp với Vụ CNC nghiên cứu về mô hình R&D của các quốc gia có khu CNC, tìm hiểu thông tin về chính sách, cơ chế hoạt động, quy mô khu R&D để đề xuất mô hình khu R&D Hòa Lạc cho hoàn chỉnh để phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực cũng mang tính cấp bách cần được ưu tiên trong thời gian tới. Bộ cần xây dựng cơ chế đặc thù cho khu CNC, chính sách thực sự đãi ngộ để có thể thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc tại khu CNC.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Văn Lạng, cần tập trung đầu tư cho Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI), điểm sáng trong khu CNC, hiện nay, HBI được đánh giá là một trong những trung tâm ươm tạo hàng đầu của Việt Nam với nhiều công nghệ tiên tiến đang được ươm tạo và phát triển, hiện trung tâm có 8 nhóm đang ươm tạo, 5 nhóm ươm tạo vệ tinh và 2 nhóm đã tốt nghiệp và trung tâm đang hoàn thiện thủ tục để tiếp tục ươm tạo hoặc tiền ươm tạo cho các nhóm khác.

Hiện, khu CNC Hòa Lạc đã trở thành thành viên Tổ chức các khu khoa học châu Á (ASPA), Tổ chức các khu khoa học thế giới (IASP) và đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều khu khoa học trên thế giới như khu khoa học Tân Trúc (Đài Loan- Trung Quốc), khu khoa học ICRISAT (Ấn Độ), khu khoa học Daedeok Innopolis (Hàn Quốc)... Vì vậy, cần xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, lợi thế... của khu CNC Hòa Lạc để khu CNC Hòa Lạc thực sự là điểm sáng với những nét đặc trưng, sự khác biệt khẳng định được tầm so với các khu CNC hiện nay.

Hồng Ninh – Huy Khánh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN