Khoa học vũ trụ của Việt Nam với những bước tiến mới

Bài 3: Hướng tới nguồn nhân lực chất lượng cao

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành khoa học vũ trụ ngốn kinh phí không nhỏ nhưng rất cần thiết. Nhất là trong điều kiện nhân lực cho lĩnh vực này vẫn còn thiếu và yếu.

Các kỹ sư chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Đào tạo tại những nước có nền khoa học phát triển


Để có thể tự sản xuất được vệ tinh MicroDragon, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã đầu tư số tiền không nhỏ cử 36 cán bộ sang Nhật Bản để được đào tạo bài bản về khoa học vũ trụ và tham gia trực tiếp thực hành thiết kế, chế tạo vệ tinh made in Việt Nam này.


Ths. Phạm Anh Minh, phòng Thiết kế phát triển hệ thống không gian (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) là một trong 3 trưởng nhóm thiết kế vệ tinh MicroDragon chia sẻ: Sau 2 năm học tại Nhật Bản, được cọ xát với một nền khoa học phát triển, được đào tạo bài bản tại môi trường đứng top đầu về khoa học vũ trụ, chúng tôi được nâng cao rất nhiều về năng lực chuyên môn. Tại đây, chúng tôi không chỉ được mở mang thêm những kiến thức cơ bản mà còn được các chuyên gia hàng đầu hướng dẫn từ giai đoạn nghiên cứu, chế tạo, phát triển các tính năng đến giai đoạn thử nghiệm và phóng vệ tinh MicroDragon. Việc tạo điều kiện được học hỏi, tiếp cận với các nền khoa học phát triển là cần thiết để có thể nâng cao chất lượng, năng lực của các cán bộ nghiên cứu.


Dù đã bắt đầu có những thành quả trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học vũ trụ; nhất là các công trình có nhiều tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: Môi trường, bản đồ, hải dương học, an ninh quốc phòng, nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng sự phát triển của khoa học vũ trụ của Việt Nam mới chỉ đang ở những bước đầu.


Theo thống kê của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, nhân lực trong ngành khoa học vũ trụ của Việt Nam vẫn còn ít ỏi. Cụ thể năm 2012 chỉ có khoảng 26 người, năm 2014 khoảng 100 người ước tính đến năm 2020 cũng mới có khoảng 250 người hoạt động trong lĩnh vực này. Nhân lực đã ít, điều kiện đào tạo, chất lượng trong nước cũng chưa cao, hiện mới có một số trường đại học bắt đầu bắt tay liên kết với nước ngoài để đào tạo ngành vũ trụ và ứng dụng.


Trước những khó khăn trên, để có những bước phát triển tiếp theo vững chắc, đại diện Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Định hướng sắp tới, Trung tâm sẽ tiến hành đào tạo để có được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Đặc biệt, Trung tâm đã cử 36 cán bộ đi đào tạo tại các trường đại học danh tiếng của Nhật Bản như: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Tohoku… Sắp tới, sẽ có thêm khoảng 100 lượt cán bộ sẽ tiếp tục được cử đi học tại Nhật Bản. Đây sẽ là đội ngũ chất lượng ban đầu cho việc phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam.


Đầu tư đào tạo đi kèm đãi ngộ tốt


Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, chỉ riêng kinh phí đầu tư cho việc đào tạo 36 kỹ sư, cán bộ trẻ được cử đi nước ngoài học đã ước tính gần 10 triệu USD. Tính trung bình, chi phí để đào tạo một chuyên gia trong lĩnh vực này tại Nhật Bản vào khoảng 6 tỉ đồng nhưng khi về Việt Nam, họ chỉ nhận được mức lương 3 – 4 triệu đồng. Đây là một điều đáng lo ngại vì sau khi đào tạo xong, liệu họ có yên tâm cống hiến nếu vẫn áp dụng cơ chế đãi ngộ mức lương như hiện nay.


PGS. TS. Phạm Văn Cự (Đại học quốc gia Hà Nội) cũng băn khoăn: Với những cán bộ được đào tạo bài bản ở các nước có nền công nghệ vũ trụ phát triển, nếu chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng có thể họ sẽ phải bỏ việc và không thể lấy đâu ra người có đủ trình độ để tiếp tục công việc, thậm chí điều này còn dẫn đến khả năng phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu về công nghệ.


Chỉ có đầu tư tối đa cho nguồn nhân lực phát triển thì Việt Nam mới có thể tiến tới làm chủ công nghệ vũ trụ. Có thể số tiền ban đầu phải bỏ ra lớn nhưng đây là biện pháp có định hướng, lâu dài và hiệu quả. Bởi nếu cứ tiếp tục chú trọng đầu tư thì việc Việt Nam có thể làm chủ các công nghệ vệ tinh không phải là vấn đề quá khó. Việc chưa có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng sẽ là một sự lãng phí rất lớn, vì với năng lực của các nhà khoa học, các kỹ sư sau khi được đào tạo, nếu không tiếp tục nghiên cứu họ hoàn toàn có thể ra ngoài và kiếm được công việc tốt hơn với mức lương hấp dẫn hơn rất nhiều. Ths. Phạm Anh Minh chia sẻ.


Theo các chuyên gia, nếu thực sự coi công nghệ vũ trụ là ngành công nghệ mũi nhọn thì cần phải có cơ chế đãi ngộ đặc thù dành cho các cán bộ làm trong ngành giống như ngành năng lượng nguyên tử, y tế… Chỉ có đầu tư theo chiều sâu và bài bản thì mới có được kết quả như ý.


Bài cuối: Cần 'bệ phóng' để tiến xa hơn

Linh Linh/Báo Tin tức
Bài 2: Mười năm sau phóng vệ tinh Vinasat - Khẳng định chủ quyền không gian
Bài 2: Mười năm sau phóng vệ tinh Vinasat - Khẳng định chủ quyền không gian

Cách đây 10 năm, đúng 5h17 phút ngày 19/4/2008 (giờ địa phương) từ Kourou (French Guiana), vệ tinh thương mại đầu tiên của Việt Nam Vinasat-1 đã được phóng thành công lên quỹ đạo. Đây là sự kiện lịch sử của ngành viễn thông, đánh dấu việc Việt Nam có chủ quyền trên quỹ đạo không gian.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN