05:00 19/05/2021

Kêu gọi phá bỏ 'nút thắt cổ chai' trong tiếp cận vaccine phòng COVID-19

Ngày 18/5, Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế nhấn mạnh sự cần thiết trong việc có các bước "đặc biệt" nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên toàn thế giới, bao gồm cả thúc đẩy các cuộc đàm phán miễn trừ bằng sáng chế.

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN

Phong trào trên kêu gọi các nước và các công ty dược phẩm hành động nhanh hơn nữa hướng tới việc xóa bỏ sự bất bình đẳng trong vấn đề tiếp cận vaccine toàn cầu. Ông Peter Maurer, người đứng đầu Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC), nhận định cần cân nhắc mọi lựa chọn để phá bỏ "nút thắt cổ chai", qua đó đảm bảo sự công bằng.

Bên cạnh đó, phong trào trên cũng nhận định các quốc gia nên thúc đẩy các cuộc đàm phán tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine phòng COVID-19 và những rào cản khác cản trở việc tăng sản lượng vaccine trên toàn cầu.

Chủ tịch Liên đoàn Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) Francesco Rocca cho rằng giữa đại dịch tồi tệ nhất trong 100 năm qua này, việc miễn trừ bằng sáng chế đối với vaccine là cam kết chính trị cần thiết nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine hiện nay. Theo người đứng đầu IFRC, hàng triệu người phụ thuộc vào chế phẩm này và sự chuyển giao công nghệ và kiến thức để tăng năng lực sản xuất trên toàn thế giới.

Kể từ tháng 10 năm ngoái, Ấn Độ và Nam Phi nằm trong số những quốc gia đầu tiên kêu gọi việc dỡ bỏ tạm thời bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19, qua đó thúc đẩy sản xuất vaccine tại các nước đang phát triển và giúp xử lý tình trạng bất bình đẳng vaccine. Tuy nhiên, vấn đề này đã vấp phải sự phản đối của các hãng dược phẩm lớn bởi họ cho rằng bằng sáng chế không phải rào cản chính đối với việc tăng sản lượng vaccine. Đầu tháng 5 này, Chính phủ Mỹ đã công khai ủng hộ đề xuất dỡ bỏ bằng sáng chế trên, trong khi Liên minh châu Âu và một số quốc gia thay đổi quan điểm và bày tỏ thiện chí sẵn sàng đàm phán.

Theo ICRC, hiện 50 quốc gia nghèo nhất thế giới chỉ chiếm 2% trong tổng số liều vaccine đã được phân phối trên toàn cầu. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng tại 50 quốc gia giàu nhất thế giới cao hơn 27 lần so với 50 nước nghèo nhất.

Thanh Hương (TTXVN)