06:09 01/06/2011

Kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức tại Libi

Nam Phi và Trung Quốc đã hối thúc các bên khẩn trương tiến tới một lệnh ngừng bắn tại Libi và giải quyết khủng hoảng thông qua các biện pháp chính trị.

Nam Phi và Trung Quốc đã hối thúc các bên khẩn trương tiến tới một lệnh ngừng bắn tại Libi và giải quyết khủng hoảng thông qua các biện pháp chính trị.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma (thứ hai từ bên phải) cùng Thủ tướng Libi Baghdadi al-Mahmudia (phải) phát biểu với báo giới tại sân bay quốc tế Tripôli. Ảnh: AFP - TTXVN


Ngày 31/5, Ngoại trưởng Nam Phi, bà Maite Nkoana-Mashabane, đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Libi và hối thúc các phe phái ở Libi bắt đầu một cuộc đối thoại để chuyển giao dân chủ, đồng thời nhấn mạnh giải pháp cho vấn đề Libi không phải thông qua biện pháp quân sự mà chỉ thông qua đối thoại chính trị.

Trước đó, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã có chuyến thăm Libi với tư cách là một thành viên thuộc Ủy ban cấp cao của Liên minh châu Phi (AU) về tình hình Libi. Phát biểu tại cuộc họp báo trước khi kết thúc chuyến thăm Libi, Tổng thống Nam Phi cho biết nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi sẵn sàng thực hiện lộ trình do AU đề xuất nhằm giải quyết khủng hoảng ở quốc gia Bắc Phi này. Theo ông Zuma, chính phủ Libi đã chấp nhận các sáng kiến và lộ trình của AU, trong đó nhà lãnh đạo Kadhafi nhấn mạnh “tầm quan trọng của lệnh ngừng bắn do AU đề xuất, theo đó NATO cũng như các bên khác ngừng ném bom và cho người dân Libi cơ hội tự giải quyết các vấn đề của mình”.

Lộ trình hòa bình gồm 5 điểm của AU kêu gọi các bên xung đột bảo vệ dân thường, chấm dứt thù địch và cung cấp viện trợ nhân đạo một cách công bằng cho cả người dân Libi và người nhập cư, đặc biệt là người châu Phi. AU cũng kêu gọi đối thoại chính trị nhằm chấm dứt xung đột, thực hiện giai đoạn chuyển giao quyền lực, tiến hành các cải cách chính trị cần thiết để đáp ứng yêu cầu của người dân Libi.

Cùng ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng các bên ở Libi đặt quyền lợi của đất nước và người dân lên trên hết, xem xét các đề xuất trung gian của cộng đồng quốc tế và nhanh chóng làm dịu tình hình căng thẳng trong nước”. Bà Khương Du nhấn mạnh, Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn của người dân Libi và ủng hộ tất cả các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libi theo con đường chính trị.

Các đề xuất trên nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính phủ Libi. Tuy nhiên, lực lượng đối lập phản đối với lý do những đề xuất này không giải quyết yêu cầu quan trọng của họ, đó là ông Kadhafi phải ra đi.

Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) chống chính phủ Libi ngày 31/5 tuyên bố đổi tên lực lượng vũ trang của phe đối lập thành Quân đội Giải phóng dân tộc (NLA), với hy vọng lực lượng này có thể tiến hành các cuộc tấn công mạnh chống lại chính quyền của nhà lãnh đạo Kadhafi. Trước đó, phe nổi dậy đã cho phát sóng 4 tiếng đồng hồ kênh truyền hình đầu tiên mang tên Al-Hurra của lực lượng này ở Benghazi, miền đông Libi.

Trong khi đó, bất chấp nỗ lực của AU và chính phủ Libi, NATO ngày 31/5 tiếp tục tiến hành các cuộc không kích mới nhằm vào mục tiêu ở thủ đô Tripôli, ngoại ô thành phố Tajura và Al-Jafra. Đài truyền hình Jamahiriya của Libi dẫn một nguồn tin quân sự nước này cho biết, các cuộc tấn công của NATO nhằm vào các mục tiêu quân sự và dân sự tại ba thành phố trên đã khiến nhiều người thiệt mạng và gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Phía NATO thông báo các máy bay của lực lượng này đã đánh trúng bốn địa điểm quân sự ở ngoại ô Tripôli, trong đó có một bệ phóng tên lửa và một hệ thống rađa.

Hồng Hạnh