05:12 22/05/2019

Kết tinh của nền dân chủ

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc và dự kiến kéo dài đến ngày 14/6/2019. Đây là một sự kiện chính trị định kỳ nhưng rất quan trọng được cử tri và đồng bào, chiến sĩ cả nước theo dõi, nơi mà quyền làm chủ của nhân dân thể hiện rõ nét nhất.

Tại Điều 6 Hiến pháp năm 2013 của nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”, đồng thời Điều 69 cũng khẳng định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bởi vậy, mỗi kỳ họp của Quốc hội đều có những quyết sách quan trọng để phát triển đất nước, phản ánh ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Đáng chú ý trong chương trình xây dựng pháp luật tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, củng cố quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Hợp lòng dân, bảo đảm quyền con người, quyền công dân không chỉ là nguyên tắc cơ bản cho hoạt động của Quốc hội mà còn của toàn bộ hệ thống chính trị. Theo báo cáo, từ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội. Những ý kiến, kiến nghị này vừa phản ánh sự quan tâm và niềm tin của cử tri đến hoạt động của các đại biểu được dân bầu, vừa phản ánh không khí dân chủ rộng rãi trong sinh hoạt chính trị của đất nước, bởi tất cả các ý kiến, kiến nghị đó sẽ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Theo báo cáo của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thông qua 1.408 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 6, đã tập hợp được 2.293 kiến nghị cử tri và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trong đó, có 57 kiến nghị liên quan đến các hoạt động của Quốc hội (chiếm 2,49%); 2.174 kiến nghị liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ, bộ, ngành (chiếm 94,81%); 56 kiến nghị liên quan đến công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (chiếm 2,44%); 6 kiến nghị liên quan đến công tác của các cơ quan, tổ chức khác ở trung ương (chiếm 0,26%). Đến nay đã có 2.290 kiến nghị được xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định, đạt 99,87% tổng số kiến nghị đã chuyển. Với một tỷ lệ cao như vậy, rõ ràng tính dân chủ đã ngày càng đi vào thực chất, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người dân cũng như sự phát triển của đất nước.

Tính đúng đắn của việc bảo đảm nền dân chủ xã hội chủ nghĩa đã thể hiện ở những thành tựu phát triển của đất nước trong những năm qua, mà trong đó phát triển con người là trung tâm theo chủ trương của Đảng. Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019 của Chính phủ, năm 2018 chúng ta đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, thuộc nhóm nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,35%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 87,7%; có 43% số xã và 61 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, các lĩnh vực văn hóa xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng…

Không khí dân chủ không chỉ kết tinh ở các kỳ họp của Quốc hội mà còn lan tỏa ở tất cả các hoạt động đời sống xã hội. Mới đây, sau khi Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 được tổ chức thành công tại Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khẳng định: “Thay vì chúng ta phải có những bản báo cáo, lập luận gì đó đối với các hội nghị quốc tế thì đây chính là bài học rất sống động để bạn bè quốc tế thấy được những gì họ nghe ở các diễn đàn đã phản ánh sai sự thật về đời sống tôn giáo ở Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để chúng ta khẳng định được đường lối của Đảng, Nhà nước đối với dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, và cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, bằng những hành động cụ thể, bằng tình cảm chân thành mà những người dân Việt Nam đem đến cho họ trong suốt những ngày ở đây”.

Bởi vậy, những ý kiến thiếu thông tin hay những xuyên tạc, bôi nhọ về nền dân chủ ở Việt Nam đều là không có cơ sở. Dân gian có câu “Trăm nghe không bằng một thấy”, nên 6 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I ắt hẳn nhiều người đã thấy và hiểu hơn về con đường mà nhân dân ta đã lựa chọn.

Trần Ngọc Tú