01:12 03/01/2015

Kết quả tích cực từ điều hành chính sách tiền tệ

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong năm 2014, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chủ động, linh hoạt và nhất quán, đã tạo được niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, trong năm 2014, chính sách tiền tệ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chủ động, linh hoạt và nhất quán, đã tạo được niềm tin đối với người dân, doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Những kết quả tích cực của chính sách điều hành tiền tệ cũng đã góp phần giúp củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam đồng thời là cơ sở quan trọng để các hãng xếp hạng tín nhiệm đồng loạt nâng mức tín nhiệm của Việt Nam.

Nội tệ và tỷ giá đều ổn định

Hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới Fitch Ratings vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nợ nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ B+ lên BB, trong đó, NHNN đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thăng hạng đó.

Khách hàng giao dịch tại VietinBank chi nhánh Bắc Ninh.



Trong năm qua, NHNN Việt Nam đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã kiên định điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. NHNN cũng đã điều hành các công cụ của chính sách tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất vào thời điểm hợp lý theo diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ; quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện các giải pháp để nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Nhìn nhận về điều này, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho rằng: Đánh giá gần đây của Fitch Ratings là một ghi nhận tích cực đối với Việt Nam, một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đạt được trong việc ổn định nền kinh tế vĩ mô. "Thời gian qua, thị trường tiền tệ tương đối ổn định. Thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất hạ cả trên thị trường liên ngân hàng cũng như trên thị trường giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng là tổ chức cá nhân trong nền kinh tế", ông Atul Malik, chuyên gia cao cấp về tài chính ngân hàng quốc tế, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) nhận xét.

Theo ông Atul Malik, thành công của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ là giúp cho đồng nội tệ được duy trì ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng, tài khoản thanh toán được đảm bảo cân đối.

Đến nay, mức biến động VND so với USD chỉ hơn 1% so với thời điểm đầu năm. Doanh nghiệp là đối tượng nhìn thấy rõ rệt nhất tác động của 1 năm tỷ giá ổn định. Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cán cân thanh toán thặng dư 10 tỷ USD, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu, là những lý do chính hỗ trợ bình ổn thị trường tài chính tiền tệ. Ở chiều ngược lại, tỷ giá ổn định cũng góp phần hỗ trợ đắc lực sự vận hành của nền kinh tế, tạo sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô.

Còn ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Khối nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết: Tính thanh khoản của thị trường tiền tệ được cải thiện đáng kể, hỗ trợ tích cực cho sự vận hành của nền kinh tế. Theo ước tính, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và giao dịch giữa ngân hàng với khách hàng tăng khoảng 20% so với năm 2013. Quá trình USD hóa giảm từ 25% xuống còn 11% trong năm nay.

Theo ông Vũ Minh Trường Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), trong năm 2014, do cung cầu của thị trường đôi lúc tỷ giá có biến động tăng giảm nhưng nhìn chung thị trường vẫn khá cân bằng giữa lực mua và lực bán. Gần đây tỷ giá tiền VND so với USD nằm trong biên độ 21.200 đồng/USD và 21.300 đồng/USD là chủ yếu, như vậy là rất ổn định so với diễn biến của các loại ngoại tệ khác trong khu vực và USD trên thế giới.

Lãi suất hạ, cải thiện chất lượng tín dụng


Theo các chuyên gia kinh tế, năm qua, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN không chỉ giúp kiềm chế lạm phát ở mức thấp; tỷ giá tương đối ổn định mà các động thái giảm lãi suất ở mức hợp lý đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và nhất quán đã đóng góp quan trọng cho sự ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, thể hiện qua những kết quả như: Việt Nam đã kiểm soát lạm phát hiệu quả với tỉ lệ lạm phát giảm mạnh. Năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 4,09%, góp phần giúp thị trường ngoại hối và giá trị tiền đồng ổn định. Điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP dự kiến đạt khoảng 5,80%. Ngoài sự điều chỉnh cung tiền cho phù hợp, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng tăng cường hoạt động tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý”.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính -
ngân hàng

Năm 2014, hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất của NHNN, các ngân hàng đã đồng loạt tung ra các gói lãi suất ưu đãi dành cho khách hàng và doanh nghiệp. Các cán bộ tín dụng ra sức tìm kiếm khách hàng tiềm năng để cho vay.

Đại diện NHNN cho biết: Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện phổ biến ở mức 7 - 8%/năm; cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9 - 10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5 - 12%/năm đối với trung và dài hạn. Trong đó, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả, lãi suất cho vay chỉ ở mức 6 - 7%. Mặt bằng lãi suất cho vay này đã được kéo giảm rất nhiều so với nhiều năm trước đó.

Tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp cho rằng: 10 - 12%/năm là mức lãi suất vẫn quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Thừa nhận mức lãi suất này thấp hơn so với trước và so với nhiều doanh nghiệp khác đã được vay, nhưng một doanh nghiệp kinh doanh cơ khí cho rằng: Nếu so với mức lợi nhuận ước đạt khoảng 13%, thì mức lãi suất cho vay này vẫn quá cao. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, nếu không vì uy tín, giữ chân khách hàng thì có lẽ họ cứ "nằm im chờ thời" chứ không vay ngân hàng.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Lãi suất hiện đã về mức giai đoạn 2005 - 2006 và không còn là yếu tố cản trở tín dụng. "Thời gian qua, NHNN đã giảm trần lãi suất huy động thời hạn 6 tháng là 0,5% giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Với mức giảm lãi suất rất mạnh trong mấy năm vừa qua, lãi suất hiện nay so với thời điểm 2005 - 2006, thấp ngang bằng thậm chí còn thấp hơn", bà Hồng nói. Lãnh đạo NHNN cho rằng: Lãi suất không phải yếu tố cản trở tín dụng, bên cạnh đó diễn biến kinh tế vĩ mô đã có khởi sắc, tín dụng của hệ thống ngân hàng đã có sự tăng trưởng trở lại, phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Tính đến thời điểm này, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đã ở mức 11%. Đặc biệt, cơ cấu tăng trưởng tín dụng năm nay đi vào những lĩnh vực ưu tiên, thực chất hơn. Cụ thể, tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đến hết tháng 10/2014 đã tăng 13,8%; ứng dụng công nghệ cao đã tăng 14,8%; còn đối với nông nghiệp, phát triển nông thôn ước trong năm 2014 sẽ ở mức 12,8%.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng cuối năm 2014 khởi sắc hơn nhờ các yếu tố: Dấu hiệu phục hồi nền kinh tế tích cực hơn vào thời điểm cuối năm; bản thân các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh cho mùa lễ tết cao hơn. Trên thực tế, hệ thống ngân hàng quý IV/2014, tăng tín dụng ở mức gần 4% cũng tương tự như quý III/2014.

Minh Phương