02:11 19/02/2020

Kết quả nghiên cứu mới về cấu trúc não bộ của người phạm tội nhiều lần

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra sự khác biệt trong cấu trúc não của người phạm tội nhiều lần trong đời với người không phạm tội hoặc phạm tội ở tuổi vị thành niên.

Chú thích ảnh
Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện mới này củng cố nghiên cứu trước đây cho rằng có nhiều loại tội phạm trẻ tuổi khác nhau. Ảnh: Alamy

Trang The Guardian (Anh) dẫn nguồn Tạp chí Lancet Psychiatry đưa tin một nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ 672 người ở New Zealand sinh năm 1972-1973. Số liệu chi tiết về hành vi chống đối xã hội của họ được thu thập định kỳ từ 7 đến 26 tuổi. Những người ở độ tuổi 45 sẽ được tiến hành quét não. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người phạm tội nhiều lần trong đời có những hành vi chống đối xã hội từ khi còn nhỏ và não có cấu trúc khác biệt rõ rệt khi trưởng thành.

Theo đó, cấu trúc não của những người trưởng thành có tiền sử phạm tội nhiều lần trong đời có diện tích bề mặt nhỏ hơn so với những người tuân thủ pháp luật hoặc chỉ phạm tội khi còn là thanh thiếu niên.

Các nhà nghiên cứu đã chia họ thành 3 nhóm dựa vào hành vi chống đối xã hội trong quá khứ. Kết quả cho thấy 441 người ít có dấu hiệu chống đối xã hội, 151 người chống đối xã hội ở tuổi thanh thiếu niên và 80 người có hành vi này từ thời thơ ấu.

Nhóm thứ 2 có mức độ bệnh tâm thần, sử dụng ma túy cao hơn và có hoàn cảnh thiếu thốn hơn so với những người trong 2 nhóm còn lại. Hơn nữa, hành vi chống đối xã hội hoặc phạm tội của họ nói chung cũng bạo lực hơn so với những tội phạm chỉ ở tuổi vị thành niên.

Kết quả quét não của những người trưởng thành có tiền sử phạm tội lâu dài cho thấy diện tích bề mặt não bộ nhỏ hơn so với những người chưa từng phạm tội. Họ cũng có chất xám mỏng hơn ở các vùng bão bộ thực hiện chức năng điều chỉnh cảm xúc, động cơ và kiểm soát hành vi. Ngay cả khi tính đến các yếu tố khác như IQ và tình trạng kinh tế xã hội, kết quả cũng không thay đổi.

Những người từng phạm tội khi là thanh thiếu niên cũng có một số khác biệt về độ dày trung bình của chất xám so với những người tuân thủ pháp luật, nhưng không có sự khác biệt về diện tích bề mặt não bộ.

Theo số liệu của Bộ Tư pháp Anh năm 2006, 24% nam giới ở Anh và xứ Wales trong độ tuổi 10 đến 52 từng phạm pháp. Trong khi đó, tỷ lệ này với nữ giới chỉ có 6%. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tội phạm tăng nhiều ở thanh thiếu niên và giới trẻ, nhưng phần lớn sau đó sẽ trở thành người trưởng thành tuân thủ pháp luật, chỉ dưới 10% dân số nói chung tiếp tục phạm tội nhiều lần trong suốt cuộc đời.

Kết quả nghiên cứu mới này có thể làm nền tảng cho nhiều chiến lược tư pháp hình sự hiện đại, bao gồm cả ở Anh, nơi cảnh sát có thể sử dụng quyết định của mình về việc liệu một kẻ phạm tội vị thành niên có nên được đưa vào hệ thống tư pháp chính thức hay không.

“Những phát hiện mới có thể củng cố các nghiên cứu trước đây cho rằng có nhiều loại tội phạm trẻ khác nhau  và không nên đối xử với tất cả những người này như nhau”, Giáo sư Essi Viding, đồng tác giả của nghiên cứu thuộc Đại học London, cho biết.

Giáo sư Terrie Moffitt, một đồng tác giả khác của nghiên cứu thuộc Đại học Duke, phía Bắc Carolina, cho biết nghiên cứu này cũng có thể giúp làm sáng tỏ nguyên nhân khiến một người có hành vi chống đối xã hội kéo dài.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải nỗ lực hơn trong việc phát hiện trẻ em có dấu hiệu tiếp tục thực hiện các hành vi chống đối xã hội, từ đó kịp thời giúp đỡ các em và yêu cầu cha mẹ chúng hỗ trợ, góp phần giảm tỷ lệ tội phạm trong tương lai.

Giáo sư Huw Williams, một nhà thần kinh học lâm sàng tại Đại học Exeter, người không tham gia vào nghiên cứu, nhấn mạnh rằng không phải một đứa trẻ có hành vi chống đối xã hội sẽ trở thành một kẻ phạm tội nhiều lần.

“Nghiên cứu mới cho thấy cần tăng cường giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn trong việc ‘tự điều chỉnh bản thân’ để hỗ trợ các em kịp thời nhằm giảm nguy cơ tình trạng trở nên tồi tệ hơn”, Giáo sư Williams nói.

Tuy nhiên, nguyên nhân và kết quả của việc phạm tội nhiều lần trong thời gian dài vẫn chưa rõ ràng. Nhóm nghiên cứu cho biết các yếu tố di truyền và môi trường, chẳng hạn như sự thiếu thốn thời thơ ấu, có thể đã định hình não bộ của họ ngay từ rất sớm. Cũng có khả năng các yếu tố xã hội sau này như hút thuốc, lạm dụng rượu bia hoặc ma túy có thể gây ra sự thay đổi trong não bộ của họ.

Nghiên cứu cũng tồn tại một số hạn chế khác khi việc quét não chỉ được thực hiện ở những người trưởng thành. Điều này có nghĩa là cần phải thực hiện những nghiên cứu lớn hơn để khẳng định độ chính xác của kết quả. Ngoài ra, hơn 90% số người tham gia là người da trắng và nhóm nghiên cứu chỉ có thể xem xét một loại mô não.

Ông Williams cho biết thêm rằng chấn thương cũng có thể dẫn đến sự khác biệt của não bộ. Những tai nạn cũng có khả năng ảnh hưởng đến não bộ, hành vi và xảy ra phổ biến hơn với người có địa vị kinh tế xã hội thấp hơn.

Giáo sư Kevin McConway thuộc Đại học Open nhận định có thể sự khác biệt về não bộ là do yếu tố di truyền hoặc các yếu tố đầu đời khác, nhưng cũng có thể chúng chính là nguyên nhân dẫn đến những hành vi chống đối xã hội kéo dài.

Hải Vân/Báo Tin tức