11:12 12/11/2014

Kết quả kiểm tra chống tham nhũng tại Bộ Giao thông Vận tải

Sáng 12/11, Đoàn công tác số 4 do đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, làm Trưởng đoàn đã công bố kết quả kiểm tra giám sát tại Bộ Giao thông Vận tải.

Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng về việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương, sáng 12/11, Đoàn công tác số 4 do đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn đã công bố kết quả kiểm tra, giám sát tại Bộ Giao thông Vận tải.

Ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN.


Đoàn đã kiểm tra, đôn đốc tại Bộ Giao thông Vận tải và 03 đơn vị: Tổng cục Đường bộ, Cục Hàng không và Vụ Kế hoạch đầu tư về các nội dung: Công tác hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội của Bộ; công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị; xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng; xử lý sau thanh tra; công tác tự phát hiện và xử lý tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ.

Đoàn công tác đánh giá: Công tác phòng chống tham nhũng đã được Ban cán sự, Đảng ủy Bộ Giao thông Vận tải nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, với quyết tâm chính trị cao. Các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã được Bộ cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý phù hợp với đặc điểm của ngành Giao thông Vận tải. Trong lãnh đạo công tác kiểm tra, Ban Cán sự đảng đã có sự phối hợp tốt với Đảng bộ, cấp ủy đảng, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương, qua đó nâng cao được hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, hạn chế sự chồng chéo với nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ Đảng. Nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Bộ đã thực hiện quyết liệt, đạt được kết quả tích cực như: Cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, nhất là việc tổ chức thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cục, tổng cục tại Bộ; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, minh bạch tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.

Công tác bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của Bộ được thực hiện trên nhiều lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch và điều chỉnh nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư, công khai dự toán, thu chi ngân sách, các hoạt động thu chi tài chính, công tác cán bộ. Nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được Bộ Giao thông Vận tải chủ động phát hiện xử lý hoặc phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm. Trong vụ việc xảy ra tại Ban Quản lý các dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải nhanh chóng cùng với đối tác Nhật Bản để có thông tin ban đầu; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kiên quyết điều tra, xác minh để đẩy nhanh tiến độ; quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đình chỉ có thời hạn và không thời hạn các cá nhân liên quan.

Bộ Giao thông Vận tải đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ và chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, đã buộc thôi việc Hiệu trưởng Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam; miễn nhiệm chức danh Giám đốc Công ty Tư vấn thí nghiệm công trình giao thông I thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ không hoàn thành nhiệm vụ cũng phải chuyển vị trí công tác để thay thế cán bộ có năng lực đảm nhiệm công việc.

Trong năm 2013 và 9 tháng năm 2014, Thanh tra Bộ đã tiến hành 55 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua công tác thanh tra, kiểm tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, Bộ đã chỉ đạo xác minh làm rõ, xử lý theo thẩm quyền 9 vụ việc liên quan đến tiêu cực tại các đơn vị trong ngành. Qua công tác phòng, chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, Bộ đã thu hồi về ngân sách nhà nước 2,2 tỷ đồng; thu hồi trả lại quỹ lương đơn vị 3,43 tỷ đồng; giảm trừ thanh toán 300 triệu đồng; xử lý về kinh tế hơn 400 tỷ đồng; xử lý hành chính 141 cán bộ công chức, viên chức và người lao động có sai phạm, đồng thời yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều cá nhân và tập thể có liên quan. Qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã xuất hiện nhiều gương người tốt việc tốt; nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng của đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong Bộ và trong ngành Giao thông Vận tải được nâng lên một bước.

Đoàn công tác đã chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Bộ Giao thông Vận tải về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; hoàn thiện và thực hiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc phát hiện xử lý tham nhũng; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau kiểm toán...

Đoàn công tác đề nghị Ban cán sự Đảng và Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và kiên quyết thực hiện các giải pháp phòng chống tham nhũng mà Bộ đã đặt ra. Đồng thời, Bộ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng.

Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; siết chặt kỷ cương hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành Bộ tiếp tục tăng cường công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải, góp phần hoàn thiện pháp luật, hạn chế tiêu cực, tham nhũng, chú trọng đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Bộ Giao thông Vận tải nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là minh bạch tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, tặng quà và nộp lại quà tặng; đề cao trách nhiệm người đứng đầu... Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ và phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình công tác chuyên môn, nghiệp vụ, các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện; công khai kết luận thanh tra, kết quả xử lý sau thanh tra.


Hương Thủy