04:09 23/04/2011

Kết quả cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt”: Nhiều đồ án có tính khả thi cao

Sau 5 tháng phát động (từ 18/10/2010 đến 15/3/2011), cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức đã thu hút được 88 đồ án tham dự từ nhiều tổ chức và cá nhân trên cả nước.

Sau 5 tháng phát động (từ 18/10/2010 đến 15/3/2011), cuộc thi “Kiến trúc nhà ở nông thôn vùng bão lũ, ngập lụt” do Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam tổ chức đã thu hút được 88 đồ án tham dự từ nhiều tổ chức và cá nhân trên cả nước. Có thể nói đây là một cuộc thi mang ý nghĩa xã hội, tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt là đối với đồng bào vùng lũ khi mùa mưa đang tới gần.

Trong số 88 đồ án dự thi gửi đến, Hội đồng chấm giải đã chọn và trao tổng số 25 giải cho 25 phương án xuất sắc (trong đó có 3 giải A, 5 giả B, 8 giải C và 9 giải khuyến khích). Ông Ngô Trọng Đức, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết: Tuy đây không phải là lần đầu tổ chức một cuộc thi thiết kế nhà ở nông thôn, nhưng lần này, Hội KTS Việt Nam đã có cách làm mới, khác hẳn những lần trước đây. Đó là những đồ án kiến trúc này mới chỉ là bước đầu để các KTS tiếp cận với nông thôn, trong thời gian tới, những đồ án đó sẽ tiếp tục hoàn thiện, tiến tới đưa các mô hình về vùng bão lũ tham khảo trực tiếp ý kiến của người dân xem họ cần thêm gì, sửa chỗ nào cho phù hợp.

Các KTS và người dân sẽ cùng trao đổi để tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất trong việc đối phó với sự hung bạo của thiên nhiên. Ông Đức khẳng định, cuộc thi hướng tới những đối tượng là các gia đình nghèo, không có khả năng xây dựng nhà chống bão lũ nên hầu hết các phương án thiết kế đưa ra đều có mức chi phí xây dựng hợp lý. Hội KTS sẽ đồng hành cùng đồng bào vùng lũ để tìm ra một mô hình nhà đơn giản, rẻ tiền nhưng chắc chắn, để có thể chống chọi được với bão lũ mà vẫn không phá vỡ quy hoạch và không gian của vùng nông thôn.

Mô hình “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ - Nhà lõi khu vực miền Trung và Tây Nam bộ” được Ban tổ chức đánh giá khả thi nhất.


Tại cuộc họp báo ngày hôm qua (22/4), ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 27/4 hàng năm là Ngày Kiến trúc Việt Nam. Nhân dịp này, Hội KTS Việt Nam đã xây dựng “Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam” - con đường để tạo lập môi trường sống bền vững cho con người. Thông điệp này cũng là hướng phát triển của kiến trúc Việt Nam vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay, không tổn hại đến cuộc sống mai sau và củng cố sự phát triển trường tồn của đất nước.
Hôm nay (23/4), tại Hà Nội, Hội KTS Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4 và chính thức công bố, trao Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010.

Các bản đồ án do các KTS thực hiện cho từng địa chỉ cụ thể, và tới đây, đồ án thiết kế cho vùng nào sẽ được đưa về chính vùng đó để lấy ý kiến người dân, tiến tới xây dựng thử nghiệm. Ví dụ như đồ án “Sống cùng lũ lụt, nhà chống lũ lụt đa năng Hương Khê, Vũ Quang, Hà Tĩnh”, hay đồ án “Làng ven sông huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình”... Mỗi đồ án đưa ra đều có tính khả thi trong việc chống chọi với bão, lũ ngập lụt. Trong đó, 3 phương án đoạt giải A là những phương án có tính khả thi cao và được Hội KTS kỳ vọng sẽ đem lại những kết quả khả quan.

Theo đánh giá của BTC, mô hình “Nhà ở nông thôn vùng bão lũ – Nhà lõi khu vực miền Trung và Tây Nam bộ” của nhóm tác giả Ngô Xuân Thanh, Trịnh Tuấn Hiệp và Phạm Văn Du (Công ty Cổ phần thiết kế Vinaconex Xuân Mai) là phương án có tính khả thi cao nhất, tới đây có thể sẽ xây dựng cho đồng bào vùng lũ để thử nghiệm. Đại diện của nhóm thiết kế đồ án “nhà lõi” chia sẻ ý tưởng khi thực hiện đồ án này: Lấy ý tưởng từ hình tượng neo và cọc để giữ một con thuyền an toàn trên sông nước, nhóm thiết kế đã đưa ra hình tượng “nhà lõi” gồm 4 cột bê tông vững chắc cùng với dầm và sàn có thể chịu được nước lũ, phần còn lại của ngôi nhà sẽ bám vào xung quanh những chiếc cọc bê tông này.

Ngôi nhà được thiết kế 2 tầng, tầng 1 được dùng làm không gian sinh hoạt chung, tầng 2 dùng để làm kho chứa lương thực và khi có lũ, lụt, người dân có thể rút lên tầng 2 tránh nước ngập mà vẫn có lương thực và nước uống sử dụng. Từ phương án này, các tác giả đã tính đến việc làm sao phổ thông hóa, địa phương hóa những mô hình này, có nghĩa là nhân rộng mô hình và tận dụng những nguyên liệu sẵn có tại địa phương để xây dựng ngôi nhà. Theo đó, với phần khung nhà là 4 cột, dầm và sàn, ước tính chi phí khoảng 5 - 6 triệu đồng, phần còn lại, người dân có thể sử dụng các vật liệu đơn giản như tre, nứa là đã có thể có một ngôi nhà để ở. Nếu có điều kiện có thể làm rộng ra nhiều phòng... và khi lũ đến, những vật liệu như tre, nứa có thể bị cuốn trôi, nhưng lõi vẫn còn; sau khi nước rút, người dân có thể nhanh chóng tu sửa và ở tiếp.

Ông Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho biết, dự kiến, sau triển lãm sẽ mang mô hình này tới vùng bị lũ lụt miền Trung xin ý kiến người dân và chọn nơi làm thử. Tuy nhiên, ông Vạn cũng cho rằng, rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và cộng đồng, nếu không những mô hình này sẽ chỉ “nằm” trên giấy mà thôi.

Phương Lan