11:07 22/11/2020

Kết nối yêu thương - biên cương thêm mạnh vững

Một ngày trung tuần tháng 11, những thành viên thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng bắt đầu cuộc hành trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sử thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Với đường bằng phẳng, để vượt hơn 1.500 km (đi và về) là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng đến với gập ghềnh, hiểm trở Pa Ủ, Pa Vệ Sử, ngoài sức khỏe điều cần hơn cả là sự đồng cảm, sẻ chia và một tình yêu đủ lớn dành cho con người, mảnh đất nơi biên cương của Tổ quốc.

Chú thích ảnh
 Chương trình kết nghĩa Hội LHPN Hải Phòng với 2 đồn Biên Phòng huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: TTXVN phát

Kết nối yêu thương

Đại tá Kiều Mạnh Hiệp, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng cho biết: Hải Phòng là thành phố không có xã thuộc chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018-2020. Vì vậy, khi Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động chương trình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng thành phố được giao giúp đỡ hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sử thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Chương trình nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cán bộ, hội viên, phụ nữ thành phố Cảng.

Pa Vệ Sử và Pa Ủ là hai xã miền núi vùng cao biên giới, địa bàn rộng đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, vách đá dựng đứng, giao thông đi lại khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thổ nhưỡng không thuận lợi cho chăn nuôi, phát triển sản xuất.

Phía Đông Bắc của Pa Vệ Sử giáp với Trung Quốc, phía Tây giáp với xã Pa Ủ và xã Bum Tở, phía Nam giáp với xã Bum Nưa, phía Đông giáp với xã Hua Bum.

Tổng diện tích tự nhiên của xã Pa Vệ Sử là 24.165,62 ha; đường biên giới dài 33, 556 km, gồm 15 bản và 3 cụm dân cư, với 9 dân tộc sinh sống, trong đó hai dân tộc sinh sống lâu đời nhất là dân tộc La Hủ và dân tộc Mảng. Xã Pa Vệ Sử có 678 hộ với 2.715 nhân khẩu; trên 85% hộ nghèo.  

Xã Pa Ủ có diện tích 33.105,39 ha, có đường biên giới dài 28,186 km, giáp với xã Gia Mễ, huyện Kim Bình, Vân Nam, Trung Quốc; có 4 bản giáp biên (Xà Hồ, Hà Xì, Pha Bu, Ứ Ma); diện tích rừng 21.807 ha. Xã có 12 bản với 748 hộ/3.362 nhân khẩu gồm 5 dân tộc, trong đó dân tộc La Hủ chiếm 98,5%; số hộ nghèo chiếm trên 85%.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng Vũ Thị Kim Liên cho biết, để những hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của hội viên, phụ nữ và bà con vùng biên giới hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sử, ngay từ năm 2018, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành lập đoàn công tác đến nắm bắt thực địa, khảo sát nhu cầu của hội viên, phụ nữ và nhân dân.

Theo đó, cán bộ, hội viên, phụ nữ và những chiến sĩ mang quân hàm xanh của thành phố sẽ đồng hành cùng phụ nữ, nhân dân hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sử bằng những việc làm thiết thực như: nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho phụ nữ, phát huy vai trò chủ động, tích cực của phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng nông thôn mới, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng Mái ấm tình thương, các công trình vệ sinh, trao tặng vật nuôi, giống cây trồng, tặng những phần quà phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của bà con hàng ngày; trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...

Để thực hiện hiệu quả chương trình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng đã tổ chức ký kết, tuyên truyền, vận động tới toàn thể cán bộ, hội viên, chiến sĩ thành phố về mục đích, ý nghĩa, nội dung của chương trình. Từ việc hiểu mục đích, ý nghĩa của chương trình mỗi cơ sở Hội phụ nữ tự nguyện ủng hộ ít nhất 200.000 đồng/đơn vị, mỗi cán bộ Hội phụ nữ, chiến sĩ Biên phòng ủng hộ tối thiểu 1 ngày lương.

Cùng với phát huy nội lực, các cấp Hội còn vận động các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chung tay có những phần quà, những hình thức trợ giúp bà con hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ. Từ năm 2018 đến nay, Hội đã huy động được hơn 1,5 tỷ đồng hỗ trợ cho hai xã, cụ thể 800 triệu đồng tiền mặt (hỗ trợ Mái ấm tình thương, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, giống cây trồng vật nuôi, cặp sách cho trẻ em tới trường), trên 700 triệu đồng ủng hộ qua tin nhắn theo đầu số 1409.  

"Dẫu những món quà, những trợ giúp chưa phải lớn nhưng chúng tôi thấy được sự đồng cảm, tinh thần tương thân tương ái của cán bộ, hội viên, phụ nữ và chiến sĩ mang quân hàm xanh thành phố Cảng đối với bà con vùng biên giới. Những thành quả ngọt ngào. Tình người được nhân lên sau mỗi hành trình chung tay ấy...", Đại tá Kiều Mạnh Hiệp chia sẻ.  

Nhân văn lan tỏa

Với mong muốn được tiếp tục đồng hành, được sẻ chia trợ giúp đối với các chiến sĩ và nhân dân nơi phên dậu của Tổ quốc đang ngày đêm chống chọi, đối mặt với muôn vàn khó khăn vất vả để giữ làng, bám bản, trung tuần tháng 11/2020, đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" giai đoạn 2018-2020 và trao gói hỗ trợ trị giá gần 300 triệu đồng cho các xã biên giới nói trên.

"Đồng thời, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hải Phòng mong muốn được kết nghĩa với hai Đồn Biên phòng của hai xã Pa Ủ và Pa Vệ Sử, bởi đồng hành là sẻ chia, yêu thương, là gắn kết, bảo vệ chủ quyền đất nước, là cùng chung tay", Phó Chủ tịch Hội Vũ Thị Kim Liên nhấn mạnh.

Đại tá Nguyễn Tất Hậu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" mang ý nghĩa thiết thực không chỉ huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ, tạo động lực để phụ nữ vùng biên vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống; chương trình còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm của hậu phương đối với tuyền tuyến và góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân Hải Phòng trong công tác đồng hành cùng các địa phương khác tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Đối với những hộ được hỗ trợ mái ấm cảm thấy rất vui, phấn khởi vì nhờ có sự trợ giúp của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng họ đã có một tổ ấm sum họp, quây quần, tránh mưa, tránh bão. Và hơn hết, mỗi mái nhà vững chãi được ví như một "cột mốc" biên cương, góp phần củng cố sức mạnh nơi tuyến đầu Tây Bắc.

Gia đình anh Ly Ky Pu và chị Lò Lò Bơ, xã Pa Vệ Sử rất phấn khởi khi con bò cái của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng trao tặng, sau thời gian nuôi dưỡng, đến nay đã sinh ra một con bê khỏe mạnh. Anh Ly Ky Pu hy vọng đây sẽ là "nguồn vốn" thoát nghèo và hướng đến phát triển kinh tế no ấm cho gia đình.

Chú thích ảnh
Hội phụ nữ công an thành phố Hải Phòng trao tặng ngôi nhà mái ấm biên cương cho 2 xã Pa Ủ, Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN

Còn anh Phản Mò Hừ tâm sự, chiếc chăn bông do Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng trao tặng tận tay những gia đình ở Pa Vệ Sử đã làm ấm thêm tình quân dân trong những ngày đầu đông lạnh giá nơi biên cương của Tổ quốc.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sử Lý Mỹ Ly, chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" đã kết nối phụ nữ Hải Phòng với phụ nữ các xã vùng biên giới, bước đầu rất hiệu quả. Chương trình đã đem đến sự quan tâm cũng như sự chia sẻ, đặc biệt như việc cấp cho hộ dân giống cây trồng, giáo dục cho bà con từ việc thu hái lượm trên rừng, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân.

Việc phối hợp giữa phụ nữ xã và phụ nữ bản cùng với Đồn Biên phòng rất gắn kết, hằng năm, hằng tháng, hằng quý đều kết hợp đi khảo sát cũng như đi tuần biên giới nhằm bảo vệ giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn xã chưa có vấn đề nóng về an ninh biên giới xảy ra.

Từ việc làm tích cực mang đầy ý nghĩa nhân văn của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hải Phòng dành cho bà con vùng biên, Bí thư Lý Mỹ Ly cũng như bà con Pa Ủ và Pa Vệ Sử mong muốn chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" được tiếp tục nhân rộng, lan tỏa, góp phần làm giàu hơn, đẹp hơn tình cảm, sự gắn kết yêu thương Hải Phòng - Lai Châu.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)