06:23 19/06/2015

Kết nối vùng cho thực phẩm an toàn

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực mở lối ra cho thực phẩm an toàn, nhằm “giải tỏa” nghịch lý lâu nay: Bí đầu ra trong khi người tiêu dùng lại hoang mang về chất lượng hoặc không biết tìm nơi nào để mua.

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực mở lối ra cho thực phẩm an toàn, nhằm “giải tỏa” nghịch lý lâu nay: Bí đầu ra trong khi người tiêu dùng lại hoang mang về chất lượng hoặc không biết tìm nơi nào để mua.

Hạn chế thực phẩm bẩn

Với dân số gần 10 triệu người, theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu thụ rau trên địa bàn khoảng 1 triệu tấn/năm; tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm trung bình hơn 287.000 tấn/năm. Hiện thành phố đã tự cung được 30 - 40% nhu cầu tiêu thụ hàng ngày, số còn lại được nhập từ các tỉnh, thành phía Nam.

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực giải quyết hiệu quả bài toán cung cầu thực phẩm an toàn.



“Được xem như thị trường nhập khẩu rau, thịt của nhiều tỉnh, thành trong vùng, TP Hồ Chí Minh là bạn hàng lớn và quan trọng đối với nhà nông các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác quản lý và tập quán canh tác lạc hậu, việc người tiêu dùng thành phố phải sử dụng thực phẩm bẩn, không an toàn vẫn xảy ra. Vì vậy, từ rất lâu, thành phố đã trăn trở với ý định thực hiện vùng trồng, sơ chế rau, chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến gia súc gia cầm; vận chuyển, bảo quản sản phẩm rau, thịt theo hướng sạch, an toàn...”, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Với sự hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, thành phố đang đẩy nhanh thực hiện chuỗi cung ứng thịt, rau an toàn cho thị trường, tăng cơ hội cho người dân tiếp cận với thực phẩm an toàn. Thành phố đã triển khai thực hiện 12 chuỗi thực phẩm an toàn, gắn liền với chương trình chuỗi cung ứng thịt, rau do Bộ NN&PTNT xây dựng, đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể hoàn chỉnh thêm. Mục tiêu của chương trình là nỗ lực tăng thị phần rau, thịt đưa về tiêu thụ trên địa bàn thành phố từ các cơ sở sản xuất kinh doanh đã được kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc; đồng thời tăng cường ý thức trách nhiệm của người sản xuất và nhận thức của người tiêu dùng...

Kết nối theo chuỗi


Theo ông Nguyễn Phước Trung, quy định của chuỗi cung ứng sẽ bao gồm những tiêu chí cụ thể giúp thực phẩm từ các tỉnh đưa về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, có thể truy xuất được nguồn gốc... Sở NN&PTNT đang tập trung xây dựng các chương trình, đặc biệt là kế hoạch giám sát chuỗi và ngay sau khi có kết quả giám sát bước đầu sẽ gửi cho các tỉnh tham gia chương trình cùng tham khảo. Cùng với thành phố Hà Nội, đây là năm đầu tiên TP Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ NN&PTNT quyết liệt thực hiện chuỗi cung ứng thịt, rau an toàn. Sau thành công của hai thành phố, chương trình sẽ được nhân rộng ra phạm vi cả nước.

“Đơn vị tham gia chuỗi cần tăng cường hướng dẫn kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn, kết nối kiểm soát vật tư đầu vào, có biện pháp giúp việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm hiệu quả hơn”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều khiến người tiêu dùng, nhà quản lý lo lắng nhất là vấn đề truy xuất nguồn gốc vì thực tế rất khó giải quyết ngay. “Không phải tỉnh nào đưa nông sản về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ cũng truy xuất nguồn gốc được khi nhiều nơi chỉ ghi nguồn gốc sản phẩm chung chung ở cấp xã, huyện nhưng không ghi địa chỉ cụ thể. Cụ thể như việc thu gom thịt hiện vẫn từ nhiều nguồn hộ nuôi cá thể, khiến việc truy xuất nguồn gốc vất vả, chưa có cơ sở để chứng minh được đó là sản phẩm của hộ nào, xã nào”, ông Thảo phân tích.

Tham gia giám sát chương trình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, TP Hồ Chí Minh cần thống kê nhu cầu từng mặt hàng thiết yếu như: rau, thịt... ở từng thời điểm cụ thể, sau đó cung cấp cho các tỉnh, thành có liên kết; công khai giá cả để người tiêu dùng được biết. Các ngành chức năng thành phố phải tăng cường chương trình giám sát từ chợ đầu mối đến hệ thống siêu thị nhằm giúp “thượng đế” truy xuất được nguồn gốc, cũng như hướng dẫn nhà sản xuất kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn, kết nối kiểm soát vật tư đầu vào... Riêng các địa phương phải chủ động cạnh tranh, đáp ứng những tiêu chí của thành phố, nỗ lực đưa được sản phẩm khu vực mình vào thị trường TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho các mặt hàng nông sản.
Lê Nghĩa