12:16 20/12/2018

Kết nối sản xuất, tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao

Quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản mới có thể đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh, giải quyết bài toán “được mùa, mất giá", sản phẩm tồn đọng không tiêu thụ được phải giải cứu, tăng thu nhập cho nông dân và lợi nhuận cho doanh nghiệp... thì phải thực hiện liên kết sản xuất. Đồng thời, đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm và sản phẩm để kiểm soát các yếu tố đảm bảo an toàn trong suốt các công đoạn của chuỗi.

Đây là vấn đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 20/12 .

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp thảo luận giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản thực phẩm Việt Nam.

Kết nối chuỗi sản xuất – tiêu dùng

Hiện nay, việc đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa này còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi phải qua rất nhiều khâu; chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản mới đảm bảo được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc xây dựng và quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng đem lại lợi ích thiết thực cho các tác nhân ở hầu hết các khâu.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, việc tham gia chuỗi an toàn thực phẩm tạo điều kiện thuận tiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết. Đây cũng là cơ sở vững chắc nhằm chủ động giảm giá thành sản phẩm trong các khâu của chuỗi. Theo đó, chủ cơ sở, trang trại có khả năng kiểm soát và quản lý cơ sở tốt hơn, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm. Còn ở khâu kinh doanh ngày càng nâng cao uy tín và được người tiêu dùng nhận diện sản phẩm.

Ngoài ra, các chủ cơ sở kinh doanh còn được hưởng ưu đãi dành cho các đơn vị tham gia cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, việc áp dụng quản lý sản phẩm theo chuỗi giúp thuận tiện hơn trong việc giám sát, quản lý chất lượng, nên cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong trường hợp có xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm.

Tuy nhiên, việc kết nối các khâu của chuỗi, giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẽo, chưa ký kết được những hợp đồng ổn định lâu dài, hay có kế hoạch và chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Bên cạnh đó, cơ chế chính sách trong việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể.

Ông Nguyễn Hữu Danh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho rằng, đa số các hộ sản xuất nhỏ lẻ, vốn ít, sản xuất kiểu truyền thống không theo nhu cầu thị trường. Song song đó, việc ứng dụng công nghệ hạn chế nên sản lượng sản phẩm và chất lượng không đồng nhất, khó kiểm soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm nên trở ngại trong khâu thu mua cũng như tiêu thụ sản phẩm.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp giới thiệu nông sản thực phẩm đến các nhà bán lẻ tại thành phố
Hồ Chí Minh.

Trong khi đó, mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu và yếu, qua nhiều khâu trung gian; nhất là chưa hình thành nhiều hợp tác xã liên kết nhiều hộ nông dân cá thể tạo mối liên kết ngang trong sản xuất sản phẩm. Đồng thời, năng lực các hợp tác xã hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về khả năng quản trị nên gặp khó khăn trong triển khai xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, số lượng chuỗi sản xuất – tiêu thụ nông sản có xu hướng tăng nhưng sản lượng nông sản tiêu thụ theo chuỗi vẫn còn thấp, nhất là những sản phẩm có giá trị xuất khẩu.

Còn thống kê hiện nay, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định, xuất khẩu chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên giá trị thấp. Vì vậy, để nâng cao giá trị và xuất được số lượng hàng lớn nông sản thì việc mở rộng thị trường xuất khẩu theo con đường chính ngạch sang các nước có yêu cầu chất lượng cao và hiện đang có nhu cầu nhập nông sản là việc tiên quyết cần phải làm để giải quyết đầu ra cho nông sản về giá cả, tránh trường hợp được mùa mất giá.

Cần đẩy mạnh hợp tác xã kiểu mới

Trước bối cảnh này, bà Vũ Thanh Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho hay, giải pháp phát triển chuỗi cần ưu tiên lựa chọn sản phẩm chủ lực địa phương tiêu thụ tại các thành phố, khu dân cư đông đúc và tiêu thụ liên tỉnh. Cụ thể, định hướng đến năm 2020, mỗi tỉnh, thành trực thuộc trung ương có ít nhất 50% sản lượng nông lâm thủy sản chủ lực, có mức độ rủi ro cao về an toàn thực phẩm được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Ngoài ra, đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp thông qua việc hình thành hợp tác xã kiểu mới gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ 4.0, an toàn thực phẩm. Đồng thời, hướng tới sản xuất hàng hóa lớn tập trung, có chất lượng đồng đều, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng. Từ đó, đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng cường chế biến sâu: quả đông lạnh, đóng hộp, chiên sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc, đông lạnh...

Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, ông Huỳnh Thanh Tuấn, đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay, đối với những mặt hàng nông sản như rau củ quả, thịt gia cầm, gia súc, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất rau an toàn. Ngoài ra, ký hợp đồng bao tiêu nông sản và tiến hành ứng vốn cho các hợp tác xã này để đầu tư nâng cao kỹ thuật, trang thiết bị cũng như con giống và phân bón.

Mặt khác, Saigon Co.op cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra không chỉ tại đơn vị sản xuất mà còn lấy mẫu ngẫu nhiên hàng hóa đang kinh doanh các điểm bán để kiểm định, phân tích chất lượng.

Mặc dù vậy, để đảm bảo tiêu chuẩn nông sản bền vững cung ứng cho thị trường trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nông sản, thì không những cần sự phối hợp giữa nông dân, doanh nghiệp mà còn cần sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước làm nền tảng là rất quan trọng và cần thiết. Cải thiện tình trạng hiện nay nông sản chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, Việt Nam cần xây dựng và phát triển các mô hình đầu tư và canh tác có quy mô lớn.

Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho hay, khi các đơn vị sản xuất có điều kiện tập trung phát triển chất lượng thì sản phẩm sẽ cạnh tranh hơn trên thị trường và mở rộng quy mô hay tập trung phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Do đó, Nhà nước cần tạo nhiều cầu nối giữa nông dân và các doanh nghiệp, giúp nông dân cũng như các doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn thị trường làm thước đo chất lượng để nông sản Việt Nam đáp ứng ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Đồng thời, Nhà nước cần xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng nông sản phù hợp với các thị trường trong và ngoài nước, góp phần kiểm soát quản lý chất lượng và thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có chương trình kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp với nhiều nhà phân phối, doanh nghiệp bán lẻ như: VinCommerce, Saigon Co.op, Central Retail – Big C Vietnam, LeKha Company, Thảo Hà Catering, Trung Nguyên Coffee HyperMartket, Công ty Vina T&T…

Tin, ảnh: Mỹ Phương (TTXVN)