10:16 11/10/2019

Kết nối ngân hàng và doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Ngày 11/10, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đây là hội nghị lớn và có ý nghĩa nhằm tiếp tục tăng cường kết nối để thúc đẩy mối quan hệ hợp tác cộng sinh, cùng phát triển giữa ngân hàng và các doanh nghiệp. Đồng thời, tìm ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển bền vững.

Mối quan hệ cộng sinh

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: TTXVN

Trong 9 tháng năm 2019, trên địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giải ngân cho vay mới đạt khoảng 130.000 tỷ đồng cho gần 13.000 doanh nghiệp và một số đối tượng khác. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay cho 1.100 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 85.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần GPM Holding Việt Nam chia sẻ, xác định nguồn vốn tín dụng ngân hàng rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp, Công ty cổ phần GPM Holding Việt Nam đã đặt mối quan hệ với một số tổ chức tín dụng; trong đó, có Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) Hưng Yên. Trước mỗi chiến lược hoạt động sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư mới, GPM Holding Việt Nam luôn trao đổi, làm việc với ngân hàng nhằm lắng nghe ý kiến tư vấn, đánh giá của ngân hàng để từ đó hoàn thiện, chuẩn bị kĩ lưỡng hơn nhằm giảm thiểu tối đã rủi ro có thể gặp phải.

Ông Nguyễn Quang Mâu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gạch ngói Đất Việt mong muốn, sự hợp tác của ngân hàng và các doanh nghiệp sẽ được đi sâu hơn tới tận cơ sở. Ngân hàng có thể lắng nghe và hiểu rõ giải trình của doanh nghiệp tốt hơn nếu đội ngũ ngân hàng có thể trực tiếp trải nghiệm tại cơ sở. Như vậy, các khâu thẩm định, xét duyệt khoản vay sẽ được rút ngắn thêm.

Đại diện Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, nhằm tăng cường hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank đã luôn đồng hành cùng khách hàng để đưa ra các giải pháp tài chính, thanh toán hợp lý. Vietcombank đã ban hành các chương trình, sản phẩm tín dụng với mức lãi suất ưu đãi cho các khách hàng doanh nghiệp có chất lượng tín dụng tốt góp phần giảm áp lực tài chính cho khách hàng.

Để tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng cho doanh nghiệp, Vietcombank đã tập trung tối ưu hóa và tinh giản quy trình tín dụng, quy trình cung cấp dịch vụ, tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm bớt thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ vay vốn của khách hàng thông qua xây dựng và đo lường thời gian tác nghiệp nội bộ.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, triển khai nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp thuộc các ngành nghề thế mạnh, trọng tâm của khu vực vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Chẳng hạn như, sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ; chương trình tài trợ chuỗi cung ứng, chương trình tín dụng cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp; gói sản phẩm ưu đãi tín dụng ngắn hạn dành cho khách hàng là tập đoàn, tổng công ty, sản phẩm tín dụng tài trợ cho các ngành hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh…

Tăng cường liên kết 

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình, chính sách cho vay đối với doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ còn một số khó khăn như: nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vốn do năng lực tài chính hạn chế; dự án, phương án sản xuất kinh doanh thiếu khả thi; thông tin tài chính thiếu minh bạch, trong khi thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tại một số địa phương hiệu quả chưa cao, phần nào cũng ảnh hưởng đến việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp...

Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất, ngành ngân hàng cần tiếp tục coi đối thoại với doanh nghiệp là giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú hơn nữa.

Bên cạnh đó, đưa chương trình trở thành hoạt động thường xuyên, thường kỳ của ngành ngân hàng trên địa bàn. Ngành ngân hàng cần chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tổ chức Hội nghị kết nối theo chuyên đề chuyên sâu, theo ngành nghề, lĩnh vực cụ thể và tổ chức định kỳ hàng quý, qua đó kịp thời nhận diện khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết 35, 19/NQ-CP và Nghị quyết 02 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Đồng thời, khuyến khích các tổ chức tín dụng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, tăng cường triển khai các sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro lãi suất, tỷ giá và giá cả hàng hóa nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu phòng ngừa rủi ro trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa…”. 

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện thể chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng cung ứng đầy đủ, đa dạng các sản phẩm dịch vụ tài chính, nhất là sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng và các sản phẩm dịch vụ hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số để phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, ngành ngân hàng hoàn thiện hành lang pháp lý về cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng để tăng cường khả năng cung ứng vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp tại kế hoạch hành động của ngành ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là chính sách về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tổ chức tín dụng, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đức Hiếu (TTXVN)