06:17 03/06/2020

Kết nối đơn lẻ không tránh được tình trạng úng ngập công trình xây dựng mới

Cứ đến mùa mưa bão, câu chuyện ngập úng lại xảy ra tại nhiều đô thị. Các chuyên gia nhận định, do vị trí địa lý và điều kiện địa hình tự nhiên nên Việt Nam chịu tác động của bão lũ, khô hạn, nhất là với tình trạng biến đổi khí hậu như hiện nay.

Chú thích ảnh
Mưa gây ngập trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Trân Xuân Tình/TTXVN

Việc ngập lụt, hay sạt lở tại nhiều đô thị có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nhưng thực tế là đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Tình trạng ngập úng không chỉ xảy ra tại các khu hiện hữu lâu đời mà ngay cả các khu vực công trình mới cũng chung cảnh ngộ.

Tiến sỹ Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, các đô thị Việt Nam có lịch sử phát triển bề dày qua nhiều giai đoạn và hiện phần lớn có sự đan xen giữa các yếu tố cổ, cũ và mới. Việc úng ngập hay sạt trượt được ghi nhận xảy ra từ khu vực xây dựng mới hoàn toàn cho đến khu vực hiện hữu và giáp ranh.

Một trong những nguyên nhân gây úng ngập tại những khu vực có công trình xây dựng mới là do lựa chọn địa điểm phát triển đô thị chưa tốt. Có trường hợp thì do chịu tác động của biến đổi khí hậu và được xếp vào nhóm rủi ro cao. Hoặc có những nơi chưa làm tốt việc khớp nối giữa các khu vực khi quy hoạch phát triển đô thị hay quản lý cốt quy hoạch giữa các khu vực với nhau – ông Thái nhận xét.

Bên cạnh đó, trong quá trình đầu tư phát triển đô thi sẽ thiếu đồng bộ nếu bị hạn chế về năng lực tài chính. Trên thực tế, các dự án hạ tầng đô thị phần lớn sử dụng nguồn vốn đầu tư công nên phải chia thành các giai đoạn khác nhau. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa lại tăng quá nhanh khiến hệ thống hạ tầng dù chưa hoàn thiện cũng buộc phải “chất tải” ngày cả khi chưa đồng bộ.

Đặc biệt, nguyên tắc của thoát nước là theo lưu vực nhưng lại khó đủ nguồn vốn để đầu tư cùng 1 lúc. Mà tình trạng úng lụt lại phụ thuộc nhiều vào khả năng của hệ thống tiêu thoát nước. Đó là chưa kể, các công trình nhà dân đơn lẻ hay nhiều dự án mới hiện nay đang có xu hướng lấp bề mặt bằng cách bê tông hóa. Điều này dễ dàng nhận thấy khi có mưa lớn kéo dài, nước không thẩm thấu được mà sẽ chảy tràn, cuốn theo rác, gây tắc đường ống cống, làm giảm khả năng tiêu thoát - ông Thái phân tích.

Theo ông Trần Quốc Thái, tại Quyết định 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 Phê duyệt đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020”, Thủ tướng đã yêu cầu xác định các giải pháp cơ bản mà các địa phương phải làm; trong đó, có việc xác định các khu vực có độ rủi ro cao.

Hiện việc quy hoạch xây dựng đã chú trọng đến các giải pháp giải bài toán ngập úng đô thị nhưng cũng chỉ can thiệp được tại những khu vực xây dựng mới thông qua việc chọn địa điểm; định hướng cho người dân tránh xây dựng công trình tại những khu vực có rủi ro cao.

Các quy định khi đầu tư xây dựng mới công trình cơ bản đã có trong các quy định của hệ thống pháp luật nhưng hiện nay việc đầu tư xây dựng trong nội đô lại chưa có quy định theo vùng.

Do đó, công trình xây dựng tại nội đô, nhất là kiểu dự án cải tạo chỉnh trang chưa có quy định phải làm theo khu vực mà chủ yếu vẫn làm đơn lẻ. Bởi vậy, muốn giảm bớt tình trạng úng ngập tại các đô thị cần sớm khắc phục việc kết nối đơn lẻ mà phải tính toán và làm rộng theo khu vực, theo vùng.

Thu Hằng   (TTXVN)