12:15 17/12/2020

Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi còn nhiều khó khăn

Câu chuyện kết nối giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước với các tập đoàn đa quốc gia không mới nhưng luôn là vấn đề nóng. Làm sao để các doanh nghiệp nội trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho cho các tập đoàn đa quốc gia vẫn là bài toán "đau đầu" với nhà quản lý.

Tìm nhà cung ứng như tìm kim cương

Ông Mai Anh Hiền, Phó trưởng ban mua hàng của Toyota Việt Nam, cho hay, tiềm năng thị trường ô tô Việt Nam tương đối lớn nhưng vẫn chưa thực sự phát triển. Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do đang trở thành thách thức với quyết định sản xuất và nội địa hóa của doanh nghiệp khi thuế suất nhập khẩu linh kiện, ô tô nguyên chiếc về 0%.

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để tăng số lượng hơn 40 đơn vị cung ứng nội địa với 700 chi tiết linh kiện, song đó là quá trình gian nan.

Chú thích ảnh
Một số doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nhà cung ứng phụ tùng ô tô cho các công ty lớn. Ảnh: TTXVN.

“Nhiều khi chúng tôi ví đi tìm nhà cung cấp như đi tìm kim cương. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước mất 5-10 năm vẫn chưa thể làm nhà cung cấp cho Toyota vì không thể đạt được các tiêu chuẩn tối thiểu nhất", ông Hiền chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ, ôngNguyễn Huy Trung, Giám đốc Đối ngoại của Honda Việt Nam, cho biết hiện công ty đang duy trì trên 100 nhà cung ứng cấp 1 cho các sản phẩm linh phụ kiện, phụ tùng xe máy. Qua khảo sát, có trên 70% nhà cung ứng hiện nay có thể chuyển đổi trở thành nhà cung ứng phụ tùng cho ô tô. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này cần phải có lộ trình, chính sách hỗ trợ. Cũng bởi, số lượng linh kiện ô tô nhiều hơn xe máy, độ phức tạp và đòi hỏi công nghệ cao hơn, nên sẽ cần phải đảm bảo chất lượng, tính thẩm mỹ và ổn định cao trong sản xuất.

Theo báo cáo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), không thể phủ nhận trong thời gian qua, ngành CNHT Việt Nam có những tiến bộ nhất định, đóng vai trò quan trong trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để đón đầu và nắm bắt cơ hội đó, ngành CNHT Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, theo đó, thực trạng chung của ngành CNHT Việt Nam là quy mô và năng lực cạnh tranh của các DN Việt còn yếu, chưa đủ lực để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.

Mặt khác, trong thời gian qua, liên kết đầu - cuối trong chuỗi sản xuất vẫn chưa thực sự chặt chẽ. Việt Nam hiện có gần 2.000 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 DN tham gia mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, tỷ lệ nội địa hoá các ngành công nghiệp ô tô, điện tử còn ở mức thấp.

Hóa giải “nút thắt”

Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội là một trong số ít doanh nghiệp thành công trong việc trở thành doanh nghiệp cung cấp cho các tập đoàn khi chuyển từ cung ứng linh kiện xe máy sang các hãng xe ô tô như Toyota, Honda. Ông Bùi Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cho hay đó là quá trình gian nan mà nếu không có sự quyết tâm, ý chí của lãnh đạo, khó có thể thành hiện thực. Trong đó, vấn đề lớn đầu tiên mà Nhựa Hà Nội phải đối mặt đó là đầu tư lượng lớn máy móc, trang thiết bị trong khi dung lượng, nhu cầu thị trường mới chỉ có quy mô nhỏ.

"Chúng tôi tính toán gói linh kiện cho chiếc SUV để đầu tư bài bản thì tổng giá trị sản xuất, nghiên cứu khuôn mẫu phải lên tới 15 triệu USD, chi phí rất lớn trong khi sản lượng nhỏ nên giá thành sản xuất sẽ rất đắt, kém cạnh tranh với hàng nhập. Ô tô có nhiều chi tiết, linh kiện với 30.000 chiếc nên đòi hỏi máy móc có độ chính xác cao, thiết bị kiểm tra chất lượng, đo kiểm rất đắt tiền nên khối lượng đầu tư lớn. Thêm nữa là nguồn lực cán bộ có trình độ quản lý và kỹ năng tay nghề cao đáp ứng tiêu chuẩn hạn chế", ông Hải cho hay. 

Hơn nữa, vấn đề mà chính bản thân các doanh nghiệp CNHT trong nước gặp phải là phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Ở Việt Nam chưa có nhiều DN đủ khả năng cung cấp nguyên liệu để đáp ứng sản xuất linh, phụ kiện cho ngành công nghiệp ô tô. 

Xét về cạnh tranh, đại diện Nhựa Hà Nội đánh giá, Việt Nam đang nằm trong khu vực mà các nước khá thành công sản xuất về ô tô như Thái Lan, Indonesia, lại đặt trong bối cảnh linh kiện ô tô được nhập khẩu với thuế suất ưu đãi. Dẫn đến, DN sản xuất ra linh kiện rất khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Tương tự, ông Chu Trọng Thành, Giám đốc kinh doanh công ty TNHH Công ty Cao su Giải phóng cho hay đã khởi đầu đầu tư 500.000 USD và cung ứng được 3 triệu linh kiện mỗi năm. Tuy nhiên, với định hướng tham gia vào chuỗi giá trị của các FDI, đến nay sau 16 năm công ty đã trở thành nhà cung cấp cho các khách hàng FDI với sản lượng 100 triệu linh kiện.

Cùng với sự nỗ lực không ngừng, liên tục cải tiến chất lượng, năng suất và kỹ thuật, thì khó khăn lớn mà doanh nghiệp phải đối diện là nhu cầu kết nối, thông tin giữa người mua, người bán.

“Để tham gia được chuỗi cung ứng thì việc đầu tư hoạt động marketing, quảng cáo, mở rộng thị trường là yêu cầu đặt ra. Chúng tôi gặp khó khi tìm kiếm thông tin các doanh nghiệp FDI hoặc các nhà mua hàng có nhu cầu mua linh kiện. Chẳng hạn chúng tôi cần thông tin về các doanh nghiệp, hiệp hội tại Nhật Bản có nhu cầu cần mua linh kiện cao su, nhu cầu phát triển hệ thống nhà cung cấp, nhưng chúng ta lại đang thiếu thông tin này. Chưa kể nguyên phụ liệu đang phải nhập khẩu nên ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm”, ông Thành cho hay.

Trong khi đó, ông Mai Anh Hiền, đại diện Toyota Việt Nam, cho biết tập đoàn này cần sự cam kết từ lãnh đạo của các DN CNHT vì đây là động lực để làm tất cả mọi thứ. "Lãnh đạo DN phụ trợ phải hiểu nhu cầu thị trường, coi những yêu cầu từ phía các nhà mua hàng là đòi hỏi bắt buộc để thay đổi cách thức sản xuất, thay vì xem chúng tôi chỉ gây khó dễ".

Bên cạnh đó, đại diện Toyota Việt Nam cũng kiến nghị, trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô bằng 0%, việc cạnh tranh với xe nhập khẩu càng trở nên khó khăn. Vì vậy, về ngắn hạn Chính phủ nên xem xét hỗ trợ thuế để ưu tiên sản xuất trong nước, gia tăng quy mô thị trường.

Mặt khác, DN cũng phải tuân thủ các quy định về pháp luật, bảo vệ môi trường. "Chúng tôi sẽ trực tiếp xuống nhà máy sản xuất của DN cung ứng xem công nhân ở đó có thoải mái, có điều kiện làm việc tốt nhất không. Đây cũng là một tiêu chuẩn đánh giá", ông Hiền chia sẻ.

Tương tự, đại diện Samsung cho biết, ngoài chất lượng sản phẩm, Samsung còn có đánh giá về môi trường làm việc; điều kiện sản xuất ở công xưởng; đánh giá về quyền lao động; tài chính, mức độ tin cậy của công ty...

"Doanh nghiệp CNHT không đáp ứng một trong số các hạng mục thì sẽ không thể trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện của chúng tôi", đại diện Samsung chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh nhận định, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Thời gian qua, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đạt được những kết quả nhất định, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ ban đầu đã phát huy tác dụng, tạo tính lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp trong nước. 
Thu Trang/Báo Tin tức