12:12 28/12/2020

Kết nối đô thị sáng tạo tương tác cao - Bài 1: Định hình 'thành phố trong thành phố'

Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh không phải bước đột phá trong tư duy mà đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, với TP Hồ Chí Minh, đây được kỳ vọng sẽ là mô hình tạo nên đột phá mới, thúc đẩy phát triển nhanh của thành phố trong giai đoạn tới.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh phát triển các quận 2, 9 và Thủ Đức thành Thành phố Thủ Đức để tập trung đầu tư phát triển thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Chiếm 7% GDP cả nước

Dự kiến vào ngày 31/12 tới đây, TP Hồ Chí Minh sẽ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức, một dấu mốc quan trọng để chính thức thực hiện xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố”.

Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức có diện tích 211,56 km2, dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường. Về vị trí, thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, mục tiêu cốt lõi của thành phố Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TP Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Giai đoạn 2017 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quận trên luôn đạt hơn 10% gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.

Thông tin về các chỉ tiêu và tiến độ quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến dân số thành phố Thủ Đức cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030, đạt mức 1,9 triệu người vào năm 2040 và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Vì thế quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.

Cụ thể, giao thông công cộng cần đáp ứng 50% - 60% nhu cầu đi lại. Mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4 - 6 km. Đến năm 2040, đảm bảo 10% diện tích thành phố Thủ Đức sẽ là công viên, 1.000 - 1.200 ha đất công nghiệp sẽ được bố trí để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố Thủ Đức sẽ là hạt nhân và một cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển cho TP Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế.

Về tổng thể, thành phố Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng tam giác TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ. Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc TP Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức tiếp giáp khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh, giáp thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An của tỉnh Bình Dương.

Hiện nay Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức cũng đã hình thành các nền tảng quan trọng, gồm khu Công nghệ cao quy mô 913 ha (Quận 9) có tỷ lệ đầu tư lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) diện tích khoảng 643 ha, có trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sỹ và khoảng 100.000 sinh viên. Trong khi đó, Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích khoảng 657 ha, chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, thành phố Thủ Đức cũng có hạ tầng giao thông tương đối phát triển. Hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm có tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, cảng Cát Lái…

Dự kiến, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước. Thông qua những thay đổi trong cơ chế phân cấp về ngân sách, TP Hồ Chí Minh được tăng cường khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại thành phố Thủ Đức theo cơ chế phân bổ có yếu tố ưu tiên đối với các ngành đặc thù mũi nhọn, phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo. Mặt khác, việc xác định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền sẽ dần hình thành nền tảng vững chắc cho các cam kết của chính quyền với nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định của các cơ chế, chính sách.

“Phác thảo” thành phố Thủ Đức tương lai

Theo đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 khu vực trọng tâm. Cụ thể Khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ vai trò là trung tâm công nghệ tài chính, là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố. Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc nhằm phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp TP Hồ Chí Minh trở nên khác biệt với các đô thị trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp cho việc thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại Thành phố.

Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học sẽ tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, tự động sản xuất, trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương. Khu Đại học Quốc gia thành phố - Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục là một quần thể giáo dục đào tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Về chức năng phát triển đô thị, Khu Tam Đa, Long Phước - Trung tâm công nghệ sinh thái, được quy hoạch sẽ tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực phía Đông Quận 9 để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Khu Tam Đa sẽ cung cấp một cơ hội cho sự sáng tạo trong thiết kế và vận hành, vừa kết nối với các hạ tầng giao thông quan trọng bao gồm cả tuyến đường cao tốc và đường sắt nối với sân bay quốc tế mới, vừa cho phép phát triển có giới hạn và sử dụng kỹ thuật cao để giảm thiểu tác động môi trường, vừa bảo tồn các khu vực đa dạng nhất về sinh học.

Trong khi đó, Khu Trường Thọ - Đô thị tương lai phát triển theo mô thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại đây.

Là trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ cảng để hoạt động hiệu quả hơn. Thủ Đức cũng sẽ là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam được quy hoạch nhằm tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, thành phố Thủ Đức sẽ có 3 giai đoạn phát triển; trong đó giai đoạn 1 (2020 - 2022) là giai đoạn khởi tạo, giai đoạn 2 (2023 - 2030) là giai đoạn triển khai, giai đoạn 3 (2030 - 2040) là giai đoạn hoàn thiện. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020 - 2025 nhu cầu vốn nhà nước đi vay hoặc phát hành trái phiếu ước tính hơn 41.660 tỷ đồng. 

Hiện thành phố đang khẩn trương các công việc để sớm hoàn thiện đồ án quy hoạch, tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào từng khu vực, lập dự án thành phần… Quy hoạch thành phố Thủ Đức sẽ được cập nhật vào quy hoạch điều chỉnh chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Đây là cơ sở cho sự gắn kết, liên kết phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

Bài 2: Trung tâm kết nối, phát triển vùng

Tiến Lực - Xuân Tình (TTXVN)