03:17 10/03/2023

Kết nối cung cầu giữa TP Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 10/3, UBND tỉnh Bến Tre đăng cai tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, hội nghị nhằm mục đích xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm sản xuất trong nước đạt chất lượng cao, nhất là các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương. Qua đó, nhằm tạo cơ hội cho các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư, kết nối và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, những năm qua, với tinh thần phát huy sức mạnh nội lực của từng địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình của TP Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực; trong đó, có xúc tiến thương mại đã tạo cơ hội cho sản phẩm hàng hóa của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận với các doanh nghiệp, nhà phân phối, thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại thông qua các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử trên địa bàn thành phố. Điều này góp phần tích cực vào giải quyết đầu ra cho hàng hóa nông sản và sản phẩm chế biến của các địa phương, cũng như tạo cơ hội cho hoạt động quảng bá, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường ngoài nước từ các chương trình kết nối cung  cầu được thực hiện từ năm 2011 đến nay.

Qua thời gian triển khai thực hiện chương trình phát triển thương mại, hội nghị kết nối giao thương ngày càng dược mở rộng cả về quy mô và hiệu quả mang lại. Số lượng địa phương, doanh nghiệp tham gia ngày càng tăng, các biên bản ghi nhớ, hợp đồng kinh tế được các bên ký kết ngày càng nhiều. Riêng Hội nghị kết nối lần này, có 101 doanh nghiệp có sản phẩm được đánh giá là có tiềm năng, trong đó, 64 sản phẩm được ký kết biên bản ghi nhớ, và 1 sản phẩm ký hợp đồng trực tiếp.

Chú thích ảnh
Các doanh nghiệp phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Tại hội nghị, theo các doanh nghiệp, việc đưa hàng hóa doanh nghiệp phân phối, siêu thị lớn của TP Hồ Chí Minh chưa bao giờ dễ dàng do nhiều qui định ràng buộc. Các đơn vị phân phối khẳng định, muốn hợp tác với tất cả các cơ sở sản xuất, để hàng hóa phong phú, đa dạng hơn. Tuy nhiên, trong thời buổi cạnh tranh, các doanh nghiệp sản xuất cũng cần đồng hành với đơn vị phân phối để triển khai các chương trình khuyến mãi, doanh nghiệp sản xuất và đơn vị phân phối cùng bán được hàng, người tiêu dùng được hưởng lợi.

Ông Cù Văn Thành, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho hay, thời gian gần đây, công ty đã đầu tư vốn để phát triển thị trường nội địa. Tuy vậy, chi phí để bán hàng tại thị trường nội địa cũng rất lớn. Hiện nay, nhiều sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều hệ thống siêu thị, chợ truyền thống nhưng chúng tôi vẫn luôn trăn trở bởi hàng vô siêu thị cũng đã gặp khá nhiều khó khăn. Hàng vào được siêu thị đã khó khăn rồi nhưng khi đi vào bán hàng thì được sắp xếp nằm ở vị trí rất khó thấy và chỉ nằm ở một vị trí nhỏ nên hàng bán rất chậm.

Đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) cho rằng, SATRA rất mong muốn phối hợp với nhiều doanh nghiệp để kệ hàng được phong phú hơn. Tuy nhiên, doanh nghiêpk cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp nhận hàng từ các doanh nghiệp; trong đó, có những lý do chủ quan và khách quan. Một vấn đề mà đại diện SATRA nêu ra tại hội nghị được các doanh nghiệp ủng hộ đó là các doanh nghiệp muốn bán hàng thông qua các kênh phân phối trong nước cần có nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Trong khuôn khổ hội nghị, doanh nghiệp các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tham gia kết nối với các nhà phân phối TP Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, góp phần đây mạnh kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để danh nghiệp hợp tác đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, những năm qua, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy tiêu thụ và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, nâng tầm sản phẩm đặc trưng của các địa phương cũng như tạo cầu nối gắn kết thông thương chặt chẽ giữa TP Hồ Chí Minh với từng tỉnh, thành nói riêng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

Chú thích ảnh
 Kết nối giao thương giữa các tập đoàn, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và doanh nghiệp các tỉnh, thành thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Công Trí/TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, hội nghị lần này đặc mục tiêu tháo gỡ các nút thắt, rào cản là những việc cụ thể giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối để hai bên cùng quan tâm giải quyết; khơi thông, mở ra không gian phát triển mới, không gian không biên giới, không bị giới hạn… Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải coi đây là nhiệm vụ của mình và hình thành chuỗi sản xuất kinh doanh đầu tư và phát triển, gắn kết sản xuất với phân phối và tiêu dùng… Hợp tác tốt sẽ phát triển tốt, TP Hồ Chí Minh phát triển thì các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đồng thời phát triển.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động kết nối giao thương trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Công Thương thành phố tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành đẩy mạnh kết nối trực tuyến, phát huy các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử trong kết nối giao thương, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ cả trong môi trường trực tiếp và trực tuyến.

Cùng với đó, địa phương cần đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, thiết lập kênh phân phối trực tuyến, định hướng xuất khẩu hàng hóa đặc trưng. Đặc biệt tập trung vào các sản phẩm có tính nội địa hóa và tính đặc trưng địa phương, phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Hàng Việt Nam ưu tiên cho người Việt Nam. 

Công Trí (TTXVN)