12:21 25/12/2016

Kéo dài thời gian hỗ trợ ngân sách

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 15/2013/NQ- HĐND về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao (CLC) trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc áp dụng tăng học phí nhằm đảm bảo tự chủ theo lộ trình của trường chất lượng cao thì cũng là nỗi lo của nhiều trường trong việc tuyển sinh.

Chất lượng cao phải đảm bảo điều kiện


Theo Nghị quyết 15, mô hình trường CLC là mô hình trường học đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ khoảng mười năm về trước. Nhưng đến năm 2013 có Luật Thủ đô thì mô hình này mới có căn cứ pháp lý chính thức để thực hiện. Hà Nội là địa phương đầu tiên và duy nhất xây dựng mô hình trường CLC với những tiêu chuẩn bắt buộc về điều kiện dạy học, về chương trình giáo dục, dịch vụ, cam kết chất lượng. Được biết, mô hình trường này được Bộ GD – ĐT khuyến khích các địa phương tham khảo.

Phòng học của Trường THCS Thụy Phương, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm được đầu tư kiên cố, xây mới cùng với đầy đủ trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học. Ảnh: Quý Trung/TTXVN


Theo Nghị quyết điều chỉnh thì mức trần học phí của các trường công lập CLC sẽ tăng theo lộ trình trong 4 năm học liên tiếp với các mức khác nhau tùy từng cấp học, từ năm học 2016- 2017 đến năm học 2019- 2020. Cụ thể, mức trần học phí của mầm non trong năm học 2016- 2017 là 3,9 triệu đồng/học sinh/tháng, đến năm học 2019- 2020 là 5,1 triệu đồng/học sinh/tháng. Từ năm học 2020- 2021 trở đi mức trần học phí sẽ được điều chỉnh cùng với việc xây dựng định mức phân bổ ngân sách và các yếu tố liên quan. Trên cơ sở mức trần học phí quy định, hằng năm hiệu trưởng nhà trường xem xét quyết định mức thu học phí cụ thể sao cho phù hợp với điều kiện thực tế.


Các trường chất lượng cao đã đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND: tiêu chí cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên, chương trình, phương pháp giảng dạy, dịch vụ giáo dục chất lượng cao.


Các trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đạt tiêu chí về cơ sở vật chất theo quy định, trang thiết bị đồ dùng dạy và học được phát huy hiệu quả… đá đáp ứng một phần nhu cầu học tập và hoạt động chăm sóc, giáo dục hóc inh. Từ những thay đổi này, các trường đã có điều kiện áp dụng phương pháp dạy học tiên tiến giúp việc nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.


Trong số 8 trường công lập chất lượng cao có 2 trường có mức thu học phí đạt mức trần theo quy định tại Nghị quyết số 15 như trường mầm non 20-10, trường THPT Phan Huy Chú, Đống Đa. Sáu trường còn lại có mức thu học phí dạt từ 53% mức trần như tiểu học Nam Từ Liêm, 83% mức trần như trường Tiểu học đô thị Sài Đồng.


Nỗi lo học phí được tháo gỡ


Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính, Sở GD – ĐT Hà Nội cho biết, sau hai năm triển khai thì các trường đã gặp các khó khăn như do các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao ngân sách hỗ rợ một lần kinh phí vào năm đầu thực hiện chuyển đổi từ năm thứ hai trở đi đơn vị phải tự chủ về thu chi tài chính, đây là khó khăn với các trường trong giai đoạn đầu được công nhận. Sau một năm được công nhận, nhiều trường vẫn chưa đủ thời gian để khẳng định chất lượng giáo dục, thương hiệu của trường để phụ huynh tin tưởng đóng mức học phí cao. Thêm vào đó tâm lý của cha mẹ học sinh vẫn quen được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khi con theo học tại các trường công lập. Vì vậy mức học phí tăng nhanh sẽ gây bất an cho phụ huynh vừa khiến nhà trường khó khăn phát triển ổn định.


Bà Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng trường Tiểu học đô thị Sài Đồng cho biết, khi trường được thành lâp cách đây 3 năm thì năm học 2014- 2015 trường đăng ký thí điểm mô hình trường chất lượng cao. Về quan điểm cần khẳng định việc tự chủ của trường chất lượng cao là rất đúng. Nhưng đối với những trường có bề dày xây dựng và phát triển như Nguyễn Siêu (16 năm), Đoàn Thị Điểm (20 năm) thì điều này không có. Nhưng những trường mới thành lập, chưa khẳng định được thương hiệu là điều khó khăn. Hơn nữa, trong khu vực được coi là ngoại thành việc cạnh tranh mức học phí với hệ quốc tế cũng là điểm phải bàn. Do đó, việc tăng học phí nếu đúng theo lộ trình sẽ là khó khăn trong tuyển sinh.


“Nếu theo những tiêu chí và lộ trình mà mô hình trường chất lượng cao áp dụng thì cần phải có một quá trình quản trị trường nghiêm túc, đội ngũ giáo viên, nhân viên cực kỳ nỗ lực xây dựng, bền bỉ theo tiêu chí đã đề ra thì mới hoàn thành được”, bà Lê Thị Thu Hường nhấn mạnh.


Theo bà Hoàng Lâm, Hiệu trưởng trường mầm non Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội thì nếu ngay từ năm thứ 2 đã tự chủ và mức học phí tăng theo quy định thì ngân sách tổ chức các hoạt động cho trường sẽ gặp nhiều khó khăn.


Theo lãnh đạo các trường ở trong khu nội thành như Mầm non Việt Triều, Mầm non 20-10 đã có những bước phát triển nhất định và tạo được uy tín nhưng phụ huynh không nhiệt tình đăng ký. Bởi cùng mức phí đó họ có những lựa chọn theo phân khúc tốt hơn.


Hiện nay nhiều trường vẫn thu theo mức học phí cũ và chưa áp dụng tăng ngay. Trước những khó khăn này, Hội đồng nhân dân đã đưa ra những lộ trình tự chủ cho các trường. Đó là bên cạnh việc điều chỉnh tăng mức trần học phí từ năm học 2016- 2017 đến năm học 2019- 2020, Nghị quyết còn kéo dài thời gian hỗ trợ ngân sách cho các trường lên tới 3 năm, thay vì một năm. Điều này giúp phần nào giải quyết những khó khăn của các trường trong tuyển sinh và xây dựng quá trình tự chủ.

Lê Vân