07:23 19/07/2012

Kẻ sát hại huyền thoại John Lennon-Kỳ I: “Khi âm nhạc chết đi”

“Sáng nay, tôi đã tới nhà sách, mua cuốn ‘The Catcher in the Rye’ (Bắt trẻ đồng xanh). Tôi chắc phần lớn trong tôi là Holden Caulfield, nhân vật chính của truyện, và một phần nhỏ hẳn là 'Quỷ dữ'.

“Sáng nay, tôi đã tới nhà sách, mua cuốn ‘The Catcher in the Rye’ (Bắt trẻ đồng xanh). Tôi chắc phần lớn trong tôi là Holden Caulfield, nhân vật chính của truyện, và một phần nhỏ hẳn là 'Quỷ dữ'.
Tôi tới tòa nhà Dakota, ở lại đó cho đến khi John xuất hiện. Tôi xin anh ký lên album. Khi đó 'phần lớn' đã chiến thắng. Tôi muốn trở lại khách sạn nhưng không thể. Tôi chờ đến khi John quay trở lại. Anh ấy đi trên xe hơi, Yoko đi qua trước, tôi chào, nhưng không muốn làm hại cô ấy.
Rồi John đi tới, nhìn tôi và dường như thoáng nhận ra. Tôi rút khẩu súng từ túi áo khoác, nã đạn vào anh. Tôi không thể tin nổi mình đã làm điều đó. Tôi đứng trân trân, tay vẫn giữ chặt cuốn sách. Tôi không muốn bỏ chạy, tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với khẩu súng. Tôi nhớ Jose đã đá văng nó ra. Jose khóc và xin tôi chạy đi. Rồi cảnh sát đổ tới, bắt tôi giơ tay lên tường và còng tay tôi lại”…

 

Kỳ I: “Khi âm nhạc chết đi”


Đó là lời khai của Mark David Chapman tại đồn cảnh sát vào 1 giờ sáng ngày 9/12/1980, 3 tiếng sau khi hắn giết hại John Lennon, thủ lĩnh ban nhạc huyền thoại The Beatles.


 

Sát thủ cuồng trí Mark Chapman.

 

Người yêu âm nhạc khắp thế giới chắc chắn đều đã ít nhất một lần được nghe nhắc đến cái tên The Beatles. Một ban nhạc gồm bốn chàng trai trẻ đến từ thành phố cảng Liverpool của nước Anh, đã làm khuynh đảo cả thế giới bằng âm nhạc của họ. Từ âm nhạc, đến kiểu cách, trang phục và những lời lẽ phát biểu của Beatles đều có ảnh hướng rất lớn tới xã hội và nền văn hóa thế giới vào những năm 1960-1970. John Lennon chính là người sáng lập, là linh hồn của Beatles, là tác giả cũng như đồng tác giả cùng Paul McCartney tạo nên những tuyệt tác làm say đắm lòng người, những bài ca bất diệt và có sức ảnh hưởng sâu rộng.


Cuối năm 1980, John Lennon tuyên bố trở lại với âm nhạc sau 5 năm sống ẩn dật. Với đĩa đơn đầy hi vọng “(Just Like) Starting Over” và album “Double Fantasy”, ở tuổi 40, John Lennon đầy hứng khởi và tràn trề nhựa sống. Thế nhưng khi John quyết định quay trở lại với công chúng thì đó cũng là lúc mọi người mất anh mãi mãi. 23 giờ 15 phút đêm 8/12/1980, khi mùa Giáng sinh đã cận kề, sau khi trở về từ phòng thu để hoàn thành nốt những chi tiết cuối cùng của album “Double Fantasy” cùng với vợ Yoko Ono, John Lennon đã bị một kẻ cuồng mộ loạn trí tên Mark Chapman ám sát. Năm viên đạn oan nghiệt từ khẩu súng P.38, một viên bắn trượt qua đầu của Lennon vào cửa sổ của tòa nhà Dakota, hai viên bắn vào lưng bên trái của John và hai viên đạn còn lại bắn vào vai đã vĩnh viễn mang John đi. “Cứu tôi với… Tôi bị bắn” - tiếng nói cuối cùng của John thốt lên tuyệt vọng và đầy hoảng loạn… Mọi thứ đã vỡ vụn, phá tan những dự định đầy hứng khởi trước mắt anh, và bài hát trong album mới có tựa đề “Life begins at 40” (Cuộc đời bắt đầu từ tuổi 40) đã mãi mãi không được cất lên, cuộc sống của một huyền thoại đã kết thúc ở tuổi 40…


 

Chỉ 2 phút sau khi nhận được tin báo, cảnh sát New York đã tới ngay hiện trường. Mark Chapman vẫn thư thái hút thuốc và không hề có bất kỳ phản kháng nào trước lệnh bắt giữ. Hôm sau, tại sở cảnh sát New York, hắn bị thẩm vấn ngắn gọn 15 phút, trước khi được chờ điều tra và đưa ra kết án ở tòa án thành phố.


Trong ngày 9/12, tin tức về vụ ám sát John Lennon xuất hiện trên tất cả các trang nhất của các báo ở Mỹ và châu Âu. Các đài phát thanh và đài truyền hình cũng đưa tin trong bản tin sớm nhất. Tờ Time viết rất ngắn gọn: "When the Music Died" (Khi âm nhạc chết đi) với chân dung John Lennon vẽ màu ở trang bìa. Theo kết quả điều tra của kênh âm nhạc VH1, vụ ám sát John Lennon được coi là sự kiện gây sốc nhất trong âm nhạc. Vụ ám sát đã đứng đầu danh sách 100 thảm kịch tồi tệ nhất trong lịch sử nhạc Rock và Pop. Tờ Q đánh giá John Lennon là nghệ sĩ vĩ đại nhất của lịch sử từng bị ám sát, còn Rolling Stone gọi cái chết của John là "điều không thể bù đắp".


Kẻ cuồng mộ Beatles nay sống một một mình trong phòng giam rộng 2 x 3 mét tại nhà tù Attica gần Buffalo, New York. Chapman là một tù nhân “mẫu mực”, sau khi đã thoát khỏi phần “quỷ dữ” từng khiến hắn giết hại thần tượng một thời của mình.


Lúc này, hồ sơ tội phạm loại nhẹ đã được công bố, nhưng Chapman có rất ít cơ hội được phóng thích trước thời hạn. Đơn xin ân xá của hắn bị bác bỏ lần thứ sáu, mặc dù Ủy ban ân xá đã công nhận “hồ sơ kỷ luật gương mẫu” của tù nhân. Quyết định này một phần do quá nhiều mối đe dọa giết hại Mark nếu hắn được trả tự do. Tại Attica, Mark vẫn bị biệt giam, bởi Lennon có thể là thần tượng của nhiều bạn tù của hắn.


Vì vậy, dù đã bước sang tuổi 58, Mark hầu như sẽ phải sống cả đời trong phòng giam chật hẹp. Một cuộc trả tự do cho hắn, thật trớ trêu, lại có thể là án tử hình.


Bạch Đàn

 

Đón đọc kỳ tới: Mark “hai mặt”