07:23 20/07/2012

Kẻ sát hại huyền thoại John Lennon-Kỳ 2: Mark “hai mặt”

6 năm đầu ở Attica, Mark từ chối mọi đề nghị phỏng vấn. Sát thủ cuồng trí nói hắn không muốn đổ thêm dầu cho quan niệm cho rằng hắn đã giết Lennon để trở nên nổi tiếng.

6 năm đầu ở Attica, Mark từ chối mọi đề nghị phỏng vấn. Sát thủ cuồng trí nói hắn không muốn đổ thêm dầu cho quan niệm cho rằng hắn đã giết Lennon để trở nên nổi tiếng.

 

Nhưng sau đó, Mark có kể với James R. Gaines câu chuyện giết người và tuổi trẻ xáo trộn của mình. Gaines đã chuyển cuộc phỏng vấn thành một loạt bài dài 18.000 chữ đăng trên tờ People vào tháng 2 và 3/1987. Sau này, hắn còn trả lời một loạt cuộc phỏng vấn của phóng viên Jack Jones ở New York.


 

Mark Chapman năm 1975, khi đang làm việc cho một trại tị nạn.

 

Tại Attica, Mark không có việc gì để làm ngoại trừ đọc sách, xem ti vi và suy nghĩ về tội ác mà hắn đã phạm phải hơn 30 năm trước, cũng như những sự kiện trong 25 năm đầu đời đã dẫn hắn tới hành động đó.


Mark David Chapman sinh ngày 10/5/1955, gần Fort Worth, bang Texas, Mỹ. Xuất thân trong một gia đình bố là phi công và mẹ là y tá, Chapman có được sự giáo dục khá đầy đủ từ họ. Thời thơ ấu của Mark, như các bác sĩ tâm lý mô tả, không mấy hạnh phúc. Hắn thuộc tuýp thủ lĩnh đầu óc, dù không phải là là một đứa trẻ có thể lực tốt. Mark là một đứa trẻ thông minh với chỉ số IQ là 121, cao hơn nhiều so với mức trung bình. Cũng giống như những đứa trẻ khác cùng trang lứa, hắn có nhiều mối quan tâm: tên lửa, UFO và tất nhiên còn ban nhạc The Beatles. Hắn thường nghe những đĩa nhạc của Beatles không bao giờ biết chán.


Năm 14 tuổi, khi đang học tại trường trung học Columbia ở Decatur, Mark đột ngột thay đổi. Hắn để tóc tai dài lượt thượt, đua đòi “chơi” cần sa và hêrôin. Đứa con vốn ngoan ngoãn bắt đầu cãi lại cha mẹ, bỏ học, đi chơi thâu đêm với những bạn nghiện mới. Mark bỏ nhà, sống cả tuần ở nhà bạn, rồi bỏ tới Miami lang thang hai tuần trên hè phố cho đến khi được một người cho vé xe buýt trở về Decatur.


 

“Bắt trẻ đồng xanh”, cuốn tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn tới sát thủ cuồng trí.

 

Thời kỳ nổi loạn của Mark cũng kết thúc đột ngột như khi nó bắt đầu. Năm 16 tuổi, một người truyền giáo ở California tới thị trấn. Mark dự một buổi thuyết giáo của ông ta và ngay sau đó lại lột xác. Từ một gã Mark để tóc dài, mặc áo khoác lính, hắn trở thành người ăn nói điềm đạm nhẹ nhàng hơn, với mái tóc cắt gọn gàng, và đặc biệt là luôn đeo một cây thánh giá gỗ trên cổ. Việc học hành lại tiến bộ. Mark còn làm thêm cho công ty tổ chức trại hè YMCA ở hạt South De Kalb.


Nhưng có hai sự kiện đã ảnh hưởng tới Mark “tái sinh”. Một là, sau khi John Lennon tuyên bố: “Chúng tôi còn nổi tiếng hơn cả Chúa Jesus”. Hắn bắt đầu căm ghét thần tượng một thời. Mark và những người bạn Thiên chúa giáo của hắn thay lời cho ca khúc Imagine nổi tiếng của John: “Imagine John Lennon is dead” (Hãy tưởng tượng rằng John Lennon đã chết) và coi Todd Rundgen là thần tượng âm nhạc mới. Sự kiện thứ hai là khi Mark được một người bạn tên Michael McFarland giới thiệu tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” của J. D. Salinger - một cuốn sách lột tả tâm lý lạc lõng và nổi loạn của nhân vật chính Holden Caulfield trước những giá trị giả tạo trong xã hội. Hắn tìm thấy mình trong Holden Caulfield và luôn bị cuốn sách ám ảnh.


Sau khi tốt nghiệp trường trung học Columbia, Chapman và McFarland chuyển tới Chicago. Với tài chơi guitar của Mark, họ cùng nhau biểu diễn tại các nhà thờ và tụ điểm Thiên chúa giáo. Nhưng đôi bạn nhanh chóng từ bỏ tham vọng kinh doanh biểu diễn. Trở lại Georgia, Mark lại xin vào làm tại YMCA. Với tư cách một cố vấn trại hè, Mark được nhiều bạn trẻ tôn sùng. Tony Adams, Giám đốc điều hành chi nhánh YMCA, cũng thừa nhận Mark có tố chất lãnh đạo thực sự.


Qua một chương trình trại hè, Mark được cử tới Libăng và hắn bị kẹt trong cuộc nội chiến tại đây. Các nhân viên của YMCA được sơ tán, còn Mark sau khi về nước được mời làm cho một trại tị nạn của người Việt Nam ở Fort Chaffee, bang Arkansas. Hắn lập tức trở thành thần tượng của những đứa trẻ tại đây, giống như trong những trại hè của YMCA. Mark được cử giữ vị trí điều phối viên khu vực và một phụ tá quan trọng của giám đốc chương trình, ông Daviv Moore. Hắn cùng tham gia các buổi đón tiếp quan chức chính phủ, thậm chí còn từng được Tổng thống Gerald Ford bắt tay.


Nhưng chương trình tái định cư ngắn hạn sớm kết thúc. Mark buồn chán, bỏ trường Covenant vào cuối học kỳ, và tinh thần càng tiêu cực hơn khi bị bạn gái Jessica hủy bỏ hôn ước.


Sau một vài công việc không ổn định, hắn quyết định xả căng thẳng bằng cách dồn tiền cho một chuyến đi nghỉ ở hòn đảo thiên đường Honolulu. Tháng 1/1977, Mark mua vé máy bay một chiều tới Honolulu. Với số tiền tiết kiệm 1.200 USD, trong 5 ngày, Mark sống như một du khách giàu có. Hắn nghỉ tại khách sạn Moana, uống rượu tại quầy bar và mua vé tàu đi thăm thú các đảo.


Kết thúc kỳ nghỉ, Mark lấy lại ước vọng sống đẹp và cầu xin Jessica quay lại. Mua vé máy bay một chiều tới Atlanta gặp vị hôn thê cũ nhưng khi nhận ra Jessica chỉ còn thương hại mình, hắn đã tiêu đến đồng tiết kiệm cuối cùng để mua tấm vé một chiều thứ ba, lại tới Hawaii. Đó là vào tháng 5/1977.


Sau khi tự thưởng cho mình bữa tối cuối cùng với bia và bò bít tết, Mark thuê một chiếc xe và mua một vòi máy hút bụi. Hắn lái xe tới bãi biển vắng, nhét một đầu vòi hút vào ống bô xe, đầu kia vào trong xe và đóng kín cửa kính. Nổ máy xe, gã trai chán chường nhắm mắt lại, sẵn sàng bước sang thế giới bên kia.

 

Bạch Đàn

 

Đón đọc kỳ tới: “Tuyên bố” của kẻ nổi loạn