05:09 27/05/2013

Kẻ "khủng bố dao phay" là ai?

Một thanh niên tốt bụng, thân thiện và rất lịch sự, lúc nào cũng chỉ muốn giúp đỡ mọi người. Một con thú điên cuồng, tàn độc chém đến chết một người giữa ban ngày trên đường phố đông người qua lại. Hai điều trái ngược hoàn toàn đó lại được dùng để miêu tả duy nhất một con người: Michael Adebolajo...

Một thanh niên tốt bụng, thân thiện và rất lịch sự, lúc nào cũng chỉ muốn giúp đỡ mọi người. Một con thú điên cuồng, tàn độc chém đến chết một người giữa ban ngày trên đường phố đông người qua lại. Hai điều trái ngược hoàn toàn đó lại được dùng để miêu tả duy nhất một con người: Michael Adebolajo - một trong hai thủ phạm dùng dao phay chém chết binh sĩ Lee Rigby ở Luân Đôn (Anh) ngày 22/5 vừa qua.


Binh sĩ Lee Rigby.


Ngay sau vụ "khủng bố dao phay", cảnh sát Anh chưa công bố tên những kẻ liên quan đã bị bắt. Nhưng một trong số đó không hề giấu giếm tên tuổi. Đó là Michael Adebolajo, kẻ cầm một con dao phay chặt thịt và một con dao làm bếp to trong bàn tay vấy máu, tay kia dùng điện thoại di động quay lại cảnh tượng hắn và đồng bọn vừa gây ra.

Adebolajo sau khi sát hại binh sĩ Lee Rigby.


Vừa quay hắn vừa "thuyết minh" cho những gì mà bọn hắn vừa thực hiện: "Lý do duy nhất chúng tôi giết người đàn ông này… là vì ngày nào cũng có những người Hồi giáo chết. Binh sĩ Anh này phải đổi một mắt lấy một mắt, một răng lấy một răng".


Chưa hết, hắn ta khăng khăng rằng người Anh phải buộc chính phủ rút quân khỏi "vùng đất của chúng tôi" - ám chỉ những nước Hồi giáo lớn như Irắc và Ápganixtan - nếu không họ sẽ phải chứng kiến thêm nhiều cảnh đổ máu nữa. Hắn ta đe dọa: "Các người sẽ không bao giờ an toàn".


Adebolajo và đồng bọn đã lao vào cảnh sát rồi bị bắn và hiện bị canh gác nghiêm ngặt trong bệnhh viện ở miền nam Luân Đôn.

Cảnh sát đứng cạnh nơi xảy ra vụ tấn công. Nhiều người đã mang hoa tới tưởng nhớ binh sĩ xấu số.


Bạn bè và người quen đã nhận ra Adebolajo qua đoạn video được hắn tung lên mạng. Một trong những người từng biết Adebolajo qua tổ chức Al-Muhajiroun, một tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Anh phản đối Anh can thiệt vào Irắc và công khai ủng hộ mạng lưới khủng bố al-Qaeda, nhận xét: "Anh ta tận tâm với đạo Hồi và muốn xả thân phụng sự, bảo vệ đạo Hồi".


Là một người mang quốc tịch Anh gốc Nigiêria, Adebolajo sinh tháng 12/1984 trong một gia đình Thiên chúa giáo ở Lambeth. Như bao cậu bé bình thường khác, hắn đi học bằng xe buýt, hay chơi bóng đá và có nhiều bạn bè. Adebolajo có hai em ruột. Hắn từng học trường Marshalls Park, trường Havering College rồi trường Đại học Greenwich.


Justine Rigden, 26 tuổi, người từng hẹn hò với Adebolajo khoảng 1 năm, nhận xét hắn là một người “thực sự thân thiện và lịch thiệp”. Rigden cho hay cô không phát hiện thấy bất kỳ điều gì cho thấy bạn trai cũ của mình có thể thực hiện vụ tấn công khủng khiếp vừa rồi. Cô kể: “Anh ta chỉ là một chàng trai lịch thiệp đáng yêu. Anh ta ở nhà tôi và tôi cũng ở với gia đình anh ta. Anh ta là người rất yêu gia đình”.


Bạn học cũ của “sát thủ dao phay”, Jamie Virtue, cho biết Adebolajo từng tham gia vài vụ ẩu đả khi còn là học sinh nhưng chỉ là những vụ việc nhỏ nhặt. Hắn ta còn nổi tiếng vì chuyên bảo vệ các bạn khỏi những kẻ hay bắt nạt.


Bạn học cùng trường Đại học Greenwich cũng tỏ ra rất sốc trước tin Adebalajo trở thành sát thủ. Một người giấu tên nói: “Đối với một người được giáo dục, điềm tĩnh, có lý trí thì thật đáng sợ khi anh ta làm những điều đó”.


Tuy nhiên, Adebolajo không hoàn toàn là một người hiền lành. Khi học trường Havering College, hắn ta đã tham gia vào một băng nhóm đường phố người Nigiêria. Hắn thường mang dao theo người để phòng vệ và dùng để cướp điện thoại. Khi lớn hơn, hắn bắt đầu giao du với những kẻ lạ mặt.


Năm 2003, gia đình Adebolajo đột ngột chuyển tới Saxilby gần Lincoln vì lo ngại hắn giao du với kẻ xấu. Vụ việc đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi giận dữ giữa hắn và bố mẹ. Adebolajo nổi đóa tới mức đập nát cửa kính ô tô của bố mẹ.


Năm đó, Adebolajo cũng bỏ trường Havering College, cải sang đạo Hồi và đổi tên thành Mujahid. Hắn ta thường tham gia các buổi họp của nhóm Al-Muhajiroun trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2011. Tại các buổi họp, hắn ta thường nghe Omar Bakri, người sáng lập tổ chức, thuyết giảng về đạo Hồi. Barki bị cấm sống ở Anh năm 2005 với lý do sự hiện diện của ông ta ở Anh không đóng góp gì tốt đẹp cho cộng đồng. Người ta cho rằng chính Barki là người gây ảnh hưởng với tư tưởng của Adebolajo.


Cách đây hai tháng, Adebolajo hay rao giảng đạo Hồi, phát tờ rơi bên ngoài tòa nhà WHSmith trên phố High Street ở Woolwich, gần hiện trường vụ tấn công nói trên. Một người nhớ lại: “Anh ta hét to những điều về Hồi giáo. Anh ta nói Thánh Allah vĩ đại và nói rằng chúng tôi nên theo chỉ dẫn của quy tắc Hồi giáo. Mọi người chẳng để ý đến anh ta, anh ta hét ngày càng to nhưng cũng không ai chú ý”.


Theo một người từng tham gia nhóm Al-Muhajiroun với Adebolajo, việc hắn ta rời bỏ nhóm có thể liên quan đến vụ tấn công binh sĩ ở Woolwich. Người này cho biết: “Một số thành viên bắt đầu xem Al-Muhajiroun là tổ chức chỉ nói suông và không hành động. Vì thế họ rời nhóm và sau đó họ thực hiện hành động nào đó”.



Thùy Dương