08:11 14/08/2014

Kế hoạch ngày tận thế của Mỹ - Kỳ cuối: Điều hành bằng thiết quân luật

Sau đó, trong bài phát biểu của mình, tổng thống sẽ thông báo với người dân về việc chính phủ sẽ tiếp tục làm việc như thế nào để cải thiện chất lượng cuộc sống trong bối cảnh thiết quân luật, áp dụng chế độ sản xuất và khẩu phần bao cấp.

Sau đó, trong bài phát biểu của mình, tổng thống sẽ thông báo với người dân về việc chính phủ sẽ tiếp tục làm việc như thế nào để cải thiện chất lượng cuộc sống trong bối cảnh thiết quân luật, áp dụng chế độ sản xuất và khẩu phần bao cấp. Có thể hai trong số ba nhánh hành pháp của chính phủ sẽ vẫn hoạt động để phục vụ người dân, cũng không đến nỗi quá tệ. Các phương án về một cuộc tấn công trả đũa sẽ được quyết định gần như thức thời.

 

Boongke của Fed.

 

 


Bên trên ngọn núi nơi chứa boongke Mount Weather, các camera và dụng cụ vật lý sẽ theo dõi bầu không khí. Nếu những thiết bị này bị phá hủy trong cuộc tấn công thì những đơn vị dự phòng sẽ ra bên ngoài boongke trong những bộ đồ chống xạ bằng cao su để khảo sát thành phần không khí.


Từ trụ sở mới sau vụ tấn công hạt nhân, chính quyền sẽ bắt tay vào hành động. Bước đầu là tiến hành công tác tuyên truyền, thông báo cho những người sống sót rằng nhà nước đã áp dụng hệ thống luật pháp và quy định khẩn cấp, trong đó có cả thiết quân luật. Bưu điện sẽ tuyên bố không cần dùng tem để gửi thư và bưu thiếp tới những khu vực dân số bị sụt giảm. Dịch vụ chuyển phát đặc biệt sẽ bị đình chỉ, ngoại trừ đối với thuốc men và băng y tế. Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các ngân hàng không bị phá hủy tiếp tục mở cửa trong giờ làm việc bình thường nhưng sẽ hạn chế việc rút tiền để tránh sự đầu cơ tích trữ trong dân chúng. Bộ này sẽ giám sát giá cả trong lĩnh vực tư nhân và kiểm soát tiền lương.

 

Cuốn sách “The Hidden Hand” của Richard J Aldrich.


Ban giám đốc Fed từ nơi trú ẩn sẽ tiếp tục thực hiện chức năng của mình là cơ quan trung ương chống tiền giả. Nằm sâu bên trong boongke của Fed, các xe nâng sẽ bắt đầu chuyển ra ngoài một núi tiền giấy được chính quyền cất giữ từ trước đó, bao gồm hàng tấn những tờ tiền in sẵn mệnh giá 5, 10, 50 và 100 USD được đóng thành từng gói xếp cao gần bằng cả một bức tường 3 m. Nhà kho khổng lồ này vẫn chứa “bức tường” tiền giấy đó cho đến cuối những năm 1980 và luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng để bơm tiền vào nền kinh tế bị kiệt quệ sau thảm họa hạt nhân.


Cục đường bộ liên bang sẽ triển khai các nhân viên trong một nỗ lực nhằm bảo vệ những người tham gia giao thông đường bộ trước bụi phóng xạ, trong khi Bộ Nông nghiệp sẽ thực hiện một chương trình khẩu phần toàn quốc, đề ra các quy định về lượng thực phẩm mà mỗi người được phép sử dụng. Theo đó, mỗi người dân sẽ bị giới hạn ở mức tiêu thụ 2.000 - 2.500 calo/ngày. Trong khẩu phần hàng tuần của người dân có 6 quả trứng và 3,5 lít sữa.
Về phần mình, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị (HUD) sẽ ra quy định tái định cư cho những người sống sót. Những quy định này có mật danh là “rắn độc”, “gấu”, “mèo” và “chó”, trong đó bao gồm các kế hoạch của HUD bố trí nơi ở cho hàng triệu người Mỹ bị mất nhà cửa mà trên thực tế là những người tị nạn.


Những quy định có từ lâu sẽ được áp dụng cho việc sản xuất các hàng hóa và dịch vụ đóng vai trò thiết yếu cho sự tồn vong của dân tộc. Mặc dù các nhà sản xuất tư nhân sẽ bị đặt dưới sự kiểm soát nhưng các kế hoạch sẽ tránh việc quốc hữu hóa ngay lập tức ngành công nghiệp vẫn còn “sống”. Sản xuất tư nhân sẽ chịu sự chi phối của kế hoạch sản xuất do chính quyền ngày tận thế đề ra, trong đó quy định hàng hóa sẽ được sản xuất bao nhiêu, phân phối đến đâu và với mức giá như thế nào.


Và cơ quan phối hợp tất cả các hoạt động trong Kế hoạch ngày tận thế sẽ là Chương trình an ninh thông tin thời chiến (WISP), tức Văn phòng kiểm duyệt quốc gia. Phó Chủ tịch hãng CBS Theodore F. Koop đã đồng ý làm nhân viên kiểm duyệt quốc gia, với một đội ngũ gồm 40 nhân viên làm việc trong một cơ sở an toàn nằm ngay bên ngoài Washington và cất giữ các tài liệu hướng dẫn kiểm duyệt cũng như các quy tắc về quản lý. Cơ sở này được trang bị trung tâm liên lạc và phát sóng riêng. Công chúng biết đến sự tồn tại của văn phòng kiểm duyệt này vào năm 1970 và được thông báo văn phòng đã đóng cửa. Văn phòng này đã chuyển sang phục vụ một chi nhánh khác của cái mà một bản ghi nhớ nội bộ nhắc đến là “chính phủ trong bóng tối”.


Quả thực không ai có thể ngờ, chính chính phủ đã thắng trong cuộc chiến chống Hitler rốt cuộc lại xây nhiều boongke tổng thống, giống với loại boongke nơi nhà lãnh đạo Đức quốc xã này kết liễu cuộc đời của mình, hơn rất nhiều so với trí tưởng tượng của Hitler.


Ý tưởng của chính phủ Mỹ khơi mào một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 vào năm 1952 bằng việc tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Liên Xô, dù có hay không có sự hậu thuẫn của liên minh NATO, được tiết lộ trong cuốn sách “The Hidden Hand” (bàn tay ẩn hình) của Richard J Aldrich, một giáo sư chuyên ngành chính trị học tại Đại học Nottingham (Anh).


Trong cuốn sách này có nhắc đến báo cáo của Phó Đô đốc Anh Eric Longley-Cook. Báo cáo đó tối mật đến mức chỉ có 6 bản được sao ra. Trong đó, một viên tướng Mỹ được dẫn lời nói rằng phương Tây không thể chờ cho đến khi châu Âu hay thậm chí là Mỹ bị hủy diệt bởi một cuộc thảm sát hạt nhân. Ông nói: “Chúng tôi có một bổn phận đạo đức là chấm dứt sự gây hấn của Nga bằng vũ lực nếu cần thiết, thay vì hứng chịu những hậu quả của sự trì hoãn. Chúng tôi có thể tạo ra một nước Nga hoang tàn mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng nào cho nền văn minh phương Tây”.


Huy Lê