12:10 06/12/2022

Kế hoạch đột phá của quân đội Mỹ nhằm tăng cường sản xuất đạn dược cung cấp cho Ukraine

Trong bối cảnh gói viện trợ cho Ukraine làm căng thẳng kho dự trữ đạn dược, quân đội Mỹ đang tìm cách tăng đáng kể sản lượng đạn pháo 155mm hàng tháng trong ba năm tới.

Chú thích ảnh
Binh sỹ Ukraine chất lên xe tải tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin do Mỹ cung cấp vào ngày 11/2/2022 trước khi xung đột bùng phát ít ngày. Ảnh: AFP/Getty Images

Theo ông Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, kế hoạch trên phụ thuộc vào khoản chi tiêu khẩn cấp cho Ukraine mà Quốc hội đã thông qua, nhưng cũng dựa trên hơn 600 triệu USD đầu tư công nghiệp nằm trong dự luật chính sách quốc phòng hàng năm vẫn đang được tranh luận tại Quốc hội.

Ông Doug Bush nói với Defense News bên lề Diễn đàn Quốc phòng Reagan: “Nguồn vốn đã sẵn sàng, các hợp đồng đang được tiến hành để tăng gấp ba lần sản lượng đạn 155mm".

“Chúng tôi muốn có thể xây dựng kho dự trữ của mình không chỉ về mức như khi bắt đầu xung đột, mà còn cao hơn. Chúng tôi đang chuẩn bị - trong khoảng thời gian ba năm - cho một sự gia tăng đáng kể sản xuất đạn pháo thông thường."

Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth nói riêng với các phóng viên rằng Mỹ sẽ tăng sản xuất từ 14.000 quả đạn pháo 155mm mỗi tháng lên 20.000 quả vào mùa Xuân 2023 và 40.000 quả vào năm 2025.

Lục quân Mỹ trong những ngày gần đây đã trao hợp đồng cho ba công ty tư nhân sản xuất và cung cấp đạn pháo 155mm, gồm: General Dynamics Ordnance &Tactical Systems, American Ordnance và IMT Defense.

Sự tăng cường mạnh mẽ này diễn ra khi Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 1 triệu quả đạn pháo và khi giới chức Lầu Năm Góc nhận thấy cuộc chiến ở Ukraine còn tiếp tục vô thời hạn, càng làm cạn kiệt kho dự trữ của Mỹ và các đồng minh. Ông Bush cho biết không rõ nhu cầu trung và dài hạn của quân đội Ukraine là bao nhiêu và quân đội Mỹ muốn chuẩn bị sẵn sàng.

Chú thích ảnh
Tốc độ tiêu thụ vũ khí đạn dược ở Ukraine đang khiến kho dự trữ Mỹ căng thẳng. Ảnh: Getty Images

“Chúng tôi đang ở vị trí có thể hỗ trợ Ukraine, nhưng đó là về trung và dài hạn. Bằng cách tạo ra khả năng này... nếu cuộc chiến này kéo dài ba hoặc bốn năm, chúng ta sẽ có thể tự sản xuất nhiều hơn người Nga, và nếu kết hợp điều đó với các đồng minh của mình, thì chúng tôi sẽ chỉ làm cho năng lực của họ yếu đi. Họ sẽ không thể theo kịp", trợ lý Doug Bush nói.

Ông lưu ý rằng quân đội Mỹ đang chi mạnh tiền để mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất tại các nhà máy đạn dược của họ ở Scranton, bang Pennsylvania; Kingsport, bang Tennessee và Middletown, bang Iowa. Các quan chức quân đội cũng đặt mục tiêu ký hợp đồng với các công ty quốc phòng nước ngoài để cung cấp đạn pháo cho Ukraine - một bước đi phù hợp với các cuộc đàm phán giữa quan chức cấp cao Lầu Năm Góc và các đối tác nước ngoài về hợp tác công nghiệp rộng lớn hơn.

Ngoài đạn pháo, quân đội Mỹ cũng đang thúc đẩy tăng gấp đôi sản lượng các loại đạn chính xác có nhu cầu cao nhất cho Ukraine, như đạn dược cho Hệ thống Tên lửa phóng loạt dẫn đường (MLRS), cho Hệ thống Tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Lockheed Martin sản xuất, và Javelin, vũ khí chống tăng vác vai được sản xuất bởi Lockheed và Raytheon Technologies.

Chú thích ảnh
Một khẩu đội HIMARS của quân đội Ukraine khai hỏa tại một địa điểm không rõ. Ảnh: AFP

Một phiên bản của Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA) năm 2023 đã được Thượng viện Mỹ thông qua nhằm cho phép mua số lượng lớn vũ khí, đạn dược có mức độ ưu tiên cao bằng các hợp đồng nhiều năm để giúp Ukraine chống lại Nga và bổ sung kho dự trữ của Mỹ; dự luật cũng sẽ cung cấp các miễn trừ để đẩy nhanh quá trình này. Một dự luật thỏa hiệp vẫn đang được đàm phán giữa Hạ viện và Thượng viện.

Ông Doug Bush cho biết: Mặc dù việc phê duyệt các cơ quan mua vũ khí trong nhiều năm thông qua NDAA sẽ là động lực khởi đầu để quân đội Mỹ bắt đầu lên kế hoạch mua những loại vũ khí đó, nhưng nỗ lực này cũng phải được phê duyệt trong luật phân bổ vào năm tới.

Ellen Lord, cựu giám đốc mua sắm của Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên rằng việc ngành công nghiệp quốc phòng thiếu năng lực sản xuất đạn dược mạnh mẽ là kết quả của hoạt động mua sắm "lỏng lẻo" trong lịch sử. Bà Lord nói rằng do không có nhu cầu ổn định theo thời gian, các công ty quốc phòng đã không đầu tư vốn vào các nhà máy của họ.

“Vì vậy, chúng ta phải hiểu rõ về tín hiệu nhu cầu và khối lượng trong nhiều năm, sau đó ngành công nghiệp sẽ phát triển năng lực đó" - bà Lord, người hiện đang làm việc trong lĩnh vực quốc phòng tư nhân, cho biết - “Nhưng các nhà điều hành trong ngành không thể đến gặp ban giám đốc của họ và nói: ‘Này, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều đơn đặt hàng ở đó, vì vậy, hãy chi 50 triệu USD để xây dựng một nhà máy và hy vọng’”.

Tại diễn đàn, giám đốc điều hành của Raytheon, Greg Hayes, cũng nói rằng tỷ lệ tiêu thụ đạn dược trong xung đột ở Ukraine cho đến nay đã vượt xa năng lực công nghiệp rất nhiều. Ông cho biết kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine cuối tháng 2, các nỗ lực viện trợ đã tiêu tốn hết 5 năm sản xuất Javelin và 13 năm sản xuất hệ thống phòng không di động Stinger của Mỹ.

“Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ tiếp tế, bổ sung hàng dự trữ như thế nào?”, ông Hayes nêu câu hỏi.

Cùng phát biểu trong diễn đàn với ông Hayes, Bộ trưởng Lục quân Christine Wormuth cho biết các hợp đồng tăng sản lượng đã bắt đầu. Bà nhấn mạnh hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD của Lục quân cho Raytheon để mua sáu khẩu đội Hệ thống Tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS) cho Ukraine và hợp đồng 431 triệu USD cho Lockheed để bổ sung các bệ phóng HIMARS mà Mỹ sẽ cấp cho Kiev.

Chú thích ảnh
Một hệ thống NASAMS của Mỹ. Ảnh: Getty Images

Bộ trưởng Wormuth nói: “Cảm ơn Quốc hội... chúng tôi đã thực sự hỗ trợ 6 tỷ USD cho ngành công nghiệp để giúp bổ sung nguồn cung, điều này sẽ cho phép chúng tôi không chỉ tiếp tục cung cấp cho Ukraine mà còn bổ sung nguồn dự trữ của chính mình”.

Theo bà, quân đội Mỹ hiện đang “hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp để tăng tốc độ và năng lực”, cũng như giải quyết “các nút thắt” trong nguồn cung cấp. “Chúng tôi đang nghiên cứu nỗ lực hợp tác và sẽ tăng tốc", Bộ trưởng Wormuth nói, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội cũng đang giảm bớt việc huấn luyện người Ukraine sử dụng vũ khí được tài trợ.

Ông Hayes cũng ghi nhận quân đội và Lầu Năm Góc đã rút ngắn các quy trình ký hợp đồng và giao hàng, từ vài tháng xuống vài ngày, cho đơn hàng NASAMS sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gửi chúng đến Ukraine. Nhưng quan chức này cũng nói rằng do NASAMS được đồng sản xuất với Na Uy, lại chế tạo không thường xuyên, nên “chúng tôi sẽ tăng cường sản xuất từ ​​con số không ở Mỹ".

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Defensenews)