12:08 09/12/2019

Kế hoạch biến đảo Nhật Bản thành hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm

Ba dặm vuông đảo đá núi lửa ở rìa của Biển Hoa Đông một ngày nào đó có thể được sử dụng như một hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm của Hải quân Mỹ trong trường hợp có chiến tranh ở châu Á.

Chú thích ảnh
Hình ảnh đảo Mageshima chụp từ trên không vào tháng 7/2018. Ảnh: Asahi Shimbun

Chính phủ Nhật Bản tuần qua công bố họ đã mua đảo Mageshima, một hòn đảo không có người ở, nằm cách cực Nam đảo chính Kyushu của nước này khoảng 34km.

Hòn đảo, thuộc sở hữu của một công ty phát triển tư nhân Tokyo, chỉ có hạ tầng là hai đường băng không trải nhựa giao nhau đã bị bỏ hoang, nằm trong một dự án phát triển trước đây. Chính phủ Nhật Bản cho biết các đường băng sẽ được lát và sử dụng cho máy bay của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ nhằm mô phỏng hoạt động cất và hạ cánh như trên tàu sân bay.

Tokyo chưa đưa ra khung thời gian hoàn tất thỏa thuận này với phía Mỹ. Nhưng một khi các cơ sở hạ tầng được xây dựng, hòn đảo cũng có thể trở thành căn cứ thường trực cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, trong bối cảnh Tokyo tìm cách củng cố vị thế của mình ở Biển Hoa Đông, nơi họ đang đối mặt với các yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku, nơi Nhật Bản quản lý và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

"Việc mua đảo Mageshima là vô cùng quan trọng và phục vụ cho việc tăng cường năng lực răn đe của liên minh Nhật – Mỹ cũng như khả năng phòng thủ của Nhật Bản", CNN dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản phát biểu. Trong khi đó, các quan chức quân đội Mỹ tại Nhật Bản cho biết họ không thể bình luận về việc mua bán.

Chú thích ảnh
Vị trí đảo Mageshima trên quần đảo Nhật Bản và khu vực biển Hoa Đông. Ảnh: CNN

Theo CNN, việc mua đảo Mageshima là chủ đề của các cuộc đàm phán trong nhiều năm qua. Tasuton Airport, công ty sở hữu hầu hết hòn đảo, cuối cùng đã đạt được thỏa thuận với chính phủ vào cuối tháng 11 vừa qua.

Hòn đảo được xác định là một địa điểm phù hợp để Mỹ sử dụng làm căn cứ thường trực các lực lượng Hải quân Mỹ theo thỏa thuận ký từ năm 2011 phác thảo việc tái tổ chức lực lượng Mỹ tại Nhật Bản.

Phân tán lực lượng Mỹ

Thỏa thuận trị giá 146 triệu USD đạt được trong bối cảnh quân đội Mỹ đang nghe được nhiều lời kêu gọi cần tăng số lượng căn cứ chiến lược của nước này ở Đông Á trước mối đe dọa từ kho vũ khí tên lửa đang phát triển mạnh của Trung Quốc.

Phần lớn lực lượng không quân chiến đấu của Mỹ tại Nhật Bản tập trung chỉ trong 6 căn cứ. Các nghiên cứu gần đây, trong đó có công trình của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney (Australia), được công bố vào tháng 8 năm nay, cho rằng với các nguồn lực hiện tại của mình, lực lượng Mỹ sẽ dễ bị tấn công bằng tên lửa Trung Quốc đầu tiên trong bất kỳ cuộc xung đột nào.

Và một biện pháp để giảm thiểu nguy cơ đó là phân tán lực lượng và các tài sản quân sự của Mỹ ra nhiều căn cứ hơn.

Xem video máy bay quân sự Mỹ thực hiện cuộc tập trận "Voi đi bộ" tại căn cứ không quân Kadena ở Okinawa năm 2017 (Nguồn: Defense One) 

Ông Corey Wallace, nhà phân tích an ninh châu Á tại Đại học Freie ở Berlin (Đức), cho biết: "Theo thời gian, việc đa dạng hóa các căn cứ của Nhật Bản và Mỹ (riêng hoặc chung) sẽ là một xu hướng. Liên minh sẽ vững mạnh hơn nếu các căn cứ và phần cứng được phân tán nhiều hơn".

Theo lý thuyết, bạn càng có nhiều căn cứ, thì kẻ địch càng phải bắn nhiều tên lửa hơn để áp đảo mục tiêu và giành lợi thế trong trường hợp tác chiến.

Các căn cứ trên đất liền được coi là có giá trị hơn các tàu sân bay, bởi vì chúng có thể chịu được một lượng lớn hỏa lực. Về lý thuyết, một tàu sân bay có thể bị loại khỏi vòng chiến đấu chỉ bằng một quả tên lửa hoặc ngư lôi.

Thiệt hại chiến đấu đối với các căn cứ trên bộ cũng có thể được khắc phục nhanh hơn nhiều so với một cỗ máy chiến tranh phức tạp như tàu sân bay.

"Khi bạn nhắm mục tiêu và đánh chìm một tàu sân bay, điều đó là không thể đảo ngược", Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore cho biết. “Còn đối với một hòn đảo? Ít nhất là nó không chìm .... Bạn có thể dành thời gian và công sức để đưa nó trở lại hoạt động trở lại".

Thắt chặt hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật

Căn cứ mới cũng là một dấu hiệu tốt cho hợp tác quốc phòng Mỹ-Nhật, vốn đã chứng kiến ​​sự căng thẳng trong những năm gần đây trên hai mặt trận: Các địa phương ở Nhật Bản gây áp lực lên chính phủ đòi di dời hoạt động quân sự của Mỹ ra khỏi các trung tâm dân cư; và Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các đồng minh như Nhật Bản giảm bớt gánh nặng tài chính cho Washington bằng cách tăng khoản ngân sách đóng góp để duy trì các lực lượng Mỹ.

Ngoài ra, nhà phân tích Wallace nói rằng việc mua đảo Mageshima có thể dẫn đến hoạt động của các phi đội máy bay thuộc Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ giảm tải ở các phi trường hiện tại trên các đảo chính của Nhật và đảo Okinawa.

Mới tháng 2 đầu năm nay, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc, cư dân Okinawa đã bỏ phiếu áp đảo cho rằng căn cứ không quân Futenma của Thủy quân Lục chiến Mỹ phải được di dời khỏi đảo. Cuộc trưng cầu được tiến hành sau loạt sự cố các bộ phận máy bay Mỹ rơi từ trên không hoặc khi đang hạ cánh, xuống các địa điểm dân sự gồm các trường học; ngoài ra là một loạt vụ việc lùm xùm liên quan đến nhân viên quốc phòng Mỹ và cư dân địa phương.

Bất chấp lá phiếu đó, Chính phủ Nhật Bản vẫn xúc tiến kế hoạch tái di dời căn cứ Futenma ra khu vực khác thưa dân cư hơn, song vẫn nằm trên đảo đảo Okinawa.

Và tương tự như vậy, Chính phủ Nhật cũng có thể đẩy lùi bất cứ thách thức nào đối với kế hoạch đưa đảo Mageshima trở thành nơi tập dượt của máy bay Mỹ.

Chú thích ảnh
Một máy bay trinh sát radar trên không E-2D Hawkeye đang bay qua biển Hoa Đông, bám sát là 4 máy bay phản lực F-35B Lightning của Thủy quân Lục chiến Mỹ. Ảnh: AP

Nhìn trên bức tranh quốc tế lớn hơn, Nhật Bản đang có những động thái để làm vừa lòng đồng minh quan trọng nhất của mình là Mỹ, nhà phân tích Koh cho biết.

"Tổng thống Trump đang yêu cầu Nhật Bản trả nhiều tiền hơn. Việc mua đảo này là một động thái nằm trong kế hoạch chung nhằm chứng minh rằng Tokyo sẵn sàng gánh thêm gánh nặng", ông Koh nói.

Và mặc dù khoảng cách rất gần giữa đảo Mageshima và hòn đảo đông dân cư Tageshima, việc không có cư dân sống ở đây cho phép "chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tìm cách cân bằng giữa nghĩa vụ của mình đối với liên minh nước ngoài cũng như với các thành phần trong nước", ông Koh nhận xét thêm.

Được dự kiến trở thành một sân bay tập luyện, đảo Mageshima cũng sẽ thuận tiện hơn cho các phi công tàu sân bay Mỹ, mà nhiều người trong số họ đang phải xuất phát từ căn cứ không quân của Thủy quân Lục chiến Mỹ trên đảo chính Honshu của Nhật Bản. Sau đó, họ bay tới luyện tập hạ cánh xuống tàu sân bay Iwo Jima của Nhật, nằm cách Honshu khoảng 1.360km. Việc xuất phát từ đảo Mageshima sẽ giúp cắt ngắn hành trình này xuống 960km.

Chú thích ảnh
Một máy bay phản lực Super Hornet F/A-18E của Hải quân Mỹ bay qua đảo Iwo Jima, Nhật Bản năm 2016.

Theo CNN, cuối cùng nhà phân tích Wallace cho rằng, đảo Mageshima có thể cung cấp một số chương trình hợp tác mới giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản - đặc biệt liên quan đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35.

Tokyo đã tuyên bố sẽ nâng cấp các khu trục hạm trực thăng lớp Izumo để cho phép máy bay phản lực F-35B do Mỹ sản xuất có thể cất cánh. Phi đội máy bay chiến đấu này hiện cất cánh trên các tàu tấn công đổ bộ của Mỹ, về cơ bản giống như các tàu sân bay nhỏ. Nhật Bản cũng mua thêm hàng chục máy bay hạ cánh thẳng đứng và cất cánh với đường băng ngắn.

"Nhật Bản không có phi công giàu kinh nghiệm hạ cánh máy bay cánh cố định trên các tàu sân bay. Vì thế, cơ sở mới này có thể mang đến cơ hội để người Nhật làm quen với các hoạt động như vậy bên cạnh đối tác Mỹ”, ông Wallace nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức