10:22 02/10/2011

Kẻ giết người hàng loạt ở Mỹ-Kỳ 1: Những vụ mất tích khó hiểu

Ở các quận Dutchess, Ulster, New York (Mỹ) trong các năm 1996 đến 1998 liên tục xảy ra các vụ mất tích mà hầu hết nạn nhân là những cô gái da trắng có vóc người thon thả và mái tóc nâu.

Ở các quận Dutchess, Ulster, New York (Mỹ) trong các năm 1996 đến 1998 liên tục xảy ra các vụ mất tích mà hầu hết nạn nhân là những cô gái da trắng có vóc người thon thả và mái tóc nâu. Với 8 vụ mất tích được thông báo với cơ quan cảnh sát, người dân thành phố vô cùng tức giận và hoảng sợ khi một kẻ giết người hàng loạt có thể đang sống ngay bên cạnh họ mà không bị phát hiện.

Kỳ 1: Những vụ mất tích khó hiểu

Wendy Meyers.

Tháng 10/1996, cảnh sát thị trấn Lloyd, quận Ulster, New York nhận được tin báo về sự biến mất đột ngột của một người phụ nữ 30 tuổi tên là Wendy Meyers. Đây là một người phụ nữ da trắng, có vóc người thon thả, cặp mắt và mái tóc màu nâu. Wendy được nhìn thấy lần cuối cùng tại khách sạn Valley Rest ở Highland, một thị trấn nhỏ nằm bên bờ sông Hudson, phía nam thành phố Kingston.

Hai tháng sau, một phụ nữ khác là Gina Barone cũng được gia đình thông báo đã biến mất một cách khó hiểu. Gina năm đó 29 tuổi, có dáng người nhỏ nhắn với mái tóc màu nâu và một vết xăm hình đại bàng trên lưng. Trên cánh tay phải của cô có một hình xăm khác với dòng chữ “POP”. Lần cuối người ta trông thấy cô là hôm 29/11/1996 ở thành phố Poughkeepsie trên một góc phố, khi đang cãi cọ với một gã thanh niên.

Hồ sơ về các vụ mất tích ngày một chất đống trên bàn làm việc Sở Cảnh sát thành phố Poughkeepsie. Chuyên án này được giao cho Phòng điều tra. Ngày 1/1/1997, Phòng này được đặt dưới sự chỉ huy của Trung úy Bill Siegrist, một điều tra viên 29 tuổi. Mặc dù hồ sơ vụ mất tích Wendy Meyers được cơ quan cảnh sát thị trấn Lloyd thụ lý, nhưng vụ việc cũng được thông báo tới Sở Cảnh sát Poughkeepsie. Trung úy Siegrist đặc biệt quan tâm đến hai vụ này. Một điều trùng hợp khó hiểu là hai cô gái biến mất trong hoàn cảnh tương tự nhau.

Kathleen Hurley.

Tiến trình điều tra hai vụ mất tích trên chưa có tiến triển gì thì đến tháng 1/1997, Phòng Điều tra lại tiếp nhận thêm thông báo về một vụ việc tương tự: Kathleen Hurley, một phụ nữ 47 tuổi cũng đột nhiên biến mất một cách khó hiểu. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy cô là khi cô đang đi bộ dọc trên phố Main ở khu vực trung tâm thành phố Poughkeepsie. Cũng giống như các nạn nhân trước đây, Kathleen là người da trắng, có mái tóc màu nâu và vóc người nhỏ nhắn. Trên bắp tay trái của cô có săm chữ “CJ”. Cảnh sát phỏng đoán, các vụ mất tích của Hurley, Meyers và Barone dường như có liên quan đến nhau.

Trung úy Siegrist phối hợp với Đơn vị phòng chống ma túy (NRU) tiến hành điều tra các vụ mất tích này. Giống như các đơn vị cảnh sát chống tội phạm ma túy khác, các nhân viên NRU dành phần lớn thời gian hoạt động trên đường phố. Công việc đòi hỏi họ hàng ngày phải tiếp xúc với những người đưa tin, những tên buôn bán ma túy, tội phạm, gái mại dâm và những tên lưu manh.

Thông thường, đơn vị này sở hữu một khối lượng lớn thông tin liên quan đến giới tội phạm. NRU cho Trung úy Siegrist biết, một số gái mại dâm trên phố Main phàn nàn về một người đàn ông bản địa rất thô thiển và thường có hành vi bạo lực mỗi khi quan hệ tình dục với họ. Hắn là Kendall Francois, sống ở phố Fulton trong thị trấn Poughkeepsie, ngay sát trung tâm thành phố. Khi nhận được thông tin này, Trung úy Siegrist đã liên hệ với cảnh sát thị trấn Poughkeepsie để tìm hiểu về Francois.

Phố Main ở thành phố Poughkeepsie, New York - địa bàn xảy ra các vụ mất tích bí ẩn.


Dựa vào các thông tin thu lượm được, các thám tử đã quyết định theo dõi nhà của Francois tại địa chỉ số 99 phố Fulton. Nhưng sau vài tuần theo dõi, họ không phát hiện được gì mới. Một gái mại dâm hợp tác với cảnh sát và xin được tự mình tiếp xúc với Francois. Cô gái này hoạt động ở địa bàn quen thuộc là khu vực trung tâm thành phố cho đến một hôm Francois xuất hiện trong chiếc xe Toyota Camry màu trắng. Theo chỉ dẫn của cảnh sát, cô gái này đã lôi kéo được Francois trò chuyện một số lần. Cảnh sát theo dõi các lần gặp gỡ này nhưng họ cũng không thu được thêm thông tin gì có giá trị.

Hai tháng sau, vào ngày 7/3/1997, thêm một phụ nữ là Catherine Marsh được thông báo bị mất tích. Người ta nhìn thấy cô ta lần cuối cùng vào hôm 11/11/1996 cũng ở thành phố Poughkeepsie. Bốn tháng đã trôi qua kể từ khi vụ án xảy ra nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Giống như các nạn nhân trước, đây cũng là một phụ nữ da trắng, vóc người nhỏ nhắn, mắt màu xanh và tóc nâu. Toàn bộ quần áo và tư trang của cô trong căn hộ vẫn còn nguyên. Vụ án rơi vào bế tắc bởi cảnh sát không thể tìm ra manh mối hoặc kẻ tình nghi nào.

Tháng 4/1997, cảnh sát Poughkeepsie quyết định liên hệ với Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) với mong muốn được hỗ trợ. Mặc dù các nhân viên điều tra của FBI rất chú ý đến các vụ án này nhưng muốn truy tìm được thủ phạm, họ phải nắm được hiện trường vụ việc. Trong các vụ mất tích này, không có hiện trường vụ án; do vậy, FBI cũng đành bó tay. Trong lúc cơ quan điều tra đang đau đầu vì chưa tìm ra manh mối và người dân rất hoang mang, lo sợ thì ngày 9/10/1997, lại xảy ra một vụ mất tích nữa: Michelle Eason, 27 tuổi, được thông báo bị mất tích ở thành phố Poughkeepsie. Lần cuối cùng mà người ta trông thấy cô cũng ở khu vực trung tâm thành phố. Nhưng khác với các trường hợp mất tích trước đó, Michelle không phải là người da trắng mà là một phụ nữ gốc Phi có vóc người mảnh dẻ.

Khánh Chi (Tổng hợp)

Đón đọc kỳ 2:Truy tìm manh mối