06:06 05/06/2020

Jordan nới lỏng biện pháp hạn chế sau 2 tháng giới nghiêm vì COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 4/6, Jordan cho biết hầu hết các lĩnh vực kinh tế của nước này sẽ được mở lại vào ngày 6/6 sau hơn 2 tháng giới nghiêm để đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Amman, Jordan. Ảnh: THX/TTXVN

Trong cuộc họp báo tại thủ đô Amman, Quốc vụ khanh Truyền thông Amjad Adaileh cho biết người dân Jordan sẽ được phép đi lại tự do từ 6 giờ sáng đến nửa đêm kể tử ngày 6/6, các thánh đường và nhà thờ sẽ mở trở lại cho tín đồ kể từ ngày nêu trên. Bên cạnh đó, Chính phủ Jordan đã hủy hệ thống giao thông ngày chẵn-lẻ đối với phương tiện giao thông và cho phép dân chúng đi lại giữa các bang và thành phố, các chuyến bay nội địa được nối lại và các địa điểm du lịch sẽ được mở lại cùng với khách sạn, nhà hàng, cafe và nhà trẻ. Chỉ còn một số ít lĩnh vực vẫn bị đóng cửa là các trung tâm tổ chức lễ cưới, công viên công cộng, bảo tàng...

Các quyết định trên được đưa ra sau khi Jordan ghi nhận ít ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 hơn trong những ngày qua. Jordan ghi nhận mức độ rủi ro tương đối thấp sau khi ghi nhận ít hơn 10 trường hợp/ngày nhiễm COVID-19 trong 7 ngày liên tục. Hiện tổng số ca nhiễm ở quốc gia Trung Đông là 765.

*Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 4/6, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC Africa) cho biết các nước châu Phi sẽ tiếp nhận tổng cộng 90 triệu bộ kit xét nghiệm COVID-19 trong vòng 6 tháng tới nhằm tăng cường công tác xét nghiệm trên diện rộng tại châu lục 1,3 tỷ dân này.

Trong một thông báo, Giám đốc CDC Africa John Nkengasong nêu rõ các nước châu Phi cần khẩn trương thực hiện từ 10-20 triệu xét nghiệm trước thời điểm dịch COVID-19 đạt đỉnh để đưa ra những biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm đà lây lan của virus SARS-CoV-2 hiện đã làm nhiễm hơn 160.000 người tại châu lục này. 

Ông Nkengasong cho rằng để thực hiện được mục tiêu quan trọng trên, bên cạnh sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức quốc tế và nhà tài trợ, các quốc gia châu Phi cần phải phối hợp thật tốt cũng như cần sự đoàn kết và đồng lòng cao độ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Cairo, Ai Cập ngày 29/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Giám đốc CDC Africa, cho đến thời điểm hiện tại, các quốc gia châu Phi đã xét nghiệm COVID-19 cho 3,4 triệu trường hợp, đạt tỷ lệ 1.700 xét nghiệm/1 triệu người, thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ 37.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Italy và 30.000 xét nghiệm/1 triệu người tại Anh.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết để đạt được tỷ lệ xét nghiệm như tại Liên minh châu Âu, ngoài 90 triệu bộ kit xét nghiệm nêu trên, châu Phi vẫn cần thêm khoảng 25 triệu bộ kit nữa. Theo số liệu mới nhất từ tổ chức này, tính đến ngày 4/6, châu Phi ghi nhận 161.793 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 4.592 trường hợp tử vong và 69.953 người đã khỏi bệnh.

*Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, ngày 4/6, Bộ trưởng Y tế Peru Víctor Zamora thông báo nước này sẽ đẩy mạnh nhập khẩu bình oxy dùng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời tuyên bố đây sẽ là nguồn “tài sản chiến lược” do tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ diễn biến phức tạp.

Peru đang phải đối mặt với sự thiếu hụt tới 8.000 bình oxy y tế, trong khi đó các nhà máy sản xuất loại mặt hàng này đã trở nên quá tải do khủng hoảng COVID-19. Peru hiện là quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ 2 tại Mỹ Latinh, chỉ sau Brazil. Tính tới ngày 4/6, nước này đã ghi nhận 183.198 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 5.031 ca tử vong.

Công Đồng - Phi Hùng - Ngọc Tùng (TTXVN)