10:07 27/10/2014

James Cook với những hành trình khám phá vùng đất mới

James Cook là một trong những nhà hàng hải vĩ đại nhất trong lịch sử, ông cũng là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hawaii và là người đầu tiên đi vòng quanh New Zealand.

James Cook là một trong những nhà hàng hải vĩ đại nhất trong lịch sử với thành tích 2 lần đi vòng quanh thế giới, 3 lần thám hiểm vùng biển Thái Bình Dương.

Ông cũng là người đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hawaii và là người đầu tiên đi vòng quanh New Zealand. Ông sinh ngày 27/10/1728.

James Cook.


James Cook sinh tại Marton, Yorkshire, nước Anh. Từ năm 17 tuổi, ông đã bước vào nghề hàng hải tại thành phố cảng Whitby.

Năm 1755, ông tham gia lực lượng hải quân hoàng gia Anh và bắt đầu những chuyến thám hiểm đầu tiên tại vùng biển Canada. Chẳng bao lâu sau, ông đã chứng tỏ khả năng hàng hảng xuất sắc của mình và nhanh chóng được thăng cấp.

Vào năm 1768, các nhà thiên văn trên thế giới tính được rằng hành tinh Venus sẽ vượt qua Mặt trời vào năm sau. Sự việc này có thể giúp ích cho các nhà khoa học tính được khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời.

Nhưng muốn vậy, phải đặt nhiều trạm quan sát tại nhiều nơi trên Trái đất. Do vậy, nhiều quốc gia châu Âu đã cộng tác với nhau để thực hiện việc đo lường này.

Tại nước Anh, Viện Hoàng gia cũng đề nghị Chính phủ Anh bảo trợ công cuộc nghiên cứu. Vì thế, Vua George III và các hội viên Viện Hoàng gia đồng ý gửi đi một đoàn thám sát. Họ hy vọng, đoàn thám hiểm này không chỉ mang về những phát hiện có lợi ích khoa học mà còn có thể cả những nguồn lợi vật chất.

Một con tàu của Hải quân Hoàng gia Anh được chỉ định thực hiện công cuộc thám hiểm này và James Cook được chọn làm thuyền trưởng đoàn tàu thám hiểm vùng biển Thái Bình Dương.

Theo như kế hoạch, tầu sẽ tới Tahiti là hòn đảo mới được khám phá để rồi sau cuộc quan sát, sẽ tiếp tục mục đích thám hiểm Nam Bán Cầu.

Từ thời Magellan tới lúc bấy giờ mới chỉ có một số thuyền bè giương buồm trên Thái Bình Dương. Vì vậy, mọi người tin rằng còn nhiều phần đất xa lạ chưa được biết tới, nhất là Nam Bán Cầu và những phần đất này phải khá lớn để cân bằng với lục địa nằm trên Bắc Bán Cầu.

Con tàu Endeavour với trọng tải 368 tấn được thả neo tại Plymouth Sound, chờ thuận gió sẽ khởi hành. Con tàu ra đi lần này mang theo những nhà khoa học tìm hiểu về địa dư, hải dương học, vạn vật học…

Ngoài ra, thuyền trưởng Cook còn nhận được mật chỉ phải tìm kiếm những lục địa chưa biết, những phần đất chưa khám phá và khi thành công thì nhận làm đất đai của đế quốc Anh.

Sau 127 ngày vượt biển, con tàu Endeavour tới đảo Tahiti. Đây là lần đầu tiên trên Thái Bình Dương có một con tàu đi thẳng tới mục tiêu.

Sau khi đã quan sát hành tinh Venus đi qua Mặt trời, con tàu tiếp tục hải trình tìm các vùng đất mới. Họ tới quần đảo Tân Tây Lan, nơi nhà hàng hải người Ha Lan Abel Janszoon Tasman đã phát hiện đầu tiên.

Tuy nhiên, quần đảo này chưa hề được ghi trên bản đồ cả về hình dáng, kích cỡ cũng như vị trí trên hải đồ. Các nhà khoa học đã mất 6 tháng đo đạc và vẽ địa thế quần đảo này.

Bằng cách tiếp cận phía Đông của lục địa, mà sau này mang tên Australia, hải đoàn của thuyền trưởng Cook trở thành những người đầu tiên có mặt tại đây.

Trận chiến dẫn tới cái chết của James Cook.


Trên đường trở về, đoàn gặp nhiều khó khăn. Khởi đầu là việc đụng đá ngầm khiến tàu bị vỡ, phải thay đổi hải trình bằng việc đi qua hải cảng Batavia để tu bổ tàu và lấy thêm lương thực. Trong khi đó, cả đoàn lại bị dịch bệnh, chỉ còn hai người không nhiễm là thuyền trưởng Cook và một thủy thủ già luôn say xỉn. Bệnh dịch đã khiến 27 người trên tàu bỏ mạng.

Trở về Anh vào tháng 7/1771, James Cook mang theo các tài liệu khoa học vô giá gồm những bản tường trình, các hình vẽ, các biểu đồ và những ghi chép về vùng đất mới được phát hiện.

Trong hải trình này, thuyền trưởng Cook đã vẽ được hải đồ của New Zealand cũng như những đặc tính tự nhiên của nó. Vượt qua ranh giới New Zealand, ông đã trở thành nhà thám hiểm đầu tiên tiếp cận phía Đông Australia sau này.

Nhận thấy sự màu mỡ và khả năng tiềm tàng của lục địa mới này, Chính phủ Hoàng gia Anh đã quyết định coi đó là lãnh thổ của mình và đặt tên là Australia, đưa người sang khai phá và nước Australia bắt đầu hình thành từ đó.

Sự thành công của chuyến hải trình đầu tiên của thuyền trưởng Cook trên con tàu Endeavour đã khiến triều đình Anh lại phái ông thực hiện tiếp các cuộc khám phá mới.

Từ năm 1772 đến 1775, James Cook đã thực hiện cuộc thám hiểm Thái Bình Dương lần thứ hai và trở thành người châu Âu đầu tiên đi vòng quanh Nam Cực và phát hiện ra nhiều hòn đảo mới ở vùng biển cực Nam.

Năm 1776, James Cook thực hiện chuyến đi khám phá các vùng đất mới lần thứ ba. Chuyến đi này, James Cook được Bộ Hải quân Hoàng gia Anh yêu cầu phải thám hiểm một đường biển có khả năng đi vòng qua Nam Mỹ từ biển Thái Bình Dương, và thám hiểm bờ biển Alaska.

Từ Nam Thái Bình Dương, ông đi về phía Đông Bắc để khám phá các vùng đất phía Tây Bắc Mỹ. Chuyến đi này, thuyền trưởng James Cook đã khám phá ra Hawaii, ông gọi nó là Hòn đảo Thân thiện.

Tuy nhiên, khi ông dừng chân ở Kealakekua, Hawaii, một hiểu lầm giữa ông và thổ dân trên đảo đã dẫn đến một trận chiến dữ dội và kết cục bi thương là James Cook đã bị thổ dân ở đây sát hại vào ngày 14/2/1779.

Cả cuộc đời James Cook đã cống hiến cho những chuyến đi khám phá vùng đất mới. Ngày nay, để tưởng nhớ tới công lao của ông, người ta đã đặt một tượng đài với hình quả địa cầu thể hiện những vùng đất ông đã đi qua và khám phá.

James Cook là nhà hàng hải lỗi lạc không chỉ vì số lượng các chuyến đi, số lượng các vùng đất do ông phát hiện mà còn do tác phong làm việc khoa học, lòng dũng cảm và những đóng góp của ông trong việc phát triển ngành khoa học hàng hải, địa lý học của nước Anh nói riêng và thế giới nói chung.


Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN