08:10 11/08/2020

Italy bình yên giữa ‘làn sóng COVID thứ hai’ ở châu Âu

Điều gì đã khiến một quốc gia như Italy, vốn nổi tiếng về sự hoài nghi đối với bất cứ điều gì như một quy định ràng buộc, lại bước đầu chiến thắng trong trận chiến mà nhiều nước khác không làm được?

Chú thích ảnh
Khách du lịch tới thăm di tích Đấu trường La Mã ở Rome, Italy. 

Khoảnh khắc kinh hoàng trong đại dịch COVID-19 đã làm rúng động Italy vào ngày 27/3/2020, khi nhà chức trách thông báo rằng 969 người đã chết chỉ trong vòng 24 giờ. Trong những tuần sau đó, hình ảnh những chiếc quan tài chất thành đống trong nhà thờ và được đoàn xe tải quân sự chở đi tại thị trấn Bergamo ở miền Bắc đất nước đã khiến cả thế giới bàng hoàng.

Nhưng lúc này, chỉ 4 tháng sau, cuộc sống tại Italy đã gần như trở lại bình thường, dù những ca nhiễm thỉnh thoảng lại tăng lên trong các trại tị nạn. Số người chết đã chững lại ở mức trên 35.000 người và tổng số trường hợp mắc COVID-19 là trên 250.000 ca.

Các hộp đêm và trường học vẫn chưa mở cửa trở lại, việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội là bắt buộc, nhưng mùa hè đang sôi động ở đất nước này. Mọi người đi ăn tối tại các nhà hàng, thưởng thức một truyền thống mùa hè là uống rượu trên các quảng trường, đi nghỉ mát và nói chung là đang cùng tiến về phía trước. Đó là một điều kỳ diệu, nhất là khi so với các quốc gia như Brazil và Mỹ, nơi đại dịch vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát.

Khi sợ hãi có thể là khôn ngoan

Trước cái ngày khủng khiếp vào tháng 3 khi gần 1.000 người chết, những câu chuyện về cách người Italy đối mặt với tình trạng phong toả đã lan đi khắp cộng đồng mạng. Chuyện về những bữa tiệc tối bí mật, hay toàn bộ khu chung cư cùng dắt một con chó đi dạo chỉ để ra ngoài, phơi bày những trò láu cá để lách phong toả. Nhưng thông báo về con số người chết kinh hoàng đó đã trở thành một hồi chuông khiến người Italy bị thức tỉnh bởi nỗi sợ hãi.

Chú thích ảnh
Một linh mục đeo khẩu trang làm lễ ban phước bên một quan tài nạn nhân COVID-19 ở Naples, Italy, ngày 27/3.

Người dân mất việc làm, các doanh nghiệp chịu thiệt hại và trẻ em mất thời gian quý báu khi hệ thống giáo dục phải vật lộn để thích ứng với việc giảng dạy trực tuyến. Gianni Rezza, giám đốc Viện Y tế Quốc gia Italy, nói rằng hình ảnh những người chết, những bệnh viện quá tải, về những người ông, người bà yêu quý chết trong cô độc đã dấy lên một nỗi đau không thể tưởng tượng và khiến cả đất nước sợ hãi. "Ban đầu người dân phản ứng khá hời hợt, tuy nhiên nỗi sợ hãi có lẽ đóng một vai trò nào đó. Hình ảnh những chiếc quan tài được chở trên xe tải quân sự ở Bergamo thật khắc nghiệt, và rõ ràng là chúng là lời nhắc nhở rằng để virus lây lan không kiểm soát sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như thế nào".

"Ra khỏi cơn bão"

Rồi dần dần, mọi thứ trở nên ổn hơn kể từ ngày khủng khiếp đó, với các ca lây nhiễm hàng ngày cuối cùng đạt đến mức ổn định và giảm xuống một số lượng không đáng kể. Mọi người tôn trọng việc phong toả, đeo khẩu trang một cách nghiêm túc, đất nước dần dần được chữa lành “vết thương COVID”. Cảnh sát thực hiện nghiêm việc phong toả và xe bảo vệ dân sự liên tục tuần tra trên đường phố phát loa yêu cầu mọi người ở trong nhà.

Tới đầu tháng 5, đất nước Italy dần dần mở cửa trở lại, đầu tiên là phục vụ đồ ăn mang về, sau đó là phục vụ tại bàn. Với mỗi “hương vị” tự do mới, các cơ quan y tế lại kiểm tra tỷ lệ lây nhiễm, không bao giờ cho phép mở thêm các cơ sở nếu có sự gia tăng, và cảnh báo sẽ đóng cửa nếu tình hình chuyển biến xấu.

Chú thích ảnh
Người dân bơi trong một hồ nước nhân tạo ở Milan, ngày 12/7. Ảnh: AFP

Mọi thứ đang trở lại bình thường ở Italy. Các phòng tập gym mở lại thận trọng và các cửa hàng vẫn chưa thể đông đúc. Tàu hoả chỉ chạy 50% công suất và các phương tiện giao thông công cộng bị hạn chế. Việc tuân thủ đeo khẩu trang được siết chặt theo luật và nước rửa tay sát khuẩn cũng là bắt buộc ở mọi cửa hàng kinh doanh. Nhưng điều tồi tệ nhất, ít nhất là tới lúc này, đã kết thúc. Hiện nay các trường hợp lây nhiễm có tăng chỉ là trong các trại tị nạn hoặc những cộng đồng khép kín đã được kiểm soát.

Hôm 23/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Italy Roberto Speranza xác nhận rằng những nỗ lực tích cực đã được đền đáp. “Tôi tin rằng Italy đã thoát khỏi cơn bão. Tôi không nghĩ về chính phủ mà là về đất nước nói chung”, ông Speranza nói nhưng cảnh báo vẫn không được phép mất cảnh giác. "Chúng ta là những người đầu tiên bị tấn công trên thế giới sau Trung Quốc, chúng ta không có các hướng dẫn. Chúng ta phải tìm hiểu về loại virus này. Tôi nghĩ chúng ta cần thành thật với nhau: đây là những tháng khó khăn nhất trong lịch sử đất nước kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai", Ông Speranza nói nhấn mạnh thêm: “Tình hình quốc tế khiến tôi lo lắng rất nhiều. Trên phạm vi toàn cầu, chúng ta đang ở thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch”.

Vậy điều gì đã khiến một quốc gia như Italy, vốn nổi tiếng từ lâu về sự hoài nghi đối với bất cứ điều gì giống như một quy định ràng buộc, lại giành chiến thắng trong trận chiến mà dường như không quốc gia lớn nào khác có được?

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trung tâm mua sắm ở Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Làn sóng thứ hai đã tấn công Tây Ban Nha, Pháp và Đức và làn sóng đầu tiên gần như chưa kết thúc ở Mỹ hoặc Anh. Nhà báo Beppe Severgnini nói với CNN rằng chính tính cách Ý của người Italy đã làm nên điều đó. Ông nói với CNN: “Chúng tôi đối phó thành công vì chúng tôi thấy luôn có những nguồn lực khác: Chủ nghĩa hiện thực, khả năng sáng tạo, gia đình nhiều thế hệ, tình đoàn kết và những ký ức. Ở  Italy, các quy tắc không được tuân thủ như ở những nơi khác. Chúng tôi nghĩ rằng việc tuân thủ một quy định mà không đặt câu hỏi trước là một sự xúc phạm đối với trí thông minh của chúng tôi. Nhưng khi chính phủ thiết lập một chiến dịch phong toả hà khắc vào ngày 10/3, người Ý tin tưởng ở quy định đó".

Ý chí chính trị

Nhiều người ghi nhận rằng Thủ tướng không qua bầu cử của Italy, Giuseppe Conte, người không có đảng phái chính trị nào đứng sau, đã không "chơi trò chính trị". Mỗi lần ông đưa ra một biện pháp mạnh hơn, ông nói rằng lỗi là "tại tôi" chứ không phải tại chính phủ mà ông lãnh đạo.

Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Italy, Gianni Rezza cũng tin rằng không chỉ nỗi sợ hãi đóng một vai trò nào đó mà cả chính phủ cũng phải được chúc mừng, vì Thủ tướng Conte tuân thủ khoa học hơn là sự nổi tiếng. “Các chính trị gia rõ ràng đã có sự dũng cảm nhất định khi lắng nghe các nhà khoa học, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Y tế", ông Rezza nhận xét.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Giuseppe Conte (trái) được ca ngợi vì hành động quyết đoán. Ảnh: AFP

"Các chính trị gia cũng đưa ra quyết định can đảm bởi vì việc đóng cửa trên toàn quốc có nghĩa là người dân sẽ khó chịu và gây những ảnh hưởng về kinh tế". Theo ông Rezza, ở Mỹ, việc đóng cửa diễn ra thất thường, và ở Anh, việc mở cửa trở lại phức tạp và khó hiểu đối với người dân, chưa kể những sơ hở và ngoại lệ cho hầu hết mọi quy tắc.

Ngay cả ở Tây Ban Nha, nơi virus tấn công mạnh và việc phong toả diễn ra chặt chẽ, virus vẫn tìm được đường trở lại, một phần là do mở cửa lại quá nhanh. Bạn có thể đi khiêu vũ ở Tây Ban Nha, nhưng ở Italy thì chưa.

Pháp cũng vậy, đã chứng kiến ​​sự bùng phát trở lại của COVID-19, nhưng các nhà chức trách chỉ thiết lập quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín từ ngày 20/7. Trong khi đó, Italy đã bắt buộc điều này ngay từ đầu và sẽ còn tiếp tục trong một thời gian dài tới đây.

Thiệt hại kinh tế

Mặc dù cuối cùng đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nước Ý cũng chịu những thiệt hại kinh tế to lớn. GDP dự kiến ​​sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay và nhiều doanh nghiệp gắn liền với lĩnh vực du lịch có thể không bao giờ mở cửa trở lại.

Chú thích ảnh
Cuộc sống trở lại bình thường trong mùa hè ở Milan, Italy. Ảnh: Getty Images

Nhưng việc không phải gánh chịu làn sóng thứ hai - cho đến nay - có nghĩa là sẽ không có một đợt phong toả nào khác và các doanh nghiệp có thể tiếp tục hồi phục mà không sợ phải mất thêm tiền.

Ông Severgnini, người từng sống ở Mỹ, đã vẽ ra sự tương phản giữa thành công đáng ngạc nhiên của Italy cho đến nay với cuộc đấu tranh của Mỹ để làm phẳng đường cong dịch quốc gia. Ông nói: “Nước Mỹ được sinh ra từ một cuộc nổi loạn, và bạn vẫn có thể cảm nhận được điều đó. Nhưng đôi khi nổi loạn là điều vô lý, đặc biệt là trong một trận đại dịch”. Ông Severgnini cũng tin rằng nỗi sợ hãi đóng một vai trò nào đó. “Sợ hãi có thể là một dạng của sự khôn ngoan. Táo bạo, lại thể hiện sự bất cẩn”, ông nói.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo CNN)