07:11 28/07/2025

Israel tạm dừng tấn công nhưng liệu có đủ để cứu Gaza khỏi nạn đói?

Israel tuyên bố "tạm dừng chiến thuật hoạt động quân sự" hàng ngày để tạo điều kiện cho nhiều hàng cứu trợ hơn đến được với người dân Gaza, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng phẫn nộ về nạn đói khủng khiếp trên dải đất này.

Chú thích ảnh
Các em nhỏ bị suy dinh dưỡng tại Gaza, ngày 25/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo CNN, quân đội Israel cho biết động thái này sẽ "bác bỏ cáo buộc sai trái về nạn đói cố ý ở Dải Gaza". Việc tạm dừng tấn công cũng sẽ cho phép quân đội mở các hành lang để tạo điều kiện cho việc phân phối hàng cứu trợ của Liên hợp quốc (LHQ) và các cơ quan khác.

Tuy vậy, quyết định này đã đến quá muộn với nhiều người Palestine, khi các quan chức ở Gaza báo cáo có thêm nhiều ca tử vong do suy dinh dưỡng và bạo lực nhằm vào những người đang tuyệt vọng tìm kiếm hàng cứu trợ. Và mặc dù "khoảng dừng chiến thuật" được các cơ quan LHQ hoan nghênh, nhưng vẫn có những câu hỏi đặt ra về việc liệu nó có đủ hay không sau nhiều tháng mà lượng hàng viện trợ đến được Gaza quá ít ỏi.

Gaza đã rơi vào tình cảnh này như thế nào?

Khủng hoảng nhân đạo ở Gaza từ lâu đã diễn ra. Trong gần hai năm chiến tranh sau các cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, phần lớn dân số Gaza đã phải di dời nhiều lần. Hàng chục nghìn người đang sống trên đường phố hoặc trong những túp lều tạm bợ. Do cơ sở hạ tầng của Gaza bị phá hủy, việc tiếp cận nước sạch và điện trở nên khó khăn hơn.

Trên hết, việc cung cấp viện trợ lương thực nhân đạo đã bị gián đoạn do giao tranh, khó khăn trong việc phân phối hàng viện trợ và các hạn chế do quân đội Israel ban hành. Trước cuộc xung đột, khoảng 3.000 xe tải cứu trợ và thương mại vào Gaza mỗi tuần. Sau đó, số lượng đã giảm mạnh.

Trong lệnh ngừng bắn đầu năm nay, trung bình có vài trăm xe tải qua lại mỗi ngày. Nhưng điều đó đã không kéo dài.

Tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể vào đầu tháng 3, khi Israel áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện Gaza nhằm buộc Hamas phải thả các con tin mà họ vẫn đang giam giữ.

Nạn đói đã lan rộng khắp Gaza và tiếp tục gia tăng trong những tháng tiếp theo. Các tiệm bánh và bếp ăn cộng đồng đóng cửa, giá cả tại các chợ tăng vọt vượt xa khả năng chi trả của hầu hết người dân Gaza. Liên hợp quốc cảnh báo rằng tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng trong khi gần 6.000 xe tải cứu trợ vẫn nằm ở biên giới.

Cuối tháng 5, lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ một phần và Quỹ Nhân đạo Gaza (GHF) - một liên doanh tư nhân được Mỹ và Israel hậu thuẫn - đã mở các điểm phân phối thực phẩm ở miền nam Gaza. Tuy nhiên, LHQ và các tổ chức khác chỉ trích GHF vì vi phạm các nguyên tắc nhân đạo cơ bản và không đáp ứng được nhu cầu của người dân Gaza. Đáp lại, GHF cho biết họ đã phân phát hơn 90 triệu suất ăn và đổ lỗi cho LHQ  vì đã không phối hợp với họ.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine nhận thức ăn cứu trợ tại thành phố Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

LHQ cho biết hơn 1.000 người đã thiệt mạng kể từ tháng 5 năm nay trong những nỗ lực tuyệt vọng để kiếm thức ăn cho gia đình, hầu hết đều do quân đội Israel gây ra.

Vào tháng 5, LHQ báo cáo rằng toàn bộ dân số đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, với 500.000 người đang đối mặt với nạn đói và hơn 70.000 trẻ em cần được điều trị suy dinh dưỡng cấp tính.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do suy dinh dưỡng ở Gaza đã tăng vọt vào tháng 7, với 63 ca tử vong được ghi nhận. Cơ quan y tế toàn cầu này cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng của vùng đất này đã đạt "mức báo động" trong tháng này. WHO cho biết hơn 5.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã được đưa vào điều trị ngoại trú do suy dinh dưỡng chỉ trong hai tuần đầu tiên của tháng 7.

Các quan chức y tế Palestine cho biết đến nay, 133 người đã tử vong vì suy dinh dưỡng ở Gaza kể từ khi xung đột bắt đầu, trong đó gần 90 người là trẻ em. Phần lớn các ca tử vong này xảy ra kể từ tháng 3.

Hình ảnh trẻ em chết vì suy dinh dưỡng cấp tính đã gây phẫn nộ toàn cầu. Các chính phủ Anh, Pháp và Đức tuần trước tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng này là "do con người gây ra và có thể tránh được".

Israel đã tuyên bố gì?

Các lệnh tạm dừng chiến thuật, do quân đội Israel công bố bao gồm ba khu vực dọc bờ biển Địa Trung Hải – Al-Mawasi, Deir al-Balah và một phần Thành phố Gaza – phần lớn trong số đó vốn được cho là khu vực an toàn, nơi người dân có thể di tản. Quân đội Israel đã công bố một bản đồ hiển thị các khu vực sẽ có hiệu lực tạm dừng nhưng đánh dấu phần còn lại của Dải Gaza bằng màu đỏ là "khu vực chiến sự nguy hiểm".

Lệnh tạm dừng tấn công bắt đầu từ ngày 27/7 và kéo dài 10 tiếng mỗi ngày "cho đến khi có thông báo mới".

Một khía cạnh quan trọng trong thông báo của Israel là các "tuyến đường an toàn" được chỉ định sẽ được thiết lập từ 6 giờ sáng đến 11 giờ tối giờ địa phương, để cho phép các đoàn xe của LHQ và các tổ chức nhân đạo phân phối thực phẩm và thuốc men một cách an toàn.

Israel đã thả hàng viện trợ bằng đường không vào Gaza vào tối 26/7, sau khi trước đó đã tuyên bố sẽ cho phép các nước ngoài thực hiện các hoạt động này. Ngày 27/8, Israel, Jordan và UAE đã thả 28 bao hàng viện trợ bằng đường không.

Tuy nhiên, các tổ chức viện trợ coi việc thả hàng viện trợ bằng đường không là tốn kém, kém hiệu quả và đôi khi nguy hiểm. Người phát ngôn của UNICEF, Joe English, nói: "Chúng tôi thả hàng viện trợ bằng đường không ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng nó chỉ hiệu quả ở những cộng đồng xa xôi hẻo lánh, tại những không gian rộng lớn. Điều đó không phải ở Dải Gaza."

Hamas lên án động thái của chính phủ Israel là "chẳng khác gì một bước đi hình thức và lừa dối nhằm mục đích tô vẽ hình ảnh của mình trước thế giới."

“Kế hoạch thả hàng viện trợ bằng đường không và kiểm soát cái gọi là hành lang nhân đạo của phe chiếm đóng là một chính sách trắng trợn nhằm kiểm soát nạn đói chứ không phải chấm dứt nó”, tuyên bố của Hamas viết.

Tình hình có thể cải thiện đến mức nào?

Các xe tải đã bắt đầu lăn bánh về phía Gaza, bao gồm cả các đoàn xe từ Ai Cập và Jordan. Nhưng khối lượng hàng viện trợ cần thiết là rất lớn.

Chú thích ảnh
Người dân Palestine nhận hàng viện trợ tại thành phố Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Hàng ngàn xe tải đã sẵn sàng vào Gaza với thực phẩm và vật tư y tế, nhưng cửa khẩu chính tại Kerem Shalom đã chật cứng xe tải chở hàng viện trợ đang chờ phân phối. Chỉ có hai cửa khẩu vào Gaza – Kerem Shalom và Zikim ở phía bắc.

Hơn 100 xe tải hàng cứu trợ đã được chuyển đến Gaza vào 27/7, nhưng "hành động bền vững" là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng – theo ông Tom Fletcher, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của LHQ.

Người phát ngôn của UNICEF nói rằng tổ chức này "không thể làm nên điều kỳ diệu" với những khoảng thời gian cuối cùng để đưa hàng cứu trợ vào Gaza, bởi vì trẻ em suy dinh dưỡng cần được chăm sóc liên tục.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực Thế giới hoan nghênh thông báo của Israel, cho biết họ có đủ lương thực trong - hoặc đang trên đường đến - khu vực này để nuôi sống toàn bộ dân số 2,1 triệu người trong gần 3 tháng. Tổ chức này cho biết họ đã nhận được sự đảm bảo rằng Israel sẽ cấp phép thông quan nhanh hơn để cho phép tăng cường viện trợ lương thực.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc