07:13 02/07/2020

Israel ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, Palestine phong tỏa khu Bờ Tây

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại Trung Đông. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo khu vực này đang ở thời điểm quyết định để chống dịch bệnh, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại đây tăng vọt sau khi nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm y tế Sheba ở Ramat Gan, gần Tel Aviv, Israel ngày 30/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chức y tế Israel ngày 1/7 xác nhận trong 24 giờ qua danh sách bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã thêm 1.013 người - mức tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy Israel hiện đã có 26.021 trường hợp mắc COVID-19. 

Cùng ngày, một ủy ban đặc biệt của Israel tuyên bố một số khu vực ở thành phố Lod ở miền Trung nước này và thành phố biển Ashdod là "những vùng bị hạn chế" do tình hình dịch bệnh tại những khu vực này. Theo đó, áp đặt các hạn chế đối với việc ra vào các khu vực trên cũng như các hoạt động thương mại và giao thông để đảm bảo sức khỏe cộng đồng. 

Trong ngày 1/7, Palestine cũng đã ghi nhận thêm 330 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại các vùng lãnh thổ Palestine lên 3.095 ca kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện ngày 5/3 vừa qua. 

Theo Bộ trưởng Y tế Palestine Mai al-Kaila, trong số các ca nhiễm mới có tới 248 trường hợp tại khu vực tâm dịch Hebron ở phía Nam khu Bờ Tây. Hiện còn 2.450 bệnh nhân đang được điều trị tại nhiều cơ sở y tế khác nhau trên khắp Bờ Tây, trong khi 234 người đã được xuất viện sau khi điều trị khỏi bệnh. 

Người phát ngôn của Chính quyền Palestine - ông Ibrahim Milhem cùng ngày thông báo Chính quyền Palestine đã quyết định phong tỏa tất cả các khu vực thuộc Bờ Tây trong 5 ngày kể từ ngày 3/7 tới, nhằm cắt đứt chuỗi lây lan tại đây. Theo quyết định này, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng tại Palestine sẽ phải ngừng hoạt động hoàn toàn, tuy nhiên các hiệu thuốc, siêu thị và tiệm bánh được mở cửa 12 giờ/ngày. 

Tại Iraq, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Cơ quan Quản lý hàng không dân dụng nước này đã quyết định gia hạn đình chỉ các chuyến bay nội địa và quốc tế đến ngày 15/7 tới. Mặc dù vậy, lệnh cấm trên có thể được dỡ bỏ đối với các chuyến bay khẩn cấp, chở hàng hoặc sơ tán y tế, cũng như các máy bay bay qua không phận Iraq. Ngoài ra, Bộ trưởng Vận tải Iraq - ông Nasser al-Shibli tuyên bố hãng hàng không Iraqi Airways sẽ nối lại các chuyến bay thương mại giữa Baghdad và Beirut (Liban) từ ngày 2/7.

Quyết định này được đưa ra sau khi giới chức Iraq và Liban nhất trí khôi phục các tuyến bay giữa hai nước với tần suất 2 chuyến/tuần và các biện pháp kiểm soát y tế được thực hiện nghiêm ngặt.

Tại Ai Cập, trong chuyến thị sát các dự án xây dựng ở quận Nasr City thuộc thủ đô Cairo ngày 1/7, Tổng thống Abdel Fattah El Sisi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai tất cả các biện pháp chống dịch COVID-19. 

Theo Văn phòng Tổng thống Ai Cập, ông Sisi đã khẳng định tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn cho tất cả các công nhân làm việc tại các công trường xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong ngày 1/7, Bộ Y tế Ai Cập xác nhận thêm 1.503 trường hợp mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Bắc Phi này lên 69.814 người, trong đó 3.034 bệnh nhân đã tử vong.

Hiện Ai Cập đã dỡ bỏ một phần các lệnh giới nghiêm vào ban đêm vốn được áp đặt tại nước này trong 3 tháng qua. Các viện bảo tàng, đền thờ và nhà thờ đã mở cửa trở lại. Các nhà hàng ăn, quán cà phê, nhà hát và rạp chiếu phim cũng đã mở lại với 25% công suất hoạt động, các khách sạn được hoạt động ở 50% công suất, trong khi các bãi biển và các công viên vẫn được lệnh đóng cửa.

Trong khi đó, không khí náo nhiệt đã trở lại các bãi biển ở Qatar từ ngày 1/7, trong bối cảnh quốc gia vùng Vịnh này đang từng bước nới lỏng các hạn chế xã hội được áp đặt để phòng dịch COVID-19 lây lan.    

Quyết định mở cửa các bãi biển được đưa ra sau khi Qatar ghi nhận số ca nhiễm mới trong tuần qua là 889 trường hợp, giảm đáng kể so với con số 1.086 người ghi nhận trong tuần trước đó.

Qatar là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 tính theo đầu người cao nhất thế giới (hơn 3,5% trên tổng số 2,75 triệu dân). Hiện nước này đã có 115 trường hợp tử vong do COVID-19. Giới chức Qatar luôn khuyến cáo người dân không lơ là công tác phòng chống dịch bệnh, duy trì việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng và không tụ tập quá 5 người.

Thanh Phương (TTXVN)