07:20 06/07/2015

IS tìm cách gây thanh thế

Ngày 26/6, trên một bãi biển ở Tunisia, một người đàn ông ngang nhiên nã súng tiểu liên vào các khách du lịch nước ngoài, làm 38 người chết.

Ngày 26/6, trên một bãi biển ở Tunisia, một người đàn ông ngang nhiên nã súng tiểu liên vào các khách du lịch nước ngoài, làm 38 người chết. Chỉ vài giờ sau tại Kuweit, một vụ khủng bố liều chết nhằm vào một đền thờ Hồi giáo của người Shi'ite làm 26 người chết và 227 người bị thương.

Cả hai vụ khủng bố này đều được tổ chức “Nhà nước Hồi giáo”(IS) tự xưng nhận trách nhiệm. Điều đó làm dấy lên những câu hỏi khác nhau về khả năng toàn cầu của tổ chức khủng bố còn rất non trẻ này.

Khách du lịch rời Tunisia sau vụ tấn công khủng bố ngày 26/6. Ảnh: AFP/TTXVN


IS bắt đầu cuộc tấn công ở Iraq vào đầu tháng lễ Ramadan năm 2014 và tuyên bố thành lập “Vương quốc Hồi giáo” vào ngày 30/6 năm ngoái. Sau một năm, tổ chức này đã mở rộng ảnh hưởng của mình tới Syria và nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq, nhiều nhóm trung thành với tổ chức này ra đời ở vùng Bắc Phi, như Libya, Tunisia, Algeria, Nigeria cho đến tận Trung Á. Liệu đây có phải là đám mây mù đang bắt đầu bao phủ trên toàn thế giới và nó còn đáng sợ hơn cả tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda hay không?

Hiện nay, câu trả lời vẫn chưa có lời giải đáp chính xác, nhưng câu hỏi ấy vẫn khiến người ta lo ngại. Nhất là IS biết rõ đánh vào nơi nào gây hiệu ứng cao nhất. Không phải đương nhiên mà chúng chọn Tunisia là mục tiêu rõ ràng. Trước hết, Tunisia là tấm gương của một đất nước Hồi giáo kết hợp tôn giáo với quyền tự do chính trị và hiện đại hóa kinh tế theo kiểu phương Tây. Điều này khiến IS hết sức khó chịu. Tiếp đến, Tunisia là một mục tiêu địa lý lý tưởng do nằm ở phía cực Bắc châu Phi và gần châu Âu. Với 459 km đường biên giới chung với Libya, thâm nhập vào Tunisia không phải là một nhiệm vụ khó khăn đối với các chiến binh của IS. Tất nhiên, IS nhằm mục tiêu vào lĩnh vực du lịch, nguồn thu nhập lớn của Tunisia trong công cuộc tái thiết thời hậu 2011.

Trong khi đó, ở Kuweit, sự việc lại hoàn toàn khác bởi vì vụ khủng bố chống người Shi’ite diễn ra trong một bầu không khí căng thẳng giữa người Shi’ite và người Sunni trong khu vực. Và chính mối quan hệ căng thẳng này đã làm trầm trọng cuộc khủng hoảng tại Yemen cũng như tạo ra sự đối kháng giữa hai cường quốc khu vực, là Saudi Arabia và Iran. Tất nhiên, đây là vụ khủng bố đầu tiên kiểu này do các phần tử thánh chiến của IS nhận trách nhiệm tại vương quốc nhỏ bé ở vùng Vịnh này, nơi có khoảng 1/3 dân số theo dòng Shi’ite. Nhưng cần phải nhắc lại rằng vài tuần trước đó, IS cũng đã nhằm vào hai đền thờ Hồi giáo Shi’ite ở Saudi Arabia. Ngoài ra, mới đây IS cũng đã nhận trách nhiệm gây ra 5 vụ khủng bố gần như là đồng thời vào các đền thờ Hồi giáo Shi’ite ở thủ đô Sanaa của Yemen.

Khi nhận trách nhiệm gây ra vụ khủng bố ở Tunisia, IS đã khẳng định rằng chúng sẽ còn tiếp tục tấn công vào Liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu đang chống lại các tay súng thánh chiến bằng các cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm của IS ở Syria và Iraq. Trong khi đó, khi nhận trách nhiệm gây ra vụ khủng bố ở Kuweit, giọng điệu của IS lại có phần khác: “IS sẽ còn cho ‘nổ tung’ những đền thờ Hồi giáo tuyên truyền việc giảng dạy giáo lý của dòng Shi’ite nơi có người Sunni sinh sống”.

Tóm lại, IS đang tìm mọi cách để gieo rắc nỗi kinh hoàng trên thế giới, và làm mối bất hòa giữa đa số người Sunni và thiểu số người Shi’ite tại bán đảo Arập thêm căng thẳng, từ đó hy vọng sẽ tạo ra được những vụ lộn xộn nghiêm trọng và lâu dài trong lòng các nước Arập ở đây. Những hành động khủng bố của IS, diễn ra từ châu Âu đến vùng Vịnh, rồi qua cả khu vực Bắc Phi, rõ ràng đã được phối hợp với nhau để gây ra một cú sốc trong dư luận, và làm dấy lên những câu hỏi về khả năng toàn cầu của tổ chức này, và đây cũng chính là điều IS đang hướng tới.

Phạm Phú Phúc ( Theo tờ “Trung Đông”)