11:17 11/11/2014

IS sẽ ra sao nếu thiếu thủ lĩnh Baghdadi?

Sự im lặng của nhóm cực đoan IS trước thông tin trên có thể là dấu hiệu cho thấy chắc hẳn đã có chuyện gì đó xảy đến với thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi.

Những cuộc không kích dồn dập nhằm vào đoàn xe của khủng bố IS gần thành phố Mosul (Iraq) làm rộ lên tin tên thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi của lực lượng này đã chết hoặc bị thương do oanh tạc.

Sự im lặng của nhóm cực đoan IS trước thông tin trên có thể là dấu hiệu cho thấy chắc hẳn đã có chuyện gì đó xảy đến với thủ lĩnh Baghdadi. Tuy nhiên, IS từng giữ im lặng và không đưa ra bất cứ phủ nhận nào trước thông tin người phát ngôn của lực lượng này là Abu Muhammad al-Adnani thiệt mạng trong một cuộc không kích hồi đầu năm nay, cho dù thực tế tên Adnani vẫn sống sót.


Một tài khoản trên mạng Twitter nhận là của phát ngôn viên Adnani đã tuyên bố thủ lĩnh Baghdadi đang trong giai đoạn phục hồi sau khi bị thương. Thế nhưng tài khoản này được cho là giả mạo bởi nếu không nó đã bị Twitter xóa từ lâu.


Số phận của thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi vẫn còn là một dấu hỏi lớn.


Dù chưa thể xác thực các nguồn tin hiện nay nhưng việc cái chết của Baghdadi sẽ ảnh hưởng thế nào đến tương lai của nhóm khủng bố Hồi giáo IS chính là điều khiến nhiều người quan tâm tới.


Thủ lĩnh Baghdadi có một vị thế quan trọng trong bộ máy chính quyền IS từ những ngày tổ chức còn trứng nước. Baghdadi đã xưng danh là một “caliph” (vua Hồi giáo) kể từ trước khi cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” được thành lập vào tháng 6/2014.


Ngoài ra, Baghdadi chính là người tuyên bố đổi tên gọi của phong trào tự xưng “Nhà nước Hồi giáo Iraq” (ISI) thành “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Levant” (ISIL – một tên gọi khác của IS) vào tháng 4/2014. Lực lượng này cho rằng một nhà nước Hồi giáo chỉ giới hạn ở phạm vi của Iraq và Syria là chưa đủ và muốn mở rộng lãnh thổ hơn nữa. Mặt khác, ISI lúc đó vừa tách ra khỏi tổ chức al-Qaeda để hoạt động như một vương quốc độc lập nên đã quyết định lớn tiếng phô trương thanh thế.


Ai có thể thay thế?

 

Bước chuyển từ ISI tới ISIL được ghi nhớ với các khẩu hiệu như “kế hoạch hứa hẹn của Nhà nước Hồi giáo” cùng với các bài hát về lòng trung thành và ca ngợi thủ lĩnh Baghdadi. Nhân vật này đã có ảnh hưởng lớn trong quyết định thành lập một nhà nước riêng của IS, đồng thời được các phần tử cực đoan kính trọng nhờ mang dòng dõi của nhà tiên tri Muhammad cũng như những kiến thức rộng lớn về luật pháp Hồi giáo của hắn.


Vấn đề bây giờ là tìm một người khác có khả năng lãnh đạo thay Baghdadi trong bối cảnh hắn được cho là đã chết. Hiện chưa có một nhân vật nào của IS chưa đứng ra đảm nhiệm vị trí của thủ lĩnh Baghdadi. Tuy nhiên người ta dự đoán 3 nhân vật gồm phát ngôn viên Abu Muhammad al-Adnani, tư lệnh Omar Shishani và tư lệnh Shaker Abu Waheeb là những người có tiềm năng kế nhiệm Baghdadi.


Trong khi đó, những thành phần tối cao khác trong bộ máy IS – chẳng hạn như các thành viên của Hội đồng Shura có quyền hạn tuyên bố thành lập nhà nước – cũng chưa được lộ danh.

 

Tổ chức IS có thể rơi vào tình trạng lộn xộn nếu Baghdadi thực sự đã chết. Các thành viên IS sẽ khó để ngay lập tức đồng thuận chọn ra một lãnh đạo mới, người có thể kế thừa tinh thần của Baghdadi và tuyệt đối trung thành với thế giới người Hồi giáo.

 

Các chiến binh của IS không phải là một khối thống nhất. Có rất nhiều nhóm thành viên trong tổ chức IS, ví dụ như nhóm thánh chiến Jamaat Ansar al-Islam đã có lời thề trung thành với quan niệm IS là sự chiến thắng, có thể tự tách ra để lập nhà nước Hồi giáo riêng.


Nếu sự tín nhiệm mất đi, lời thề trung thành, được coi là dành cho thủ lĩnh Baghdadi với vai trò “quốc vương của nhà nước Hồi giáo”, cũng sẽ biến mất. Các thành viên của IS sẽ trở lại các tổ chức trước đó mà họ đã tham gia và làm giảm đi sức mạnh của lực lượng cực đoan này.

 

 

Hoàng Trang (theo BBC)