10:06 10/10/2014

IS sắp kiểm soát hoàn toàn tỉnh Anbar, Iraq

Tỉnh Anbar ở miền Tây Iraq đang đứng trước nguy cơ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát hoàn toàn nếu không có hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn các thất bại quân sự.

Truyền thông khu vực ngày 9/10 dẫn nguồn từ Hội đồng Bộ lạc Anbar cảnh báo rằng tỉnh miền Tây bất ổn này của Iraq đang đứng trước nguy cơ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát hoàn toàn trừ phi có hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn các thất bại quân sự.


Nhóm khủng bố IS có khả năng sắp kiểm soát hoàn toàn tỉnh Anbar phía Tây Iraq.


Faris Ibrahim, thành viên Hội đồng Bộ lạc Anbar - tổ chức bộ lạc cao nhất của người Sunni tại tỉnh này, cho biết tình hình an ninh tại đây đang ngày càng tồi tệ do thiếu sự hỗ trợ, cũng như sự vắng mặt gần như hoàn toàn các chỉ huy an ninh và quân đội. Các tướng lĩnh quân đội không thể đưa ra các kế hoạch mới nhằm chặn đà tiến của IS. Trong khi đó, tổ chức thánh chiến cực đoan này đã có những bước tiến mạnh mẽ tại nhiều khu vực ở Anbar kể từ khi liên minh quốc tế chống IS được thành lập. 


Ông Ibrahim cũng cho biết IS đang lập các nhóm bí mật tại Anbar nhằm củng cố vị thế và mở rộng vùng lãnh thổ chiếm đóng. Kể từ khi giao tranh nổ ra giữa quân đội Iraq và IS vào tháng 12/2013, hơn 500.000 người dân địa phương đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Bất chấp các nỗ lực của quân đội Iraq và các nước trong liên minh quốc tế, IS vẫn tiếp tục hoành hành tại quốc gia vùng Vịnh này. Hiện các tay súng tình nguyện người Shi'ite với sự hỗ trợ của quân đội Iraq đang nỗ lực giành lại thị trấn Hit bị rơi vào tay IS hồi tuần trước. 


Theo ông Ibrahim, giới lãnh đạo quân đội và cảnh sát không làm được bất cứ điều gì mới mẻ nhằm ngăn chặn IS mở rộng địa bàn và tăng cường khả năng tại tỉnh Anbar. Hậu quả là hầu hết các khu vực tại Anbar, trong đó có trung tâm thành phố Ramadi, hiện đang nằm dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của IS.


Mỹ không thay đổi chiến lược sau bước tiến của IS tại Kobane


Ngày 9/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng bước tiến của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Kobane, thành phố vùng biên giới của Syria giáp Thổ Nhĩ Kỳ, là một thảm kịch song sẽ không thể ngăn cản Mỹ và các đồng minh thực hiện chiến lược lâu dài của họ tại khu vực.


Trả lời báo giới tại Boston, ông Kerry nêu rõ: "Kobane là một thảm kịch vì nó đại diện cho sự xấu xa của IS, song nó không định hình chiến lược hay việc đánh giá đầy đủ những gì đang xảy ra liên quan đến sự phản ứng với IS. Chúng ta mới chỉ xây dựng liên minh được vài tuần. Mọi người vẫn đang nhận nhiệm vụ. Mục tiêu chính của nỗ lực này là mang đến không gian để Iraq có thể ổn định chính phủ và bắt đầu phản công".


Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hussein Amir Abdollahian cho biết nước này đã bắt đầu cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thuyết phục Ankara ngăn cản lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm Kobane, thành phố then chốt ở vùng biên giới Syria.


Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời ông Abdollahian nói: "Iran sẽ làm bất cứ điều gì để giúp người Kurd tại Kobane trong khuôn khổ sự hỗ trợ mà Iran cung cấp cho chính quyền Syria để chiến đấu chống khủng bố". Theo ông, Tehran đang thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara có thể "đóng vai trò quan trọng nhất để giúp người tị nạn Syria trở về quê hương".


Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu sức ép vì không có hành động trước việc IS chiếm 1/3 thành phố Kobane và làn sóng biểu tình ở các khu vực mà người Kurd sinh sống ở nước này đòi đã làm ít nhất 23 người thiệt mạng, buộc nhà chức trách phải ban bố lệnh giới nghiêm tại 6 tỉnh.



T.N