Irma Grese làm trợ lý y tá trong thời gian ở Hohenlychen, nhưng có vẻ cô ta không đủ năng lực để trở thành y tá chính thức.
Kỳ 2: Đào tạo tại Ravensbrück
Grese (giữa) cùng với hai nữ giám thị khác tại một địa điểm không xác định vào năm 1941. Ảnh: warfarehistorynetwork.com
Gebhardt nói rằng cô ta có thể phù hợp với một công việc khác và giới thiệu cô ta đến gặp một người bạn tại Ravensbrück. Lúc này, cô ta mới 17 tuổi rưỡi và lời gợi ý của Gebhardt đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời cô ta cũng như nhiều người khác trong những năm sau đó.
Irma liên hệ với người bạn của Gebhardt (danh tính vẫn chưa được xác định) và đến trại Ravensbrück vào tháng 4/1941. Tuy nhiên, cô ta được yêu cầu quay lại sau sáu tháng, khi tròn 18 tuổi. Trong khoảng thời gian chờ đợi, cô ta được tổ chức Reichsarbeitsdienst (Cơ quan Lao động Đế chế - RAD) điều đến làm việc tại một trang trại bò sữa ở Fürstenberg gần Wrechen, từ tháng 4/1941 đến tháng 7/1942. Cô ta khai trong phiên tòa rằng đã thử xin học lại để trở thành y tá thực tập vào tháng 7/1942.
Cô ta quay lại Ravensbrück và gia nhập lực lượng SS với tư cách là một nữ giám thị tại các trại tập trung, trại cải huấn thanh thiếu niên và lực lượng giám sát cảnh sát.
Vào thời điểm đó, Đức Quốc xã đang tích cực tuyển dụng nữ giám thị, quảng bá công việc này như một nghề toàn thời gian với mức lương ổn định, chỗ ở, thực phẩm và đồng phục. Trở thành nữ giám thị cũng được coi là một “nghề nghiệp thời chiến”. Tuy nhiên, những người này không phải là thành viên chính thức của SS, mà chỉ được xem là nhân viên của Waffen-SS (nhánh chiến đấu của SS). Khoảng 2.500 phụ nữ đã phục vụ trong lực lượng này trong thời kỳ Holocaust.
Irma và những người mới khác phải kiểm tra y tế và phải đạt điều kiện là không được có tiền án hình sự. Họ cũng phải làm các bài kiểm tra bao gồm các câu hỏi như “SS là viết tắt của gì?” và “Adolf Hitler đã viết cuốn “Mein Kampf” ở đâu?”. Cô ta vượt qua tất cả và được nhận vào làm.
Trong phiên tòa xét xử, Irma khai rằng cô ta bị RAD bắt buộc phải làm việc tại Ravensbrück trái với ý muốn. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy cô ta đã tình nguyện tham gia.
Việc trở thành một giám thị SS mang đến cho Grese một tương lai mới. Vì cô ta đã sớm bị thu hút bởi tư tưởng Quốc xã, nên việc cô ta chọn phục vụ trong hàng ngũ SS không có gì bất ngờ.
Cô ta trải qua ba tuần huấn luyện khắc nghiệt tại Ravensbrück, nhằm rèn luyện sự tàn nhẫn và trung thành tuyệt đối với lý tưởng chủng tộc của Đức Quốc xã. Những ngày đầu tiên, cô ta còn xin lỗi một tù nhân khi vô tình chắn đường họ. Nhưng chỉ sau bốn ngày, Grese đã bị “cải tạo” hoàn toàn, mất đi mọi dấu vết của lòng nhân đạo.
Tại Ravensbrück, Irma Grese bắt đầu quan hệ tình cảm với các sĩ quan SS nam. Theo tác giả Germaine Tillion trong cuốn Ravensbrück, mặc dù SS cấm quan hệ tình dục giữa giám thị và tù nhân, nhưng lại khuyến khích các mối quan hệ giữa các thành viên SS với nhau. Các nữ giám thị, dù đã kết hôn hay chưa, đều có ít nhất một tình nhân SS. Họ cũng thường xuyên tụ tập uống rượu và ăn nhậu thâu đêm nhân dịp hạ chí hoặc đông chí, đến mức khi tỉnh dậy họ không nhớ nổi mình đã qua đêm với ai.
Thông thường, phải mất một tháng để đào tạo một giám thị đạt đến mức tàn ác tối đa, nhưng Grese chỉ mất ba tuần. Lúc này, cô ta cảm thấy mình đã đạt được một cột mốc quan trọng trong cuộc đời.
Theo Ella Lingens-Reiner, tác giả cuốn “Prisoners of Fear” (tạm dịch: Tù nhân sợ hãi), bạo lực là một phần không thể thiếu của hệ thống trại tập trung. Nhưng những hành vi bạo dâm, biến thái tình dục và tra tấn tàn bạo không phổ biến. Vì vậy, Grese là một trường hợp hiếm hoi trong số các nữ giám thị SS.
Hầu hết các nữ giám thị và sĩ quan SS đều chỉ coi việc giết người là công việc hằng ngày chứ không phải vì thú vui. Nhưng Grese thì khác, cô ta thích thú với những màn tra tấn. Cô ta đã bắt đầu đánh đập tù nhân từ khi còn ở Ravensbrück, như một phần trong chương trình huấn luyện.
Mức lương của cô ta lúc này là 54 Reichsmark mỗi tháng - thấp hơn nhiều so với các đồng nghiệp. Người ta suy đoán rằng cô ta được đào tạo bởi Theodora Binz, một trong những giám thị tàn bạo nhất Ravensbrück. Binz đã phục vụ tại trại này trong suốt chiến tranh, trở thành giám thị trưởng vào năm 1943 và giữ chức vụ này đến cuối cuộc chiến.
Năm 1947, Binz bị kết án tử hình và bị treo cổ tại Hameln, Đức.
Năm 19 tuổi, Irma Grese sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp theo trong sự nghiệp tàn bạo và tội ác của mình. Tháng 3/1943, cô ta nhận lệnh điều chuyển đến trại Auschwitz-Birkenau gần Krakow, Ba Lan. Trước khi chuyển đến đây, cô ta đã về thăm cha trong bộ quân phục SS. Vì cha cô ta căm ghét tất cả những gì liên quan đến Đức Quốc Xã, nên Irma biết điều này sẽ khiến ông nổi giận, nhưng dường như ông không quan tâm. Trong chuyến thăm đó, cha cô ta đã hỏi về công việc ở Ravensbrück. Hai cha con cãi vã kịch liệt về sự nghiệp trong SS và ông nói cô ta không bao giờ được quay về nhà nữa. Dường như ông cũng đã đánh con gái.
Tại phiên tòa, khi công tố viên người Anh, ông T.M. Backhouse, hỏi về sự kiện này, Irma đã bật khóc ngay tại tòa. Em gái Helene đã xác nhận chị gái bị cha đánh trong phiên xét xử. Mặc dù bị cha ngược đãi, có vẻ như Irma vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi sự ghẻ lạnh của ông và sự phản đối đối với con người mà cô ta đã trở thành. Điều này khiến sự oán hận và thù ghét trong Irma ngày càng lớn dần. Cô ta căm ghét cha mình và lòng căm ghét đó không bao giờ nguôi ngoai.
Khi đến Auschwitz-Birkenau, Grese được phân công đến khu trại dành cho phụ nữ tại BII/b ở Birkenau - nơi diễn ra các cuộc giết chóc hàng loạt bằng hơi ngạt và thiêu xác các nạn nhân của Đệ tam Đế chế. Khi cô ta đến, bốn lò hỏa thiêu lớn đã được xây dựng và gần hoàn tất để phục vụ cho những năm còn lại của cuộc diệt chủng Holocaust. Ngoài ra, cô ta còn thực hiện các nhiệm vụ khác như chỉ huy đội làm vườn, làm tổng đài viên và kiểm duyệt thư từ. Nhiệm vụ này kéo dài trong 14 tháng.
Tháng 5/1944, Grese được thăng chức lên Oberaufseherin - cấp bậc cao thứ hai mà một nữ giám thị SS có thể đạt được - và được giao nhiệm vụ giám sát 30.000 nữ tù nhân trong khu trại BII/c của Birkenau. Trong vai trò này, cô ta trở nên khét tiếng và nhiều người sống sót nhớ đến hình ảnh cô ta đi đôi bốt nặng nề, cầm một cây roi và một khẩu súng ngắn. Tất cả các nhân chứng đều nhắc đến ba vật dụng tàn bạo này mà Grese luôn mang theo và sử dụng.
Cô ta cũng nổi tiếng với vẻ đẹp của mình. Những người sống sót gọi cô ta là “Quái vật xinh đẹp”, “Thiên thần tóc vàng” và “Thiên thần tóc vàng của địa ngục”. Cô ta có mái tóc vàng tự nhiên, đôi mắt xanh và luôn mặc những bộ quân phục được cắt may hoàn hảo. Cô ta cũng rất thích các loại nước hoa đắt tiền và hiếm có, thứ mà cô ta dùng để hành hạ các tù nhân dưới quyền - những người sống trong cảnh bẩn thỉu, kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, chỉ biết mơ về mái ấm, thức ăn, quần áo đẹp và những xa xỉ phẩm như nước hoa mà Grese khoác lên mình.
Bác sĩ tù nhân Gisella Perl, tác giả cuốn “I Was a Doctor in Auschwitz” (tạm dịch: Tôi từng là bác sĩ ở Auschwitz), viết: “Cô ta là người phụ nữ đẹp nhất mà tôi từng thấy. Gương mặt có đường nét thiên thần và đôi mắt xanh ấy sống động, trong sáng đến khó tin”. Olga Lengyel, một bác sĩ tù nhân khác và là tác giả cuốn “Five Chimneys” (tạm dịch: Năm ống khói), nhận xét về Grese: “Thật khó tin rằng một cô gái xinh đẹp như vậy lại có thể tàn ác đến thế. Khi cô ta đi qua trại với một cây roi trong tay, mùi nước hoa xa xỉ luôn tỏa ra quanh cô ta”.
Nhờ số tài sản cướp đoạt từ những nạn nhân bị sát hại ở Birkenau, Irma có thể lựa chọn những bộ quần áo đẹp nhất từ khắp châu Âu. Madame Grete, một thợ may và từng là chủ một cửa hàng thời trang danh tiếng ở Vienna và Budapest, đã may váy cho Grese. Cô ta đặc biệt yêu thích một chiếc áo khoác màu xanh da trời đi kèm với cà vạt xanh đậm.
Irma dành nhiều giờ trước gương để tạo kiểu tóc. Cô ta tưởng tượng mình là một ngôi sao điện ảnh và từng tuyên bố: “Sau chiến tranh, tôi sẽ trở thành diễn viên. Các người sẽ thấy tên tôi xuất hiện trên màn ảnh. Tôi hiểu về cuộc sống và đã chứng kiến nhiều điều. Tôi tin rằng những trải nghiệm này sẽ giúp ích cho sự nghiệp nghệ thuật của tôi”.
Đón đọc kỳ 3: Nữ giám thị tàn bạo