05:19 21/05/2015

Ireland “nóng” trước trưng cầu ý dân về hôn nhân đồng giới

Cử tri Ireland có thể làm nên lịch sử trong tuần này khi họ tham gia một cuộc trưng cầu ý dân để trả lời câu hỏi liệu họ có muốn luật cho phép hôn nhân đồng giới hay không.

Cử tri Ireland có thể làm nên lịch sử trong tuần này khi họ tham gia một cuộc trưng cầu ý dân để trả lời câu hỏi liệu họ có muốn luật cho phép hôn nhân đồng giới hay không. Vấn đề này có thể đưa đất nước vốn có truyền thống bảo thủ trở thành một trong những quốc gia có quan điểm tiên tiến nhất thế giới.

Ireland tranh luận gay gắt về hôn nhân đồng tính.


Chiến dịch vận động của cả phe ủng hộ và phe phản đối suốt thời gian qua đã bộc lộ khoảng cách lớn giữa cử tri trẻ và cử tri nhiều tuổi. Chiến dịch thậm chí còn gây chia rẽ cộng đồng doanh nghiệp tại Ireland khi phần lớn các công ty nội địa từ chối tham gia cuộc trưng cầu trong khi các công ty công nghệ Mỹ tuyển dụng hàng nghìn cử tri trẻ ở Ireland lại ráo riết kêu gọi nhân viên của họ bỏ phiếu "có".

Nếu như ngày 22/5 tới đây, cử tri Ireland bỏ phiếu ủng hộ trao cho các cặp đồng giới quyền dân sự được kết hôn như những cặp đôi nam nữ khác, Ireland sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng giới thông qua trưng cầu ý dân thay vì thông qua văn bản luật hay qua phán quyết tòa án. Bốn cuộc thăm dò dư luận trong tuần qua cho thấy đa số cử tri ủng hộ hôn nhân đồng giới. Mức độ ủng hộ dao động từ 53% tới 69%.

Tại Ireland, hôn nhân đồng giới được hầu hết các chính đảng, giới truyền thông, người lao động, nghiệp đoàn, sinh viên và các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực thể thao và âm nhạc ủng hộ. Những người này cho rằng chấp nhận bình đẳng hôn nhân sẽ không thay đổi khái niệm hôn nhân và đó là điều bình đẳng cho mọi công dân Ireland. Bà Katherine Zappone, thành viên Thượng viện Ireland và cũng là một nhà vận động nhiệt tình cho bỏ phiếu "có" nói: "Hôn nhân đồng giới đang ngày càng trở nên phổ biến trong một xã hội hiện đại và Ireland đang chuyển mình theo kỷ nguyên này".

Những tiếng nói phản đối chủ yếu thuộc về liên minh gia đình và các nhóm tôn giáo, cho rằng cho phép hôn nhân đồng giới sẽ thay đổi quan niệm gia đình truyền thống sang một nghĩa "không thể chấp nhận được" với nhiều người Ireland. Ông Tom Hennigan, cố vấn của tổ chức "Những vấn đề của Bố và Mẹ", một trong những nhóm hàng đầu vận động bỏ phiếu "không", lập luận: "Nếu chúng ta không định nghĩa lại hôn nhân, tại sao chúng ta lại đề nghị thay đổi hiến pháp?”

Người Ireland từng được hỏi ý kiến về việc thay đổi hiến pháp để thực hiện những tiêu chuẩn xã hội tự do hơn và đôi khi họ miễn cưỡng làm như vậy. Người Ireland mới được phép ly hôn vào năm 1995 sau khi trải qua cuộc trưng cầu ý dân thứ hai. Còn ở cuộc trưng cầu ý dân sắp tới, phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc sẽ có bao nhiêu người thực sự bỏ phiếu. Giới sinh viên ủng hộ mạnh mẽ hôn nhân đồng giới nhưng cuộc trưng cầu ý dân lại diễn ra trùng ngày với kỳ thi đại học.

Thủ tướng Ireland Enda Kenny đã kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu bất luận kết quả như thế nào. Các chức sắc Nhà thờ Thiên Chúa giáo cũng đề nghị người dân bỏ phiếu nhưng với sự dẫn dắt của khái niệm hôn nhân theo truyền thống tôn giáo.

Brian Barrington, một luật sư đang tích cực gõ cửa từng nhà vận động bỏ phiếu ủng hộ hôn nhân đồng tính, nói rằng kết quả phần nhiều sẽ phụ thuộc vào cử tri thuộc tầng lớp lao động ở Dublin, đặc biệt là phụ nữ. Theo ông, tầng lớp này chính là khối cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ ly hôn trong cuộc trưng cầu ý dân thứ hai 20 năm trước đây. Ông Barrington nói: "Họ đã nghiêng về bên 'có' trong cuộc trưng cầu ý dân về ly hôn và có bằng chứng cho rằng tiến trình này sẽ tiếp tục".

Ibec, tổ chức vận động hành lang của giới nhân viên tại Ireland, nói rằng một cuộc bỏ phiếu "có" sẽ "tốt cho Ireland, tốt cho doanh nghiệp và tốt cho các cá nhân". IDA Ireland, một cơ quan đầu tư hướng nội, cũng đồng tình với quan điểm này. Trong khi đó, các công ty công nghệ Mỹ đã khiến phe nói "không" nổi giận bằng việc kêu gọi bỏ phiếu "có", nhắc lại quan điểm của họ ủng hộ hôn nhân đồng tính tại Mỹ. "Chúng tôi coi đây là một vấn đề bình đẳng", ông Ronan Harris, Giám đốc Google tại Ireland, nói. Twitter và eBay cũng có quan điểm tương tự.


Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Anh)