05:10 08/05/2014

Iraq chưa vơi nỗi lo nội chiến

Cuộc bầu cử quốc hội ở Iraq với tỷ lệ đi bầu cử cao, diễn ra khá an toàn khiến dư luận hy vọng nước này sắp thoát khỏi nguy cơ nội chiến. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của nhóm khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Sham (ISIS), hy vọng này chưa thể sớm trở thành hiện thực.

Cuộc bầu cử quốc hội ở Iraq với tỷ lệ đi bầu cử cao, diễn ra khá an toàn khiến dư luận hy vọng nước này sắp thoát khỏi nguy cơ nội chiến. Tuy nhiên, sự trỗi dậy của nhóm khủng bố mang tên Nhà nước Hồi giáo Iraq và Sham (ISIS), hy vọng này chưa thể sớm trở thành hiện thực.

 

ISIS là tổ chức đang có thế lực, hoạt động rất mạnh, đặc biệt là ở Iraq và Syria, vẫn được biết đến với cái tên “al-Qaeda ở Iraq”. Chúng còn được sự tham gia của các tay súng của nhiều nhóm phiến quân khác trong khu vực và được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng Hồi giáo dòng Sunni. ISIS bị cáo buộc là thủ phạm sát hại hàng chục nghìn người dân thường ở Iraq và Syria.


Tại Iraq hiện nay, nhóm ISIS đã thiết lập được mạng lưới chân rết bám sâu ở các tỉnh Anbar, Diyala và miền nam Baghdad. Tháng 2/2014, ISIS từng chống trả dữ dội và đánh bật các chiến dịch tấn công của quân đội chính phủ nhằm vào “thành trì” Fallujah, trung tâm của tỉnh Anbar cách Baghdad khoảng 70 km. Theo Liên hợp quốc, gần 73.000 gia đình ở Anbar đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy loạn.


Kể từ đầu năm nay, ISIS bắt đầu mở các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Baghdad. Nhờ nắm quyền kiểm soát đập nước chính ở Fallujah, phiến quân đã hai lần xả nước làm ngập các vùng dân cư nằm giữa Anbar và Baghdad. Chúng còn phá hoại đường ống dẫn dầu nhằm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của thủ đô. Đáp lại, các tay súng phiến quân theo phe Hồi giáo dòng Shiite cũng mở các cuộc tấn công trả đũa, vừa nhằm lấy lòng các chính đảng mà họ có mối quan hệ. Đặc biệt, trong các vụ tấn công mang màu sắc khủng bố này có những vụ thanh trừng tôn giáo nhằm vào thường dân theo dòng Sunni ở tỉnh Diyala, buộc hàng loạt người dân phải rời bỏ nhà cửa.


Sự lớn mạnh của ISIS và mối quan hệ giữa các tay súng dòng Shiite với quân đội Iraq hiện nay là một điềm xấu với nền chính trị quốc gia này. Người dân Iraq gần đây đã chứng kiến quá nhiều vụ đánh bom liều chết, khiến tổng cộng gần 2.800 người thiệt mạng từ đầu năm tới nay, trong đó có rất nhiều vụ được cho là nhằm kích động thù hằn tôn giáo giữa hai nhóm cộng đồng Sunni và Shiite. Nếu Thủ tướng Nouri al-Maliki thắng cử nhiệm kỳ ba, ông sẽ có rất nhiều việc phải làm nhằm triệt tận gốc các nhóm khủng bố dùng bạo lực nhằm vào dân thường, và xa hơn là tránh cho đất nước khỏi rơi vào một cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.

 

Thành Vinh