05:08 24/05/2012

Iran và Nhóm P5+1 đàm phán hạt nhân

Ngày 23/5, tại thủ đô Bátđa (Irắc), các quan chức Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã bắt đầu cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Têhêran.

Ngày 23/5, tại thủ đô Bátđa (Irắc), các quan chức Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã bắt đầu cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Têhêran. Theo giới phân tích, đến với cuộc đàm phán lần này, Nhóm P5+1 hy vọng có thể thuyết phục Iran đình chỉ một số hoạt động hạt nhân bị coi là “đáng lo ngại nhất”, trong khi Iran mong muốn những biện pháp trừng phạt đang áp đặt với nước này sẽ được nới lỏng.


Ông Michael Mann, phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, cho biết tại cuộc đàm phán, Nhóm P5+1 đã đưa ra một gói các đề xuất “có lợi” với Têhêran. Tin tức truyền thông cho biết, gói đề xuất trên bao gồm khôi phục các nỗ lực trước đây trong một thỏa thuận, theo đó Iran sẽ vận chuyển ra nước ngoài lượng urani đã làm giàu để đổi lại nhiên liệu cho một lò phản ứng sản xuất chất đồng vị y tế. Tuy nhiên các nguồn tin này, vốn được một nhà ngoại giao của Nhóm P5+1 cho là “khá chính xác”, cho biết Nhóm P5+1 sẽ không đề xuất việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt hiện có hoặc hoãn thực thi các hạn chế khác sẽ có hiệu lực như Iran mong muốn. Thay vào đó, Nhóm P5+1 sẽ cam kết với Iran không đưa ra các biện pháp trừng phạt mới, nới lỏng việc mua các linh kiện máy bay và khả năng ngừng lệnh cấm bảo hiểm của EU đối với các tàu vận chuyển dầu của Iran.


 

Một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: internet

 

Trong khi đó, theo hãng tin AFP, phía Iran cũng đã đưa ra một gói các đề xuất cho Nhóm P5+1. Một quan chức giấu tên của Iran cho hay, gói đề xuất này gồm năm điểm, dựa trên các nguyên tắc “từng bước và nhân nhượng lẫn nhau”. Trước thềm đàm phán, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 23/5 tuyên bố Iran dường như sẵn sàng đàm phán nghiêm túc về chương trình hạt nhân của nước này.

 

Cánh cửa đang mở tại Bátđa?


Mạng tin “Oil price” ngày 23/5 nhận định, trong thời gian diễn ra vòng đàm phán hạt nhân mới giữa Iran và Nhóm P5+1, châu Âu có thể phải nghiêm túc xem xét những tác động của kế hoạch trừng phạt của họ đối với dầu mỏ của Iran, dự kiến được thực thi từ ngày 1/7. Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn đang xem xét điều này. Theo “Oil Price”, Hy Lạp đang sụp đổ và toàn bộ Khu vực đồng euro đang gặp khó khăn. Kế hoạch cứu châu Âu, nhất là Hy Lạp và Khu vực đồng euro, sẽ bị cản trở nếu châu Âu vẫn thực hiện các lệnh trừng phạt từ ngày 1/7 đối với dầu mỏ của Iran. Mặc dù tại thời điểm này, Oasinhtơn không thể bắt đầu công khai bày tỏ mong muốn châu Âu nên ngừng các kế hoạch trừng phạt, nhưng chính quyền Obama biết hậu quả của các lệnh trừng phạt này của châu Âu sẽ là giá dầu cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới Mỹ cũng như Khu vực đồng euro.


“Oil Price” cho rằng, tất cả các bên, trừ Ixraen, đều muốn đạt được một thỏa thuận tại Bátđa. Các lệnh trừng phạt mạnh tay, đã được áp đặt, hiện hiệu quả và không cần có thêm vòng trừng phạt mới của châu Âu trong tháng 7 tới. Iran đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt, nếu châu Âu thực hiện các lệnh trừng phạt ngày 1/7, tình hình sẽ tồi tệ hơn theo cấp số nhân. Một cánh cửa cơ hội đang mở ra tại Bátđa khi mà bất chấp sự phản đối của Ixraen, phương Tây có thể đề xuất trì hoãn các lệnh trừng phạt từ ngày 1/7 của châu Âu, đảo ngược các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với việc bảo hiểm cho các tàu vận chuyển hóa dầu và dự kiến được mở rộng sang tàu chở dầu vào tháng 7.


H.H (Tổng hợp)