07:09 21/07/2025

Iran thông báo thời điểm đàm phán hạt nhân với nhóm E3

Ngày 21/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết nước này và 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) dự kiến tiến hành đàm phán hạt nhân vào ngày 25/7 tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei. Ảnh: THX/TTXVN

Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời người phát ngôn Esmaeil Baghaei nêu rõ: “Cuộc họp giữa Iran, Anh, Pháp và Đức sẽ diễn ra ở cấp thứ trưởng ngoại giao”.

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao của Đức ngày 20/7 cho biết nhóm 3 nước nói trên "đang liên lạc với Iran để sắp xếp các cuộc đàm phán tiếp trong tuần tới”.

Nhóm E3 đang thúc đẩy nối lại đàm phán với Iran để đạt “một thỏa thuận mạnh mẽ, có thể kiểm chứng và bền vững” về chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Trước đó vài ngày, Ngoại trưởng của nhóm E3 và Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi, kể từ khi Mỹ và Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran hồi giữa tháng 6 vừa qua. Sau cuộc điện đàm, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông báo nêu rõ, các ngoại trưởng đã thông báo với ông Araghchi về việc áp dụng cơ chế tái áp đặt trừng phạt (snapback) nếu Iran không đạt tiến triển cụ thể hướng tới thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này từ nay đến cuối tháng 8.

Các nhà ngoại giao châu Âu đang hối thúc Iran đạt tiến triển trong đàm phán hạt nhân trước thời hạn chót nói trên do quy định tái áp đặt trừng phạt sẽ hết hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Việc kích hoạt cơ chế này sẽ mất khoảng 30 ngày.

Tuy nhiên, trong thông điệp mới nhất vào ngày 20/7, Ngoại trưởng Iran Seyed Abbas Araghchi cho rằng nhóm E3 không nên làm suy yếu uy tín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) bằng cách kích hoạt cơ chế tái áp đặt trừng phạt (snapback) đối với Tehran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.

Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Iran cho rằng nhóm E3 không có "cơ sở pháp lý" để viện dẫn các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Nga và Trung Quốc) vào năm 2015 hoặc Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ vốn là những văn kiện cho phép tái kích hoạt trừng phạt quốc tế nếu Iran bị cho là vi phạm thỏa thuận. Ông Araghchi lập luận sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA vào năm 2018, Iran đã sử dụng mọi cơ chế giải quyết tranh chấp trước điều chỉnh các cam kết, trong khi nhóm E3 chưa thực hiện đầy đủ cam kết về nghĩa vụ và có những hành động mà Tehran cho là đồng thuận với chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington. Ngoại trưởng Araghchi khẳng định Iran sẵn sàng tiến hành “ngoại giao thực chất” nhưng cũng sẽ kiên quyết chống lại các hành động mang tính gây sức ép.
Đầu tuần trước, Ngoại trưởng Araqchi cho rằng EU/E3 cần gạt sang một bên các chính sách mang tính gây sức ép, trong đó có cơ chế "snapback” mà theo ông là không có đủ cơ sở pháp lý để triển khai.

Với sự trung gian của Oman, Iran và Mỹ đã tiến hành một số vòng đàm phán gián tiếp về chương trình hạt nhân kể từ tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên, các bên vẫn bất đồng sâu sắc, đặc biệt là về vấn đề làm giàu urani. Các nước phương Tây muốn Iran chấm dứt hoàn toàn chương trình làm giàu này để ngăn chặn nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân. Về phần mình, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Tiến trình đàm phán bị gián đoạn sau khi Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào nhiều mục tiêu quân sự và hạt nhân của Iran vào rạng sáng 13/6. Tiếp đó, đêm 21/6, Mỹ cũng tiến hành một đợt không kích lớn nhằm vào các cơ sở hạt nhân trọng yếu của nước Cộng hòa Hồi giáo. Đáp lại, Iran cũng không kích lãnh thổ Israel và tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Qatar. Sau khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngày 24/6, cả Iran và Mỹ đều đánh tín hiệu sẵn sàng quay lại bàn đàm phán, dù Tehran tuyên bố sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Nguyễn Hà (TTXVN)