05:10 09/05/2021

Iran sẽ hạn chế quyền tiếp cận của IAEA nếu đàm phán hạt nhân bế tắc

Iran sẽ tiếp tục hạn chế khả năng tiếp cận của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đối với các cơ sở hạt nhân của nước này trong vòng vài tuần, nếu phương Tây không đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân ở thủ đô Vienna của Áo.

Trên đây là cảnh báo mới nhất của nghị sĩ Mojtaba Zolnouri, người đứng đầu Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp giữa đại diện Iran và các cường quốc về khôi phục đàm phán hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) tại Vienna, Áo ngày 27/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, ngày 8/5, truyền thông khu vực dẫn lời nghị sĩ Zolnouri cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân diễn ra tại Vienna cho tới nay đã không tạo ra kết quả cụ thể. Ông nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng các bên sẽ phá vỡ thế bế tắc của các cuộc đàm phán và nỗ lực hướng tới một giải pháp. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài đến ngày 24/5, Iran sẽ thực thi luật hạt nhân của quốc hội buộc chính phủ phải gia tăng các hoạt động hạt nhân và hạn chế quyền tiếp cận của IAEA với các cơ sở hạt nhân của Iran".

Luật hạt nhân, được gọi chính thức là "Hành động Chiến lược nhằm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và bảo vệ các quyền của quốc gia”, vạch ra chiến lược từng bước để Iran tăng cường các hoạt động hạt nhân trong trường hợp các nước phương Tây không thực hiện các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Phát biểu với hãng thông tấn Tasnim, ông Zolnouri nhấn mạnh nếu thế bế tắc không được tháo gỡ,  thì theo luật chiến lược về dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, cơ hội để các nước phương Tây thực hiện nghĩa vụ của mình sẽ kết thúc vào ngày 24/5 tới và nước CH Hồi giáo Iran sẽ hành động theo luật này. Ông cho hay điều đầu tiên Iran sẽ thực hiện trong trường hợp các cuộc đàm phán ở Vienna thất bại là ngừng thực hiện Nghị định thư bổ sung đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Iran và các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 (gồm Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đã tiến hành thêm một cuộc họp trong ngày 7/5 tại Vienna để thảo luận về những diễn biến mới nhất liên quan đến thỏa thuận. Tại cuộc họp, các bên tham gia đã nhất trí thúc đẩy các cuộc đàm phán và chuẩn bị một dự thảo văn bản của thỏa thuận cuối cùng nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Cuộc họp ngày 7/5 đã đánh dấu sự khởi đầu  của vòng đàm phán hạt nhân thứ tư, đang diễn ra tại Vienna (Áo) trong khuôn khổ của Ủy ban Hỗn hợp về JCPOA.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 8/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho rằng cùng các cường quốc thế giới, Mỹ có nghĩa vụ góp phần khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Bình luận này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng hiện không rõ về mức độ nghiêm túc của Iran trong tiến trình đàm phán liên quan đến JCPOA.

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Zarif viết: "Khi chúng tôi nỗ lực khôi phục JCPOA ở Vienna… Hôm nay, Tổng thống Mỹ (Biden) phải quyết định liệu Mỹ tiếp tục không tôn trọng luật pháp hay tuân thủ pháp luật. Trách nhiệm nằm ở phía Mỹ, chứ không phải Iran".

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA đã được nối lại từ ngày 6/4 tại Vienna.  Trong khi các bên còn lại tham gia thảo luận trực tiếp tại khách sạn ở Vienna, phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp bằng hình thức trực tuyến tại một khách sạn khác gần đó, với Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò trung gian. Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran, vì vậy, Iran không chấp nhận việc Mỹ cử phái đoàn tham gia đàm phán trực tiếp nếu chưa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Nguyễn Trường (TTXVN)