04:07 26/04/2025

Iran sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 25/4 tuyên bố nước này sẵn sàng đóng góp vào việc xây dựng lòng tin giữa Ấn Độ và Pakistan, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng sau vụ tấn công khủng bố tại khu vực Jammu và Kashmir, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi phát biểu tại Tehran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Araghchi khẳng định: “Ấn Độ và Pakistan là những người láng giềng thân thiết của Iran… Tương tự các nước láng giềng khác, chúng tôi coi họ là ưu tiên hàng đầu. Tehran sẵn sàng sử dụng uy tín của mình tại Islamabad và New Delhi để thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn trong thời điểm khó khăn này”.

Quan hệ ngoại giao giữa Ấn Độ và Pakistan leo thang căng thẳng sau vụ tấn công khủng bố tại thị trấn Pahalgam thuộc khu vực Jammu và Kashmir hôm 22/4. New Delhi cáo buộc Islamabad có liên quan tới vụ việc. Ngày 24/4, cảnh sát khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đã công bố 3 phần tử khủng bố bị tình nghi dính líu đến vụ tấn công, trong đó có 2 đối tượng là công dân Pakistan, song không cung cấp thêm chi tiết hoặc bằng chứng về mối liên quan. Phía Pakistan đã bác bỏ các cáo buộc này.

Chú thích ảnh
Cửa khẩu Attari-Wagah ở biên giới Ấn Độ - Pakistan. Ảnh: Kyodo/TTXVN

New Delhi đã đưa ra một loạt biện pháp mạnh mẽ sau cuộc họp Ủy ban Nội các về An ninh Ấn Độ (CCS) do Thủ tướng Narendra Modi chủ trì vào tối 23/4. Trong đó, Ấn Độ tuyên bố hạ cấp quan hệ ngoại giao với Pakistan và đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn, trục xuất các tùy viên quân sự Pakistan, đóng cửa ngay lập tức cửa khẩu biên giới Attari - một trong những tuyến giao thương then chốt giữa hai nước, hủy bỏ toàn bộ thị thực SAARC (SVES) cấp cho công dân.

Đáp trả, Pakistan đã quyết định đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hoạt động thương mại và đóng cửa không phận đối với các hãng hàng không do Ấn Độ sở hữu hoặc điều hành, đồng thời phản đối việc New Delhi đình chỉ Hiệp ước nước sông Ấn được ký từ năm 1960 - vốn được coi là biểu tượng hiếm hoi của sự hợp tác song phương giữa hai nước. Văn phòng Thủ tướng Pakistan cũng nêu rõ các tùy viên quốc phòng, hải quân và không quân của Ấn Độ tại thủ đô Islamabad là những người không được hoan nghênh và được yêu cầu rời khỏi Pakistan ngay lập tức. Ngoài ra, thị thực đã cấp cho công dân Ấn Độ cũng bị hủy bỏ, ngoại trừ những người hành hương Ấn Độ viếng thăm đền thờ đạo Sikh tại Pakistan.

Nhật Ninh (TTXVN)