11:19 20/11/2018

Iran hối thúc EU đẩy nhanh tiến độ cứu thỏa thuận hạt nhân

Iran "thất vọng" với tiến độ chậm chạp của Liên minh châu Âu (EU) trong việc hỗ trợ Tehran theo thỏa thuận hạt nhân quốc tế sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này hồi tháng 5 vừa qua.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Tasnim ngày 20/11 dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cho biết ông tin rằng Tehran sẽ tìm kiếm những thị trường dầu mỏ dù những biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh.

Ngoại trưởng Zarif nêu rõ: "Luôn có những thị trường dầu mỏ. Điều này phụ thuộc vào những điều kiện và giá cả" và "tôi tin Iran sẽ luôn bán được dầu".

Theo quan chức này, Mỹ không tuân thủ những lời hứa và tất cả lệnh trừng phạt nhằm vào Iran là trái pháp luật và chống lại những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

EU được dự kiến sẽ đẩy nhanh những động thái nhằm giúp đỡ các công ty châu Âu tiếp tục giao thương với nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, ông Zarif nhấn mạnh: "Điều quan trọng là châu Âu đã đưa ra cam kết chính trị nhưng tiếc thay, cam kết này được thực hiện quá chậm".

Cùng ngày, Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cảnh báo việc một số nước được Mỹ miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt Iran đã xoa dịu các thị trường dầu mỏ song nền kinh tế toàn cầu vẫn rất mong manh.

Phát biểu với báo giới bên lề một hội nghị về năng lượng, ông Birol nêu rõ quyết định bất ngờ của Mỹ miễn trừ một số nước khỏi các biện pháp trừng phạt Iran đã giúp các thị trường có đủ nguồn cung dầu mỏ. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn đang trải qua một giai đoạn khó khăn và rất dễ bị tổn thương. Việc tăng sản lượng đã khiến các nước trên thế giới còn rất ít khả năng sản xuất. Do đó, ông đồng thời nhắc lại lời kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt tăng sản lượng tại cuộc họp vào tháng 12 tới. 

Tháng 5 vừa qua, Washington tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA).

Từ ngày 5/11, Mỹ đã khôi phục hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Iran, bao gồm các biện pháp cản trở ngành công nghiệp dầu mỏ của quốc gia này. Tuy nhiên, tính hiệu quả của các biện pháp này cho đến nay vẫn là một nghi vấn khi Mỹ liên tục đưa ra thông báo miễn trừ một số nước khỏi một phần các biện pháp trừng phạt, theo đó cho phép các nước này tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ của Tehran.

Điều này  trái ngược với những tuyên bố trước đó của Washington rằng sẽ tìm cách giảm lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran còn 0%. Trong khi đó, EU đã thành lập cơ chế đặc biệt giao dịch với Iran nhằm né tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Thùy An (TTXVN)