09:02 12/09/2019

Iran chỉ trích Mỹ và Israel gây sức ép 'thái quá' đối với chương trình hạt nhân

Ngày 11/9, Iran chỉ trích Mỹ và Israel âm mưu gây sức ép "thái quá" đối với chương trình hạt nhân của Tehran và cảnh báo nước Cộng hòa Hồi giáo này có thể sẽ không hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

Phát biểu trước cuộc họp của ban lãnh đạo IAEA, Đại sứ của Iran tại IAEA, ông Kazem Gharib Abadi khẳng định những phát biểu gần đây của giới chức Mỹ và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là “một âm mưu của Mỹ-Israel” nhằm gây sức ép đối với IAEA cũng như các hoạt động thanh sát cơ sở hạt nhân tại Iran.

Chú thích ảnh
 Đại sứ Iran tại IAEA, Kazem Gharib Abadi. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ông Abadi nhấn mạnh mọi âm mưu nhằm gây sức ép với IAEA sẽ chỉ làm tổn hại đến cả sự tín nhiệm của cơ quan này lẫn sự hợp tác “kịp thời, chủ động và mang tính xây dựng” của Iran với IAEA. Quan chức trên tuyên bố Iran chắc chắn sẽ có phản ứng riêng đối với những sức ép mà Mỹ và Israel gây ra, song không nêu cụ thể.

Ngày 9/9 vừa qua, Thủ tướng Israel Netanyahu cáo buộc Tehran đang phát triển các vũ khí hạt nhân tại một địa điểm bí mật ở thành phố Abadeh, phía Nam thành phố Isfahan nước này. Theo ông, Iran đã phá hủy cơ sở này sau khi bị phát hiện.

Một ngày trước đó, truyền thông khu vực dẫn nguồn 2 nhà ngoại giao tham gia vào quá trình IAEA thanh sát cơ sở hạt nhân Iran cho biết các mẫu phẩm môi trường mà IAEA thu thập được tại một địa điểm mà Thủ tướng Netanyahu khẳng định từng là “kho hạt nhân bí mật” tại Tehran đã cho thấy các dấu hiệu urani. IAEA kêu gọi Iran nhanh chóng phản hồi những nghi vấn của cơ quan này. 

Diễn biến mới nhất trên làm gia tăng sức ép đối với một số nước châu Âu nhằm nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này. Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau. Sau đó, Tehran tuyên bố giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.

Căng thẳng song phương liên tục leo thang sau các sự cố với các tàu chở dầu ở vùng Vịnh mà Washington cáo buộc Iran đứng sau trong khi Tehran bác bỏ. Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero treo cờ Anh tại Eo biển Hormuz hồi tháng 7 vừa qua với lý do "vi phạm luật hàng hải quốc tế", sau khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran gần Gibraltar, vùng lãnh thổ thuộc Anh, với cáo buộc tàu này vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chở dầu tới Syria.

Chính quyền Gibraltar đã thả tàu Grace 1 hồi tháng 8 vừa qua sau khi nhận được văn bản cam kết chính thức của Iran, theo đó tàu này sẽ không chuyển 2,1 triệu thùng dầu trên tàu đến Syria. Ngày 8/9, chính quyền Iran cho biết tàu chở dầu Adrian Darya 1, tên mới của tàu Grace 1, đã giao hàng sau khi cập bến tại khu vực Địa Trung Hải. Trong một tuyên bố ra ngày 10/9, Bộ Ngoại giao Anh khẳng định Iran đã vi phạm cam kết và chuyển lượng dầu trên tàu đến Syria.

Cùng ngày 11/9, Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad cho biết lượng dầu trên tàu này đã được bán trên biển cho một công ty tư nhân, đồng thời bác bỏ việc Tehran đã phá vỡ cam kết trước đó đối với tàu chở dầu này. 

Viết trên mạng xã hội Twitter, ông Baeidinejad cho biết tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, ông đã nhấn mạnh: “Hành động của chính quyền Anh đối với tàu chở dầu của Iran vi phạm luật pháp quốc tế. Các lệnh trừng phạt của EU không thể được áp dụng đối với những nước thứ ba”. Ông Baeidinejad nêu rõ tàu chở dầu Adrian Darya 1 đã bán dầu trên biển cho một công ty tư nhân và không vi phạm bất cứ nghĩa vụ nào. Vị đại sứ này lưu ý công ty tư nhân, chủ sở hữu dầu, quyết định điểm đến của số dầu nói trên.

Nguyễn Hằng (TTXVN)