12:00 24/12/2011

Irắc:Căng thẳng gia tăng

Tình hình an ninh chính trị tại Irắc đặc biệt căng thẳng sau khi thủ đô Bátđa bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ đánh bom hôm 22/12, khiến 69 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Tình hình an ninh chính trị tại Irắc đặc biệt căng thẳng sau khi thủ đô Bátđa bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ đánh bom hôm 22/12, khiến 69 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Các nhà phân tích cảnh báo, Irắc đang đối mặt với tình trạng bất ổn trong bối cảnh đối đầu chính trị gia tăng và Mỹ vừa rút quân khỏi nước này.


An ninh được tăng cường sau loạt vụ đánh bom ở Bátđa ngày 22/12. Ảnh: AFP/ TTXVN


Chính quyền Irắc cho rằng các vụ tấn công hôm 22/12 không phải là những vụ thông thường như lực lượng khủng bố quốc tế Al-Qaeda vẫn thực hiện. Thủ tướng Irắc Nuri al-Maliki cho rằng, các vụ tấn công này mang động cơ chính trị: "Thời gian và địa điểm xảy ra các vụ tấn công cho thấy mưu đồ chính trị của bọn tấn công”. Thiếu tướng Qassim Atta, phát ngôn viên của Bộ tư lệnh Bátđa, cũng nhận định: "Các vụ tấn công nhằm phá hoại tình hình an ninh nhằm làm giảm lòng tin của người dân vào lực lượng an ninh nước này, đặc biệt là sau khi quân đội Mỹ vừa rút đi chưa lâu".

Mặc dù cả ông Maliki và Atta đều không nêu rõ kẻ chủ mưu nhưng nhiều người cho rằng chính quyền Irắc nghi ngờ nhóm chính trị dòng Sunni có liên quan. Vụ tấn công hôm 22/12 diễn ra trong bối cảnh cuộc đối đầu chính trị gia tăng giữa Thủ tướng Maliki và nhóm Iraqiya của Phó Tổng thống dòng Sunni, ông Tariq al-Hashimi, và Phó Thủ tướng Salih al-Mutlak. Ông Hashimi, người đã bị Hội đồng thẩm phán tối cao Irắc phát lệnh bắt vì nghi dính líu đến khủng bố, cáo buộc Thủ tướng Maliki châm ngòi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Trong khi đó, ông Maliki cũng đề nghị quốc hội Irắc sa thải ông Mutlak sau khi bị ông này gọi là “kẻ độc tài”. Các nhà phân tích cảnh báo, thế đối địch chính trị giữa người dòng Sunni và Shiite có thể đưa đến một kỷ nguyên đổ máu mới ở Irắc.

Cuộc đàm phán giải quyết khủng hoảng chính trị ở Irắc dự kiến diễn ra ngày 23/12 đã bị hủy bỏ do hai đảng phái chính trong quốc hội là Liên minh quốc gia dòng Shiite của Thủ tướng Maliki và nhóm Iraqiya dòng Sunni từ chối tham gia.

Giáo sư chính trị thuộc Đại học Al-Turath, ông Samir al-Jubouri, cho rằng khi người Shiite chiếm đa số trong chính quyền và quân đội Irắc, người Sunni có thể phát động các cuộc tấn công. Theo Giáo sư Jubouri, loạt vụ tấn công hôm 22/12 có thể là màn khởi động và nếu có sự can thiệp của nước ngoài, tình hình sẽ càng phức tạp hơn. Trước đó, nhóm Iraqiya đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia điều tra vụ tấn công hôm 22/12.

Theo hãng tin Reuters, cơ quan tình báo Mỹ cũng đã cảnh báo Irắc có thể lún sâu hơn vào xung đột giáo phái sau khi quân Mỹ rút khỏi Irắc. Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mike Rogers cho rằng các vụ tấn công vừa qua không có gì bất ngờ khi Mỹ rút quân và để lại một khoảng trống an ninh.

Thùy Dương