04:07 02/04/2015

IPU 132 hành động vì mục tiêu chung

Diễn ra từ 28/3 đến 1/4/2015, tại Hà Nội, Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), gồm khoảng 70 phiên thảo luận và 70 cuộc tiếp xúc song phương được tổ chức, với chủ đề: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Diễn ra từ 28/3 đến 1/4/2015, tại Hà Nội, Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), gồm khoảng 70 phiên thảo luận và 70 cuộc tiếp xúc song phương được tổ chức, với chủ đề: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Các nội dung chính tại kỳ họp: Thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), thông qua việc thể chế hóa bằng luật pháp, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực cho việc thực hiện, giám sát hiệu quả các nội dung của SDGs, các vấn đề an ninh mạng, hình thành cơ chế mới về quản trị nước, luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, quyền con người, bình đẳng giới, các vấn đề của Liên hợp quốc...

Hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

IPU diễn ra đúng thời điểm chuẩn bị kết thúc 15 năm (2000-2015) thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và Liên hợp quốc đang thảo luận để chuẩn bị thông qua một Chương trình nghị sự về phát triển cho giai đoạn sau 2015.

Lễ khai mạc Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) được tổ chức trọng thể tại Nhà Quốc hội ở Thủ đô Hà Nội. TTXVN



Do đó, nội dung “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” của IPU -132 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và thiết thực. Các đại biểu tới từ các quốc gia đã tích cực trao đổi về vai trò, nhiệm vụ và biện pháp của các Quốc hội và Nghị viện để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra thông điệp thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của cộng đồng các nghị viện trên thế giới trong việc thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Thông qua hội nghị lần này, 90 triệu người dân Việt Nam đã kết nối với hơn 6 tỷ người dân khác trên thế giới. Các bạn đã không chỉ tổ chức sự kiện chu đáo mà các bạn cũng đã đóng góp cho nội dung của chương trình nghị sự của chúng ta và đưa ra một chủ đề mang tính thời sự...

Chủ tịch IPU Saber Chowdhury

Để đạt được mục tiêu đó, các đại biểu cũng nhất trí: Cần thông qua việc thể chế hóa bằng luật pháp, nâng cao nhận thức và huy động nguồn lực của xã hội và người dân, huy động nguồn lực, ngân sách, tài chính và kỹ thuật cho việc thực hiện, giám sát hiệu quả các nội dung của SDGs.

Nhìn lại quá trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, có thể thấy Việt Nam đã hết sức nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung về phát triển bền vững, tăng cường dân chủ, bảo vệ quyền con người, bình đẳng giới, quyền của trẻ em và các quyền cơ bản khác.

Về phía Việt Nam, từ một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh, đi lên từ điểm xuất phát thấp, Việt Nam ngày nay đang từng bước trở thành đối tác phát triển với nền kinh tế năng động, quan hệ đối ngoại rộng mở và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư nước ngoài. Các thành tựu quan trọng về tiến bộ xã hội của Việt Nam, trong đó có nhiều nội dung của “Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ” đã đạt được rất ấn tượng như: Xóa đói, giảm nghèo, phổ cập giáo dục, sử dụng nước sạch, phòng trừ dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS và bình đẳng giới đã được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tôn trọng luật pháp quốc tế là nền tảng phát triển

Một trong những ưu tiên của chương trình nghị sự Đại hội đồng IPU -132 là “biến lời nói thành hành động" để luật pháp và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được tôn trọng các thỏa thuận, các quy tắc ứng xử trong quan hệ giữa các quốc gia được thực hiện nghiêm túc các tranh chấp, bất đồng được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, và các dân tộc đều có quyền bình đẳng.

IPU là tổ chức với 166 nghị viện thành viên, 45.000 nghị sỹ, đại diện cho 6,5 tỷ người dân trên thế giới. Từ ý tưởng khởi nguồn của các thành viên sáng lập mong muốn xây dựng một thể chế hợp tác liên nghị viện quốc tế, suốt chặng đường lịch sử gần 130 năm qua, IPU đã trở thành diễn đàn nghị viện đa phương quan trọng nhất trên thế giới, có những đóng góp tích cực và to lớn cho hòa bình, hợp tác, phát triển, dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội và các quyền con người. Sự tồn tại, phát triển và ngày càng lớn mạnh của IPU trước mọi biến thiên của lịch sử là minh chứng hùng hồn về vai trò quan trọng của lập pháp trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và phồn vinh.

Chính vì vậy, vai trò của IPU đối với hòa bình, phát triển trên toàn thế giới là đặc biệt quan trọng. Để có thể thực hiện được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, mỗi quốc gia, mỗi khu vực cần có sự hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. IPU là cầu nối để hiện thực hóa nền tảng ổn định đó, làm cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn thế giới nói chung và từng khu vực nói riêng.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của IPU cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nỗ lực hết sức mình cùng nhân dân các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng. Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp, các bất đồng giữa các quốc gia, trong đó có vấn đề Biển Đông, bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các thỏa thuận giữa các nước trong khu vực, phản đối sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.

Tăng cường hiệu quả sứ mệnh của Liên Hợp quốc

Trong khuôn khổ IPU-132, Ủy ban Thường trực về các Vấn đề Liên hợp quốc đã thảo luận chuyên đề về kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hợp quốc. Nội dung này được nhiều đại biểu quan tâm, với những thông tin đánh giá tổng quan về các thành tựu và thách thức đối với Liên hợp quốc sau 70 năm thành lập với vai trò là tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên của thế giới.

Diễn đàn của Nghị sĩ trẻ IPU-132

Trong khuôn khổ IPU - 132, diễn ra Diễn đàn nghị sĩ trẻ IPU. Nghị sĩ trẻ các nước đã chia sẻ ý kiến của mình với quan điểm của giới trẻ về hai dự thảo nghị quyết tại Đại hội đồng IPU 132 về chủ đề: Chiến tranh mạng - sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới và Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước.

Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa Chính phủ các nước, người dân trên toàn thế giới để đối phó với những cuộc tấn công mạng đang là nguy cơ đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, trong đó, vai trò của các nghị sĩ trẻ là rất quan trọng.

Tham gia diễn đàn, các đại biểu Quốc hội trẻ của Việt Nam đã góp ý kiến vào chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, đoàn Việt Nam đề xuất các giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong đó nhấn mạnh nghị viện các nước cần điều chỉnh luật pháp, chính sách về quản lý nguồn nước; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ và tăng trữ lượng nguồn nước xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các nghị viện để tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc quản lý nguồn nước và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung như trong tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, Liên hợp quốc cần gì để thực hiện nhiệm vụ và sứ mệnh của mình hiệu quả hơn. Mối quan hệ giữa Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương, ví dụ như G20; tác động của phương tiện truyền thông xã hội trong việc khuyến khích trao đổi trực tiếp xuyên quốc gia giữa các công dân. Những vấn đề còn tồn đọng của quá trình cải cách Hội đồng Bảo an với vai trò là một cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc, có ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề trên thế giới.

Tại phiên thảo luận này, ông Hà Minh Huệ, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, thành viên Tiểu ban Nội dung đã có bài phát biểu, kiến nghị Liên hợp quốc, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc cần đẩy nhanh tiến trình cải tổ. Theo ông Hà Minh Huệ, tiến trình này cần được tiến hành một cách toàn diện, cân bằng, minh bạch, bình đẳng và đáp ứng lợi ích của các nước thành viên. Trong thời gian đảm nhận vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã tích cực đóng góp thúc đẩy quá trình cải tổ phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an kể cả trong quan hệ giữa cơ quan này với Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Việt Nam ủng hộ các nỗ lực cải tổ các hoạt động phát triển của Liên hợp quốc và đang tích cực thực hiện sáng kiến “Một Liên hợp quốc” nhằm đáp ứng tốt nhất các ưu tiên của quốc gia, phát huy vai trò làm chủ của Chính phủ và nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển của Liên hợp quốc ở các nước.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong lĩnh vực này. Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia vào Cơ chế Thương lượng liên Chính phủ về cải tổ Liên hợp quốc.

An ninh mạng - vấn đề toàn cầu

Trong chương trình nghị sự trong khuôn khổ IPU-132, Ủy ban thường trực về hòa bình và an ninh quốc tế thảo luận dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới".

Trong những năm qua, việc sử dụng Internet và các hệ thống máy tính kết nối ngày càng lớn đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về số lượng các cuộc tấn công trên không gian mạng. Hầu hết các cuộc xung đột chính trị, kinh tế hay quân sự đều có sự tham gia của yếu tố công nghệ cao.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là vai trò nghị viện có thể hoặc nên thực hiện, đặc biệt là bằng cách sử dụng quyền lập pháp và giám sát của mình để đảm bảo rằng các Chính phủ tôn trọng các cam kết và nghĩa vụ hiện tại của mình hoặc tạo áp lực để khuyến khích họ đóng góp vào các hành động cụ thể khác.

Do đó, luật an ninh quốc tế đòi hỏi phải sửa đổi và cần có cách giải thích khác cho các quy định hiện hành nếu không áp dụng được hoàn toàn các quy tắc mới.

Ông Wang Xiao chu - đoàn Đại biểu quốc hội Trung Quốc nhấn mạnh: Cộng đồng quốc tế cần phải hợp tác với nhau để xây dựng một không gian mạng an toàn, ổn định và thịnh vượng vì hòa bình và an ninh thế giới.

Dự thảo Nghị quyết "Chiến tranh mạng - mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới" được thông qua Đại hội đồng IPU-132 sẽ góp phần cung cấp khả năng đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể có thể được thực hiện trong tương lai gần.

PV (Tổng hợp)