11:21 02/11/2022

Indonesia xem xét ý tưởng thành lập tổ chức cung cấp niken kiểu OPEC

Indonesia - quốc gia khai thác niken lớn nhất thế giới - đang xem xét ý tưởng thành lập một tổ chức kiểu OPEC để quản lý hoạt động cung cấp niken và một số kim loại quan trọng khác dùng trong sản xuất pin.

Chú thích ảnh
Một mỏ niken ở Nam Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Alamy

Theo trang oilprice.com ngày 2/11, nhu cầu về kim loại trong sản xuất pin như niken, lithi, đồng và coban dự kiến ​​tăng cao trong những thập kỷ tới để đáp ứng nhu cầu gia tăng về pin cho xe điện và lưu trữ năng lượng. Trong bối cảnh đó, xuất hiện ý tưởng rằng một số quốc gia giàu tài nguyên này sẽ tận dụng lợi thế có nhiều mỏ khoáng sản và tìm cách kiểm soát một phần thị trường trong tương lai.

Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được đăng trong tuần này: “Tôi thấy lợi ích của việc thiết lập OPEC để quản lý, điều hành thương mại dầu mỏ và giúp nhà đầu tư và người tiêu dùng tiềm năng có thể dự báo về dầu. Indonesia đang nghiên cứu khả năng hình thành một cơ cấu quản trị tương tự đối với các khoáng sản mà chúng tôi có, như niken, coban và mangan”.

Bộ Đầu tư Indonesia cho biết nước này vẫn chưa liên hệ với các nước sản xuất niken khác để thảo luận về ý tưởng kiểu OPEC, đồng thời cho biết họ vẫn đang nghiên cứu cơ cấu quản trị của một liên minh trong tương lai mà nước này có thể đề xuất với các nhà sản xuất khác.

Tuy nhiên, sao chép mô hình của OPEC nói dễ hơn làm. Không giống như tài nguyên dầu mỏ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC, các hoạt động khai thác ở Indonesia và các nhà sản xuất niken lớn khác do nhiều công ty tư nhân hoặc các tổ chức Trung Quốc kiểm soát.

Hơn nữa, các nhà sản xuất và sở hữu quặng niken lớn nhất là một nhóm đa dạng các quốc gia với các điều kiện thị trường và chính trị rất khác nhau, dường như không có điểm chung, lợi ích trong hình thành một mô hình như OPEC. Ngoài Indonesia, các nhà sản xuất niken còn có Nga, Canada, Australia và Mỹ, mặc dù Mỹ không có nhiều tài nguyên hoặc sản lượng so với Indonesia, Philippines, Nga hoặc Australia.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Indonesia và Australia có trữ lượng niken lớn nhất thế giới, mỗi nước khoảng 21 triệu tấn. Tuy nhiên, Indonesia là nhà sản xuất niken hàng đầu, tiếp theo là Philippines và Nga. Nhưng Nga chiếm gần 20% nguồn cung cấp niken loại 1 trên toàn cầu, loại niken cần thiết cho pin.

Niken chủ yếu có trong hai loại trầm tích - sunfua và đá ong. Các mỏ sunfua chủ yếu nằm ở Nga, Canada và Australia, thường chứa niken cao cấp hơn, dễ được chế biến thành niken cấp 1 cho pin. Indonesia cũng như Philippines có mỏ đá ong để sản xuất niken loại thấp hơn và cần phải xử lý tốn nhiều năng lượng mới trở thành niken sử dụng trong pin.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói: “Mặc dù Indonesia sản xuất khoảng 40% tổng lượng niken, nhưng số này hiện được sử dụng rất ít trong chuỗi cung ứng pin cho xe điện. Các nhà sản xuất niken loại 1 dành cho pin lớn nhất là Nga, Canada và Australia.

Chú thích ảnh
Pin cho xe điện được sản xuất tại nhà máy ở Dongguan, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Indonesia đặt mục tiêu phát triển ngành niken hạ nguồn và đã cấm xuất khẩu quặng niken vào năm 2020. Động thái này khiến Liên minh châu Âu (EU) khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Do đó, EU, Mỹ, Canada và Australica có thể phản ứng nếu có một tổ chức kim loại kiểu OPEC do Indonesia lãnh đạo.

Lệnh cấm của Indonesia cũng đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc đầu tư vào chuỗi cung ứng niken của Indonesia. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư và cam kết khoảng 30 tỷ USD vào chuỗi cung ứng niken của Indonesia.

Không giống như OPEC, Indonesia không có một thực thể nhà nước kiểm soát việc sản xuất niken. Tsingshan của Trung Quốc và Vale của Brazil là những nhà sản xuất niken lớn ở Indonesia.

Cũng có những lo ngại về tác động môi trường của các dự án nikel vì phát thải nhiều. Hàng chục tổ chức môi trường của Mỹ và Indonesia đã gửi thư ngỏ vào tháng 7 tới tỷ phú Elon Musk và các cổ đông của Tesla, kêu gọi họ chấm dứt kế hoạch đầu tư của Tesla vào ngành niken ở Indonesia do những tác động có khả năng tàn phá đối với môi trường và cuộc sống của người dân Indonesia.

Thùy Dương/Báo Tin tức